Viện Cây ăn quả miền Nam - là chỗ dựa tin cậy cho ngành sản xuất cây ăn quả của các tỉnh phía Nam

Thứ năm - 24/06/2021 00:06   1694
Viện Cây ăn quả miền Nam - là chỗ dựa tin cậy cho ngành sản xuất cây ăn quả của các tỉnh phía Nam
Giống xoài vỏ dày LĐ12

Viện Cây ăn quả miền Nam là đơn vị sự nghiệp công lập được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 116/QĐ- TTg, ngày 26/3/1994 (tiền thân là Trung tâm Cây ăn quả Long Định) và được chuyển thành Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam theo Quyết định số 1056/1997/QĐ-TTg (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT). Từ ngày 09/9/2005, Viện đã được đổi tên thành Viện Cây ăn quả miền Nam theo Quyết định số 930/QĐ-TTg. Viện trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam theo Quyết định số 3530/QĐ-BNN-TCCB kể từ ngày 01/01/2010.
Viện Cây ăn quả miền Nam có trụ sở chính đặt tại xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang với tổng diện tích hơn 67 ha gồm nhà làm việc, phòng thí nghiệm, nhà lưới và cơ sở nhân giống, vườn cây đầu dòng, vườn lưu giữ con lai, vườn cây bố mẹ phục vụ lai tạo, vườn khảo nghiệm các giống mới,… Viện có 2 trung tâm là Trung tâm Chuyển giao TBKT (đặt tại Viện) và Trung tâm Cây ăn quả miền Đông Nam bộ đặt tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, 5 bộ môn nghiên cứu (Bộ môn Chọn tạo giống Cây ăn quả; Bộ môn Rau, Hoa và Cây cảnh; Bộ môn Nông học; Bộ môn Bảo vệ thực vật; Bộ môn Công nghệ sinh học, Sinh lý, Sinh hóa và Công nghệ sau thu hoạch) và 2 phòng nghiệp vụ (Văn phòng Viện và Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế).
Giống nhãn LĐ11
Chức năng và nhiệm vụ của Viện Cây ăn quả miền Nam theo Quyết định số 2565/QĐ-BNN-TCCB của Bộ Nông nghiệp và PTNT ký ngày 04/9/2007 như sau: (1) Chọn lọc, lai tạo và nhân giống cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh để cung cấp những giống cây tốt có năng suất cao, phẩm chất tốt phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội, (2) Nghiên cứu sinh lý, sinh thái, bảo vệ thực vật, chăm sóc, thu hái, bảo quản chế biến, bao bì; (3) Tham gia quy hoạch; xây dựng các mô hình và thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển các vùng chuyên canh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; (4) Nghiên cứu thị trường, các hình thức tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh, cơ chế chính sách phục vụ cho các vùng sinh thái, phục vụ vùng sâu, vùng xa, cung cấp thông tin thị trường và khoa học công nghệ; (5) Chuyển giao các quy trình kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh; (6) Tổ chức sản xuất, hợp tác sản xuất, cung cấp các giống cây đầu dòng có phẩm chất tốt phù hợp với từng vùng sinh thái, các chế phẩm phục vụ cho nhu cầu phát triển nghề vườn; (7) Dịch vụ liên kết đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các thành phần kinh tế có nhu cầu; (8) Thực hiện hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; (9) Liên kết với các Viện tại các vùng để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật phù hợp vào sản xuất; phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước về dịch vụ sản xuất kinh doanh và phát triển nghề vườn; (10) Sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu giống cây trồng, thiết bị, hàng hóa nông lâm sản, theo quy định của pháp luật
Từ khi thành lập đến nay, Viện Cây ăn quả miền Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, lai tạo 20 giống cây trồng mới bằng kỹ thuật lai tạo và xử lý đột biến (13 giống cây ăn quả; 7 giống rau, hoa); tuyển chọn 7 giống cây ăn quả, rau, hoa từ các giống địa phương và nhập nội. Ngoài ra, Viện đẩy mạnh hướng nghiên cứu tuyển chọn, lai tạo được 34 dòng/giống làm gốc ghép thích ứng với các điều kiện bất lợi của môi trường.
Giống thanh long ruột trắng LĐ17
Viện đã xây dựng trên 50 quy trình công nghệ trong sản xuất giống; thâm canh cây ăn quả, rau, hoa; quản lý dịch hại tổng hợp v.v. Trong đó có 9 quy trình kỹ thuật và công nghệ tiêu biểu đang được ứng dụng rộng rãi trong thời gian gần đây. Viện đã phát triển được nhiều sản phẩm công nghệ như: SOFRI Protein, SOFRI-Trừ kiến, SOFRI- Trichoderma, SOFRI-BTEC,...Hàng năm, Viện cung cấp cho sản xuất khoảng hơn 250.000 cây giống CAQ các loại như giống cây có múi, xoài, mít, sầu riêng, chanh dây,...
Viện đã tham gia biên soạn, xuất bản nhiều ấn phẩm, viết tin bài đăng phát trên báo, đài phát thanh, truyền hình, hội nghị - hội thảo và tạp chí trong và ngoài nước. Ngoài ra, Viện đã thiết lập được mối quan hệ quốc tế rộng với nhiều cơ quan tổ chức quốc tế trên nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực hay tổ chức nhiều Hội thảo quốc tế như CABI, FFTC; Ấn Độ, HortResearch, Plant and Food Research Institute (New Zealand);  JIRCAS, JICA (Nhật); Viginia Tech, USAID (Hoa Kỳ); ACIAR, (Úc); CIRAD-FLHOR (Pháp), ...
Nhu cầu thị hiếu tiêu dùng trái cây ở nhiều thị trường đã chuyển biến theo hướng chất lượng cao và an toàn thực phẩm, sự cạnh tranh của các nước xuất khẩu trái cây trên thế giới ngày càng gay gắt hơn. Để giữ ổn định năng suất, cải thiện chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; bên cạnh sự cần cù, năng động, quyết tâm cao của các nhà vườn, doanh nghiệp, các ban ngành chức năng thì Viện Cây ăn quả miền Nam đã và luôn đồng hành cùng các địa phương, nông dân và doanh nghiệp để thương hiệu trái cây Việt tiếp tục được vươn xa.
Giống thanh long ruột trắng LĐ18

Địa chỉ liên hệ:
Viện Cây ăn quả miền Nam
Xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang
ĐT: 0273. 3893129/ 3893125, Fax: 0273. 3893122
Email: sofri.vaas@mard.gov.vn/ sofrivn.contact@gmail.com
Website: http://www.sofri.org.vn

Tác giả bài viết: Viện Cây ăn quả miền Nam

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,322,294
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay3,464
  • Tháng hiện tại50,952
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây