XUẤT KHẨU RAU QUẢ NĂM 2020 VÀ NHẬN ĐỊNH NĂM 2021

Thứ bảy - 27/02/2021 21:03   790
Năm 2020, là năm xuất khẩu rau quả của Việt Nam đối mặt với không ít khó khăn thách thức và là năm thứ hai giảm liên tiếp kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam làm gián đoạn đà tăng trưởng liên tục từ năm 2010 đến 2018.

         Theo số liệu của Bộ Công Thương và VINAFRUIT, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của cả nước ước chỉ đạt 3,259 tỷ USD, giảm khoảng 13,3% so với năm 2019. Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước trong năm 2020 ước đạt 1,29 tỷ USD, giảm khoảng 27,7% so năm 2019. Như vậy tuy xuất khẩu không thuận lợi nhưng cán cân thương mại trong xuất nhập khẩu rau quả của Việt Nam vẫn nghiêng về xuất khẩu, tức ngành rau quả vẫn xuất siêu, giá trị xuất siêu rau quả trong năm 2020 ước đạt khoảng 1,96 tỷ USD.
           Tuy có giảm sút so năm ngoái nhưng rau quả vẫn là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 so với các sản phẩm khác của ngành trồng trọt. Mặt hàng rau quả vẫn đóng góp quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam trong năm 2020. Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành trồng trọt trong năm 2020, rau quả đứng đầu về kim ngạch (rau quả: 3,259 tỷ USD, hạt điều 3,188 tỷ USD, gạo: 3,068 tỷ USD, cà phê: 2,658 tỷ USD, cao su: 2,382 tỷ USD, hạt tiêu: 0,665 tỷ USD).

          Nguyên nhân chính của sự giảm sút kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm 2020 chủ yếu do giảm sút mạnh từ thị trường Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc của nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, dẫn đến giảm sản lượng, giá cả và kim ngạch. Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc chỉ đạt 1,69 tỷ USD, trong khi số liệu này cùng kỳ năm 2019 là 2,28 tỷ USD, tức chỉ bằng 74,2% so năm trước. Trong các mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam, thanh long vẫn là sản phẩm xuất khẩu có giá trị lớn trong những năm qua và hiện tại (trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam đã đạt 1,25 tỷ USD, 11 tháng năm 2019 đạt 1,171 tỷ USD, nhưng 11 tháng năm 2020 chỉ đạt 1,08 tỷ USD). Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 sản lượng thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vào các tháng đầu năm 2020 giảm mạnh; trong hạ tuần tháng 2 năm 2020 giá thanh long ở Tiền Giang, Long An, Bình Thuận … giảm sâu, chỉ còn 3.000-5.000 đ/kg tại vườn, cũng vì lý do chính là thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu trong thời gian này.

image 3
Thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam đi Thị trường Trung Quốc và một số thị trường năm 2018, 2019 và 11 tháng đầu năm 2020

         Xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2021 sẽ có những biến động đáng kể do ảnh hưởng từ thị trường nhập khẩu rau quả thế giới cũng như việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước. Đối với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc khó cải thiện nếu dịch bệnh Covid-19 không kiểm soát được. Thanh long là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trong lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, là loại trái cây xuất khẩu chủ lực trong những năm qua và đã xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới, song chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc. Trong những năm gần đây diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc tăng rất nhanh và hiện đã đạt khoảng 35,5 ngàn ha. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc sẽ ảnh hưởng do nước này tự sản xuất và cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng thanh long của một bộ phận người dân, dẫn đến thị phần cho trái thanh long Việt Nam tại thị trường Trung Quốc sẽ giảm xuống. Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp, thu nhập của người tiêu dùng giảm và hạn chế trong khâu vận chuyển làm giảm cầu rau quả nói chung và giảm thị phần của rau quả của Việt Nam nói riêng.

          Xuất khẩu rau quả của Việt Nam có xu hướng giảm ở thị trường Trung Quốc và tăng ở các thị trường tiềm năng khác. Cụ thể, trong năm 2018, 2019 và 11 tháng đầu năm 2020 thị trường Trung Quốc chiếm lần lượt 73,1%, 64,8% và 56,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam; Trong khi thị trường Mỹ tỷ lệ này lần lượt là 3,7%, 4% và 5,1%; Thị trường Nhật Bản là 2,8%, 3,3% và 3,9%; Thị trường Hàn Quốc là 3%, 3,5% và 4,4%; Thị trường Hà Lan là 1,6%, 2,1% và 2,5%; Thị trường Đài Loan là 1,1%, 2% và 2,8%; Thị trường Thái Lan là 1,2%, 2% và 5%. Điều này cho thấy xuất khẩu rau quả của Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và đang dần mở rộng đến các thị trường tiềm năng khác. Đây là xu hướng tốt, hạn chế sự phụ thuộc vào một thị trường quá lớn trong xuất khẩu, trái cây Việt Nam vươn ra các thị trường khó tính với thu nhập bình quân đầu người cao, tạo điều kiện để tăng giá trị sản phẩm thông qua xuất khẩu.
       Xuất khẩu rau quả Việt Nam đến các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,…) sẽ tiếp tục tăng do quy mô thị trường và sức tiêu thụ lớn, thói quen tiêu dùng tương đồng, vị trí địa lý thuận lợi cho việc vận chuyển, mức thuế nhập khẩu các mặt hàng rau quả từ Việt Nam hầu hết đều đã về 0% do thực thi các Hiệp định thương mại tự do (ATIGA, VKFTA, VJEPA). Đối với các Hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, theo cam kết thuế quan của các nước dành cho Việt Nam, phần lớn các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến được xóa bỏ thuế hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Tác giả bài viết: Hữu Tiến

Nguồn tin: SOFRI:

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,312,990
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay2,113
  • Tháng hiện tại41,648
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây