Tại hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, sáng 19/9, ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD và dự kiến con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD trong vài năm tới.
Trung Quốc cũng nhập 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh. Con số này dự kiến cũng sẽ tăng nhanh trong những năm tới.
Theo ông Hiếu, nước ta đã xuất khẩu được sầu riêng tươi sang Trung Quốc từ giữa năm 2022. Giữa tháng 8 vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc ký tiếp Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.
Sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt và vỏ phải loại bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Ông cho rằng, người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm sầu đông lạnh vì phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.
Ngoài ra, sầu riêng đông lạnh thời gian bảo quản được dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác, ông Hiếu nhấn mạnh. Theo đó, đây sẽ là thị trường vô cùng tiềm năng với mặt hàng sầu riêng đông lạnh của Việt Nam trong thời gian tới.
Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng qua các năm. Ảnh: NNVNSong, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cũng chỉ rõ, ngành hàng sầu riêng đang gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, nông dân và doanh nghiệp của nước ta phải đối mặt với việc Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700ha sầu riêng tại phía nam đảo Hải Nam. Tình trạng một số doanh nghiệp Việt chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra trong thời gian qua.
“Nếu không chấn chỉnh, không nâng cao nhận thức về tuân thủ quy định, Trung Quốc sẽ có biện pháp xử lý. Đây là điều không đáng có, chỉ vì vài doanh nghiệp vi phạm mà cả ngành hàng bị ảnh hưởng”, ông Hiếu chỉ rõ.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng lưu ý sầu riêng đông lạnh được coi như “thực phẩm”. Thế nên, mặt hàng này sẽ phải tuân thủ Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải đăng ký và được phía Trung Quốc chấp thuận. Đồng thời, doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) được cơ quan hải quan Trung Quốc đánh giá theo 13 tiêu chí và công nhận là tương đương với tiêu chuẩn của quốc gia này.
Trung Quốc có quy định rất rõ ràng và chặt chẽ nhằm đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu an toàn cho người tiêu dùng trong nước. Do đó, doanh nghiệp phải nộp đầy đủ hồ sơ, đáp ứng đủ các tiêu chí để xuất khẩu thực phẩm sang thị trường 1,4 tỷ dân thuận lợi hơn, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được dự báo đem về thêm 300 triệu USD trong năm nay. Ảnh: NNVNTheo đó, phía Việt Nam sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Với các doanh nghiệp đủ điều kiện ATTP sẽ được giới thiệu cho phía Trung Quốc.
Nhưng, muốn xuất được hàng sang Trung Quốc, nguyên liệu phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký với phía Trung Quốc. Nước ta sẽ quản lý và giám sát các vườn cung cấp nguyên liệu cho sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và giảm thiểu sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào.
Ông Huỳnh Tấn Đạt nhận định, với nghị định thư vừa ký kết, năng lực hiện tại và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu hoàn thành được đăng ký cho doanh nghiệp có thể sớm xuất khẩu.
Song, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói, chế biến sầu riêng đông lạnh phải nghiên cứu kỹ các quy định của Trung Quốc và tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của Nghị định thư và quy định của quốc gia này. Cần chủ động xây dựng các chuỗi liên kết thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói và doanh nghiệp xuất khẩu, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo cho việc truy xuất khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, đầu tư nâng cấp công nghệ cấp đông, kỹ thuật và chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói để triển khai thực hiện tốt các quy định của Nghị định thư sầu riêng đông lạnh trong thời gian tới, ông Đạt cho hay.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của nước ta đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ 2023. Thị trường Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 1,47 tỷ USD, tăng gần 53%. Thái Lan đứng thứ hai, chi 65 triệu USD mua sầu riêng Việt, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sầu riêng sang Hàn Quốc, Papua New Guinea, Nhật Bản và Campuchia cũng tăng mạnh từ 50% đến hàng chục nghìn phần trăm. |
Tác giả bài viết: vietnamnet.vn