Cây ăn trái Đồng bằng sông Cửu Long: Những phát triển mới

Thứ bảy - 28/12/2019 10:32   1264

1. Hiện trạng sản xuất trái cây ở ĐBSCL Nhiều người do chưa hiểu rành về trái cây Việt Nam, nên thỉnh thoảng tôi vẫn nghe họ nói sầu riêng Thái ngon hơn sầu riêng Việt Nam. Thật ra, nhiều loại trái cây ở ĐBSCL không hề kém về chất lượng nếu so với trái cùng loại của Thái lan như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, nhãn xuồng cơm vàng, sapo Mặc Bắc, chôm chôm nhãn, măng cụt, sầu riêng Ri-6, chuối cau, khóm Cầu Đúc, quýt đường, quýt hồng, cam sành, thanh long đỏ Long Định 1, và những loại đặc hữu chỉ Việt Nam mới có trồng như: vú sữa Lò rèn, sơ ri Gò Công.
Nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP trên thanh long, xoài cát, khóm, vú sữa, bưởi, nhãn, chôm chôm đã được chứng nhận GAP trong các năm qua. Tất cả góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam trong những năm gần đây, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu  liên tục trong 5 năm qua. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 471 triệu đô la, tăng 7,4% so với năm 2009, và vẫn duy trì được mức xuất siêu trên 50 triệu đô la như năm 2009. Năm 2010 xuất khẩu thanh long vào Hoa kỳ đã tăng nhiều lần so với năm 2009 .Năm 2010, nông dân trồng thanh long ờ Bình Thuận, Tiền Giang rất phấn khởi cho tết lớn vì thanh long vừa được mùa, vừa được giá. Sở dĩ thanh long xuất khẩu tăng nhiều so với các loại trái cây ngon khác là vì thanh long được chuyên canh và được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích lớn, bên cạnh đó chúng ta đã có 2 nhà máy để diệt trứng và ấu trứng ruồi đục trái trước khi xuất thanh long vào thị trường cao cấp là Hoa Kỳ, Nhật… Trước đây chỉ 4-5 năm thôi, chúng tôi không dám nghĩ đến việc chúng ta có thể xuất trái cây tươi vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật.

Tuy vậy, chúng ta chưa xuất khẩu được nhiều các trái cây khác như bưởi, xoài, nhãn, chôm chôm là do các nguyên nhân chủ yếu sau đây: sản xuất trái cây ở ĐBSCL theo kiểu vườn tạp, nông dân chưa liên kết được với doanh nghiệp nên khi thu hoạch nông dân phải tự tìm đầu ra, các điểm thu mua trái cây khi đóng gói thì nhà đóng gói ở ĐBSCL làm rất khác các nước, trái cây của chúng ta hầu hết đều được đóng vào những thùng hàng công nghiệp đã sử dụng như thùng xà bông, thuốc lá, dầu ăn… nên tỷ lệ trái bị hư hỏng rất cao trong lúc vận chuyển, nhiều người phỏng đoán đến 20-25% trái bị hư hỏng. Chừng nào còn sản xuất nhỏ lẻ, trồng tạp nhiều loài trong cùng một vườn, nhà vườn còn chưa liên kết với nhau, còn bán tại vườn, còn đóng gói lạc hậu, và đất nước còn tiếp thị chưa đủ, thì không thể nghĩ đến việc xuất khẩu nhiều như Thái Lan, Trung Quốc được. Ngay cả Trung Quốc, trái cây họ xuất qua Việt Nam đều được đóng thùng, và trên thùng để cả chữ Việt Nam như “cam chọn lựa”.

Từ hiện trạng trái cây ĐBSCL như trên, để cải tiến chúng ta phải tổ chức lại sản xuất theo hướng: liên kết nông dân, xây dựng vùng chuyên canh lớn, và sản xuất theo những tiêu chuẩn GlobalGAP/VietGAP, nếu chuyên chở xa phải đóng gói vào những thùng carton chuyên cho từng loại, thì trái cây mới xuất khẩu nhiều lên được.

2. Nét mới trong sản xuất và xuất khẩu trái cây năm 2011

Cuối năm 2010, Hoa Kỳ thông báo là trong năm 2011 sẽ cho phép nhãn và chôm chôm của Việt Nam được nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Như vậy, thị trường Hoa Kỳ sẽ nhập khẩu thêm hai loại quả nữa từ Việt Nam so với các năm trước đây họ chỉ cho nhập thanh long.

Đầu năm 2011, chúng tôi được các cán bộ của Viện Cây ăn quả miền Nam thông báo một tin vui là mô hình bưởi da xanh ở Bến Tre do họ làm tư vấn đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chẩn VietGAP. Các mô hình nhãn và chôm chôm do các anh chị ở Viện làm tư vấn ở Tiền Giang, Bến Tre đã được các đơn vị chứng nhận đánh giá xong tháng 2/2011 và sẽ được cấp chứng nhận đạt VietGAP trong vài tháng tới. Việc được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP của nhãn và chôm chôm này là rất kịp thời sẽ giúp nhãn và chôm chôm hội đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy nguyên xuất xứ hàng hóa để được vào Hoa Kỳ.

Ngoài sự gia tăng xuất khẩu chủng loại trái cây vào thị trường Hoa Kỳ, trong đầu năm 2011, nhiều tỉnh của Trung Quốc bị hạn hán chưa từng có trong 60 năm qua, nên nhu cầu nhập khẩu trái cây nói riêng và lương thực, thực phẩm nói chung sẽ tăng nhiều trong năm 2011. Đây cũng là thị trường mà trái cây chúng ta có lợi thế về địa lý so với Thái Lan, Phi Luật Tân…

Hàn Quốc vừa thông báo cho phép trái thanh long Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc trong năm 2011.

Nếu năng động hơn, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ xuất bưởi nhiều hơn vào Bắc Mỹ (Canada), châu Âu (Hà Lan, Đức…), Hồng Kông, Singapore và Trung Quốc, vì bưởi ở ĐBSCL chẳng những ngon, giá phải chăng, mà còn cho trái quanh năm so với bưởi ở Trung Quốc hay ở miền Bắc Việt Nam chỉ cho trái trong những tháng cuối năm. Đây là một lợi thế, nhưng do chúng ta chưa tiếp thị nhiều nên một số nước nhập khẩu chưa biết. May mắn thay đã có Tạp chí Asia Fruit (Tạp chí Trái cây châu Á) hỗ trợ.

Ông John Hey, Tổng biên tập Tạp chí Asia Fruit, vừa cho đăng một bài giới thiệu trái bưởi Việt Nam trong số tháng 3/2011 trên Tạp chí danh giá này. Trong các tháng kế tiếp, ông cũng đã lên kế hoạch sẽ có bài giới thiệu trái xoài, trái sầu riêng Việt Nam. Việc này có được mà chúng ta không phải mất tiền quảng cáo là do ông Tổng biên tập của Tạp chí đã được Viện Cây ăn quả miền Nam mời sang Việt Nam báo cáo trong hội thảo “Trái cây Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế” được tổ chức vào tháng 4 năm 2010 tại Tiền Giang, nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Trái cây Việt Nam lần thứ 1 nên ông rất biết rõ chất lượng trái cây Việt Nam.

Như vậy, so với năm trước, năm 2011 nhiều loại trái cây như thanh long, nhãn, chôm chôm, bưởi sẽ thâm nhập vào các thị trường mà chúng ta quen gọi là thị trường khó tính, bán được giá cao như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, châu Âu. Cũng trong năm 2011, một dự án do Ngân hàng Thế giới cho chính phủ Việt Nam vay nhằm tăng cường Năng lực Cạnh tranh Nông nghiệp  được mở rộng phạm vi thực hiện đến các tỉnh ĐBSCL, và hai bên đã thống nhất chọn cây lúa và cây ăn trái để xây dựng các Liên minh sản xuất và tiêu thụ, bao gồm nhóm nông dân và doanh nghiệp. Qua dự án này, dự kiến sẽ xây dựng khoảng 35 nhóm Liên minh  sản xuất và tiêu thụ ở 22 huyện. Ngân hàng Thế giới sơ bộ đã thống nhất với Viện Cây ăn quả miền Nam chọn những cây ăn trái hiện có diện tích lớn và có giá trị cao ở  ĐBSCL là xoài, nhãn, bưởi, chôm chôm để xây dựng mới và mở rộng diện tích các mô hình sản xuất GAP đã được chứng nhận VietGAP trước  đây thành những vùng có diện tích lớn có qui mô cả 100 ha/mô hình, và nâng cấp các vườn ươm tư nhân ở các tỉnh, khi dự án kết thúc Pha 1 vào năm 2013 khả năng cạnh tranh cây ăn trái ĐBSCL sẽ tăng nhiều so với hiện nay. Để được hỗ trợ kinh phí, các mô hình Liên minh sản xuất gồm nông dân và doanh nghiệp phải xây dựng Đề án Liên kết sản xuất-tiêu thụ trên 4 loại cây ăn trái đã kể trên hoặc các loại trái cây khác nhưng phải là đặc sản của tỉnh như: quýt hồng ở Lai Vung, sầu riêng ở Cai Lậy, chuối xiêm ở Cà Mau… Nếu Đề án do Liên minh đệ trình được Ngân hàng Thế giới  chấp thuận thì Đề án sẽ được hỗ trợ 40% tổng số vốn cần để thực hiện mô hình và vốn hỗ trợ này không phải hoàn lại. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng, Trưởng ban Chỉ đạo Dự án “Tăng cường năng lực cạnh tranh nông nghiệp” của Bộ đã đặt hàng với Ngân hàng Thế Giới hôm họp ở Cần Thơ, ngày 01/03/2011, là dự án phải cùng với các tỉnh ĐBSCL và bà con nông dân xây dựng những mô hình có diện tích chuyên canh vài nghìn ha cho một cây/mô hình. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng yêu cầu mỗi tỉnh chọn 1-3 cây để Nhà nước hỗ trợ kinh phí cải tạo vườn tạp và xây dựng mô hình Liên minh Sản xuất- tiêu thụ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Đây là một chỉ đạo rất tốt cho phát triển sản xuất trái cây ăn trái ở ĐBSCL. Các cá nhân và tổ chức muốn xây dựng Liên minh Sản xuất- tiêu thụ trái cây có thể hỏi thêm chi tiết ở Dự án “Cạnh tranh nông nghiệp”, Ban quản lý các Dự án Nông nghiệp, tầng 3, toà nhà 2T, km số 9, đường Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội, về các qui định của Ngân hàng Thế giới để làm đề án cho đúng các qui định của nhà tài trợ.

3.Dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2011 sẽ đạt được bao nhiêu?

Với những điểm sáng ghi nhận từ đầu năm nay, hy vọng năm 2011 kim ngạch xuất rau quả năm 2011 sẽ tăng 30-40 triệu đô la so với kim ngạch xuất khẩu năm 2010 như kinh nghiệm của 5, 6 năm qua, và sẽ đạt kim ngạch khoảng 500-510 triệu đô la.

Chúng tôi nghĩ việc xây dựng các mô hình sản xuất những trái cây đặc sản ở ĐBSCL theo kiểu Liên minh, với vùng chuyên canh có diện tích lớn như kiểu cây thanh long ở Bình Thuận, và theo tiêu chuẩn GAP là một chủ trương đúng, nên sớm được Bộ, các tỉnh triển khai với sự hỗ trợ từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới của Chính phủ ta sẽ mang lại lợi ích  lớn cho nhà vườn và đất nước.

Như vậy, chủ trương đã đúng, kinh phí thực hiện cũng đã được dự kiến, vậy thì theo kinh nghiệm xây dựng vùng chuyên canh trái cây của Trung Quốc, chúng ta chỉ còn làm một việc tiếp theo là phân công Nhạc trưởng chịu trách nhiệm xây dựng vùng chuyên canh trái cây dặc sản ở 3 cấp: Bộ, tỉnh và huyện là sẽ biến tiềm năng xuất khẩu trái cây rất lớn của một xứ sở nhiệt đới thành hiện thực. Nếu làm như Thứ trưởng đã chỉ đạo, tôi tin tưởng chúng ta có khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu rau, hoa, quả các loại là 1,2 tỷ đô la/năm vào năm 2020.

Tác giả bài viết: PGS.TS Nguyễn Minh Châu

Nguồn tin: NNVN, ngày 9/3/2011

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,320,897
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay2,687
  • Tháng hiện tại49,555
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây