Nặng gánh chi phí lần đầu.
Ông Mai Văn Phú, Giám đốc Trung tâm điều hành liên minh rau sạch (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay việc cấp giấy chứng nhận VietGAP chủ yếu do các sở Nông nghiệp và PTNT phụ trách. Tại TP Hồ Chí Minh, hiện Trung tâm tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp là đơn vị trực tiếp cấp giấy chứng nhận VietGAP cho nông dân. Đơn vị này được nhà nước hỗ trợ nên đang cấp giấy chứng nhận miễn phí, song không phải ở đâu cũng làm được điều đó.
Theo ông Phú, nếu chỉ tính riêng phần phí khảo sát đánh giá và cấp giấy chứng nhận thì không quá cao (đối với sản xuất rau an toàn VietGAP là khoảng 15-20 triệu đồng cho 1 trang trại 10ha). Tuy nhiên, ngoài khoản phí này, đơn vị đề nghị cấp giấy còn phải chi nhiều khoản để hoàn thiện quy trình sản xuất theo đúng yêu cầu. Nặng nhất là các chi phí phân tích, đánh giá mẫu đất, nước, tư vấn, đào tạo nhân viên, xây dựng các hạng mục sinh hoạt, tổ chức hồ sơ cấp giấy tờ… nên tổng số tiền cần chi có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Nếu không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thì HTX, tổ hợp tác, trang trại không thể nào làm được.
Đồng quan điểm với ông Phú. Bà Võ Mai, Phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cũng cho rằng Nhà nước cần xem xét,chấn chỉnh lại việc cấp giấy chứng nhậnVietGAP và GlobalGAP. Theo bà chi phí để thanh tra, cấp giấy chứng nậhn VietGAP còn quá cao và không theo một quy định cụ thể nào . “Chi phí thanh tra 1-2 lần để lập dữ liệu, cấp chứng nhận cho 5 ha bưởi là hết tới 70 triệu đồng thì quá đắt với nông dân”, Bà Mai nói.
TS. Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng một số mô hình DN, chính quyền hỗ trợ cấp chứng nhận lần đầu, sau 1 năm hết hạn, rất ít đơn vị tái chứng nhận vì chi phí quá cao lên tới 70-80 chục triệu đồng nên ít người thiết tha làm. “Muốn mô hình GAP thành công, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất. Nhà nước không chỉ đầu tư tiền bạc mà phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có tâm huyết và sống chết với chương trình GAP”, ông Hòa đề nghị.
Xã hội hóa sản xuất nông nghiệp GAP
Ông Phú cho biết, việc tính chi phí cấp giấy chứng nhận nông sản GAP thường tùy từng trường hợp, nếu là mô hình sản xuất tập trung thì lấy mẫu cần lấy để phân tích ít đi, theo đó chi phí sẽ giảm, ngược lại, nếu xé lẻ ra nhiều nơi thì chi phí đội lên.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức sản xuất rau theo quy trình VietGAP, ông Phú cho rằng, khi bà con tổ chức thực hiện canh tác VietGAP cần tham khảo thật kỹ các mô hình đã thành công, làm sao để càng tổ chức sản xuất tập trung thì càng tốn ít chi phí để kiểm tra, cấp giấy chứng nhận.
Còn theo bà Mai, để VietGAP có thể tồn tại và phát triển tốt, bên cạnh việc tổ chức, quản lý lại việc thu phí chứng nhận. Bộ Nông nghiệp và PTNT, chính quyền các địa phương cần bám sát chương trình xây dựng các HTX, tổ hợp tác VietGAP, GlobalGAP ở địa phương và đưa ra chính sách, hỗ trợ cụ thể. Không những hỗ trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận mà còn xây dựng để hoàn thiện cả chuỗi cung ứng nông sản GAP, để đầu ra cho sản phẩm được thuận lợi. Và điều quan trọng là cần xã hội hóa việc sản xuất nông nghiệp theo quy trình GAP.
Nguồn tin: Kinh tế nông thôn