Cần chọn cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ hai - 30/12/2019 04:15   679
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang đe dọa nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL-vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam. Song, nhiều địa phương tại vùng ĐBSCL vẫn chưa quan tâm đúng mức cho các giải pháp chủ động ứng phó, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với yêu cầu tiết kiệm nguồn nước ngọt và giảm thiểu các thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Đây cũng chính là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra tại hội thảo "Đánh giá tác động của Biến đổi khí hậu lên chuỗi giá trị ngành lúa gạo và cây ăn trái ở ĐBSCL" do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ vừa tổ chức tại TP Cần Thơ.


Nước ngọt sẽ ngày càng khan hiếm

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, mỗi năm đóng góp hơn 70% sản lượng gạo và trái cây của cả nước. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất nông nghiệp này đang ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động nặng nề của BĐKH và dòng chảy sông Mê Công. Từ cuối năm 2015, mặn xâm nhập và hạn hán xảy ra nghiêm trọng tại nhiều nơi ở ĐBSCL khiến thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2016, do lượng dòng chảy từ sông Mê Công về ĐBSCL giảm mạnh cùng với các tác động của BĐKH và nước biển dâng, dẫn đến hầu hết các cửa sông mặn xâm nhập sâu từ 70-80km. Đây là năm hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng trong 100 năm qua, đã và đang gây nhiều tác động xấu đến các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng.


Thời gian qua, nhiều nông dân ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng rau màu đã tiết kiệm được nước tưới và hạn chế cỏ dại, sâu bệnh hại cây trồng.

Không chỉ có hiện tượng El Nino, La Nina gây ra thời tiết cực đoan mà còn nhiều tác động phức tạp khác. Đó là kết quả của BĐKH toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do các tác động của con người, nhất là sự phát thải khí hiệu ứng nhà kính. Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, diện tích đất bị nhiễm mặn ở ĐBSCL biến động khoảng 600-700 nghìn ha/năm, trong đó diện tích bị nhiễm mặn cực trọng khoảng 100.000ha. Nhưng năm nay, diện tích đang bị thiệt hại lên đến 160.000ha trên những trà lúa đông xuân muộn hoặc hè thu. Sự kiện khô hạn và mặn kỷ lục trong mùa khô 2016 biểu hiện tính bất ổn trong sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL. Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, trong vòng 50 năm tới, diện tích bị nhiễm mặn 4‰ sẽ chiếm 47% diện tích ĐBSCL, diện tích nhiễm mặn trên 1‰ sẽ chiếm 64%.

Trước tình trạng BĐKH, mưa ít, mặn xâm nhập tăng, lượng dòng chảy trên sông Mê Công giảm, nguồn nước ngọt tại ĐBSCL được dự đoán sẽ ngày càng khan hiếm và trở nên quý giá. ĐBSCL có lẽ cũng không còn là một đồng bằng trù phú và màu mỡ do bị giảm lượng phù sa bồi lấp. Theo số liệu của Ủy ban Mê Công, năm 1990, sông Mê Công mang tải khoảng 150-160 triệu tấn phù sa/năm cho toàn châu thổ. Nhưng con số trên đã giảm xuống chỉ còn 75 triệu tấn trong năm 2015. Bên cạnh nhiều đập thủy điện đã và đang được xây dựng ở thượng nguồn, dòng chảy Mê Công cũng bị biến đổi khi nhiều nước xây dựng các công trình thủy lợi dẫn phục cho sản xuất nông nghiệp và các mục đích khác.

*Cần kịp thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng

BĐKH và các hoạt động của con người đang làm gia tăng các hiện tượng thiên tai và thời tiết cực đoan, như: hạn mặn, mưa lũ thất thường... Đây là những nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, cần có các giải pháp ứng phó kịp thời. Các địa phương vùng ĐBSCL cần tăng cường liên kết, phối hợp tốt với nhau để quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, cần chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng sinh thái để thích ứng về tình hình nguồn nước ngọt ngày càng quý hiếm.

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, chúng ta cần phải quản lý, sử dụng tốt nguồn nước mặt trong tình hình nước ngọt ngày càng khan hiếm. Nhanh chóng quy hoạch, phát triển sản xuất nông nghiệp ĐBSCL trên cơ sở đa dạng sinh học, đa dạng các loại cây trồng vật nuôi. Không nên tập trung nhiều vào việc sản xuất lúa 3 vụ như trước đây. Chú ý chuyển đổi từ lúa 3 vụ sang sản xuất 2 vụ lúa và 1 vụ màu trong vụ xuân hè (hè thu sớm) nhằm tiết kiệm nước tưới và cải tạo đất. Hiện tại, có khá nhiều loại cây trồng tiết kiệm nước có thể vận động nông dân phát triển trồng vụ xuân hè, như: mè, đậu xanh, dưa hấu, đậu nành... Vấn đề là cần quan tâm hỗ trợ nông dân trong cơ giới hóa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển các mô hình chăn nuôi luân canh với sản xuất lúa cũng là một lựa chọn. Đặc biệt, cây ăn trái là thế mạnh đặc biệt của ĐBSCL cần quan tâm phát triển trong thời gian tới. Bởi nhiều loại cây ăn trái không chỉ tiết kiệm được nước tưới mà có khả năng chống chịu hạn, mặn rất cao.

ThS. Lê Thị Khỏe, chuyên viên Viện Cây ăn quả Miền Nam, cho biết: "Cây ăn trái có khả năng chống chịu hạn mặn tốt hơn lúa và cây rau màu nhờ có bộ rễ ăn sâu trong đất. Đặc biệt, hiện nay có nhiều giống cây ăn trái được nhân giống bằng cách ghép trên các gốc ghép có khả năng chống chịu mặn rất cao, có thể chống chịu được độ mặn từ 4- 22‰. Tuy nhiên, để phát triển các giống cây ăn trái này, các địa phương cần phối hợp chặt với các bên liên quan để có sự đầu tư nghiên cứu bài bản, giúp nông dân từ khâu chọn giống đến quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc tại từng vùng sinh thái cụ thể để đảm bảo năng suất".

Hiện nay, lúa gạo là cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Do vậy, cải tiến giống lúa vẫn được xem là khâu trọng yếu có tính cấp bách trong sản xuất nhằm giúp thích ứng BĐKH. Trong đó, bảo tồn tài nguyên đất và nước, bảo tồn tài nguyên di truyền cây lúa phải được ưu tiên đầu tư và thực hiện bài bản. Theo các chuyên gia, thời gian qua, nước ta đã tiếp cận nhanh các tiến bộ khoa học, nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh, ngập úng và mặn. Nhưng chúng ta còn thiếu các giống lúa chịu hạn, mặn ở mức độ cao. Hiện nay, hầu hết các giống lúa khi gặp tình trạng khô hạn ở giai đoạn mạ có thể khắc phục phần nào, nhưng nếu gặp hạn kéo dài lúc trổ là mất trắng. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục làm tốt chọn công tác chọn tạo giống lúa

   

Nguồn tin: baocantho.com.vn

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,740,534
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay993
  • Tháng hiện tại12,058
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây