Đó là đề xuất của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh trong buổi đối thoại với Giám đốc Điều hành Bộ các ngành cơ bản New Zealand Ray Smith được tổ chức trực tuyến trong ngày 6.4.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh giới thiệu với lãnh đạo Bộ các ngành cơ bản New Zealand về thanh long ruột đỏ và đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng chuỗi, thương hiệu và thương mại toàn cầu thành công như trái kiwi
Đây là lần thứ hai, đối thoại hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và New Zealand được tổ chức. Trong cuộc đối thoại năm nay, hai bên đã thảo luận về hợp tác trong nông nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phục hồi sản xuất, thương mại nông sản giữa hai nước sau thời gian chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.
Bộ các ngành cơ bản New Zealand đang hỗ trợ Việt Nam một số chương trình trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật, dịch tễ học thú y và thành lập hệ thống chứng nhận điện tử cho một số sản phẩm thực phẩm và nông lâm nghiệp.
Chia sẻ tại buổi đối thoại, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTTN, ghi nhận sự hỗ trợ tích cực của New Zealand trong dự án phát triển giống trái cây cao cấp tại Việt Nam, trong đó có giống thanh long ruột đỏ ở các tỉnh phía nam có giá trị kinh tế cao. Thanh long cũng là trái cây chủ lực trong xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, dù được xuất khẩu đi nhiều nước nhưng trái thanh long Việt Nam chưa xác lập được chuỗi giá trị thương mại, thương hiệu tương tự như trái kiwi của New Zealand được phân phối khắp thế giới.
Ông Ray Smith cam kết sẽ tiếp tục tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp
“Bằng kinh nghiệm cụ thể đối với quả kiwi, chúng tôi mong muốn New Zealand chủ động chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong việc tổ chức lại sản xuất, bảo quản, xây dựng thương hiệu để thương mại hóa toàn cầu quả thanh long của Việt Nam như New Zealand đã thành công với trái kiwi”, ông Doanh bày tỏ.
Cũng theo chia sẻ từ ông Ray Smith và Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Việt Nam và New Zealand đang đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu đối với một số loại nông sản, gồm: trái chanh xanh, bưởi, chanh leo từ Việt Nam vào New Zealand và trái bí, dâu tây, mật ong từ New Zealand vào Việt Nam. Theo đó, đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Bộ các ngành cơ bản New Zealand cũng yêu cầu cơ quan chức năng hai nước đẩy nhanh tiến độ để các loại nông sản này sớm được xuất khẩu phục vụ người tiêu dùng tại mỗi nước.
Theo ông Ray Smith, Việt Nam và New Zealand mong muốn tăng cường thương mại không chỉ là đẩy mạnh xuất khẩu mà còn phụ thuộc vào quá trình trao đổi kiến thức chuyên môn, công nghệ, dịch vụ và đầu tư và sự trao đổi này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước.
Lãnh đạo Bộ các ngành cơ bản New Zealand cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ Bộ NN-PTNT trong công tác đảm bảo chất lượng kiểm kê khí nhà kính thông qua Liên minh Nghiên cứu toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.
Thống kê đến cuối năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và New Zealand đạt 1,56 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2020. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15 của New Zealand. Hai nước cũng là thị trường tiềm năng của nhau nhờ nhu cầu rất lớn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của người tiêu dùng ở mỗi nước.