Trên đây là thông điệp được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu lên tại cuộc họp trực tuyến tham vấn các đối tác quốc tế về kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Có 29 đối tác quốc tế đã tham dự cuộc họp và đưa ra nhiều kinh nghiệm, khuyến nghị quý gia cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong quý 4/2021.
Những năm vừa qua, quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được thành tựu rất tích cực. Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp thực sự trở thành thành hình ảnh quốc gia và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, chúng ta phải có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Dẫn kết quả từ một dự án nghiên cứu về canh tác lúa tại Đồng Tháp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh hoạt động sản xuất lương thực của Việt Nam không chỉ gây phát thải khí nhà kính mà chi phí sản xuất ở mức cao.
Đây là một thách thức lớn đối với sự thay đổi tư duy và hành động của người dân Việt Nam. Bởi lâu nay người ta hay dùng từ “nghiện dùng thuốc bảo vệ thực vật” trong canh tác nông nghiệp tại Việt Nam. Đó cũng là vấn đề mà các tổ chức quốc tế rất quan tâm để giải quyết, qua đó xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu quan điểm, phải coi ngành nông nghiệp là ngành kinh tế gắn chặt các yếu tố văn hoá, xã hội và xu thế phát triển bền vững cũng như tư duy toàn cầu. Kinh tế nông nghiệp bao hàm cả nền kinh tế tri thức và kinh tế tương lai.
Để làm được điều này, Bộ trưởng nhấn mạnh ngành nông nghiệp phải đi theo xu thế kinh tế tuần hoàn, từ đó tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn thông qua sự sáng tạo và phát triển các sản phẩm mới. Đây chính là minh chứng về việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với thế giới để phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, giai đoạn tới việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp không chỉ là mở rộng ngành hàng này hay thu hẹp ngành hàng kia mà phải tích hợp các giá trị, vừa mang giá trị địa phương, vừa mang giá trị toàn cầu; chuyển từ tư duy phát triển đơn ngành sang phương pháp tích hợp đa ngành, đa giá trị.
Một cách tiếp cận nữa mà ngành nông nghiệp đang hướng đến, đó là chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nền nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo minh bạch và phát triển bền vững; chuyển từ chuỗi cung ứng sang chuỗi liên kết, tích hợp trong đó hàm lượng tri thức và giải quyết được các vấn đề nội tại của ngành hàng.
“Chúng tôi cũng sẽ chú trọng phát triển không gian kinh tế nông thôn. Trong không gian đó, người nông dân không chỉ sản xuất nông nghiệp thuần tuý mà chúng ta phải tổ chức lại đời sống nông thôn, cộng đồng nông thôn, hình thành các hợp tác xã với năng lực quản trị mạnh dẫn dắt chuỗi giá trị ngành hàng nhỏ để bắt đầu tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn; ở đó cũng có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp... để tích hợp các giá trị nông sản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết.
Ông Okabe Daisuke - Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ, định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp có trách nhiệm và chuyển đổi xanh cũng tương đồng với chiến lược phát triển lương thực của Nhật Bản. Nhật Bản và Việt Nam đã có các chương trình hợp tác trong ngành nông nghiệp, cũng đã có hoạt động tích cực để thúc đẩy áp dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp Việt Nam.
Ông Robert Hanson, Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết thời gian qua, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã phối hợp các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam hỗ trợ các vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, các giải pháp canh tác nông nghiệp thông minh; hợp tác phát triển thuốc thú y, thủy sản và hỗ trợ xây dựng các văn bản pháp luật. Sự hợp tác trong thời gian tới sẽ tiếp tục được phát triển sâu rộng hơn nữa.
Bà Dina Umali Deininger, Giám đốc phụ trách nông nghiệp khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, mặc dù giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm qua và hiện nay đạt khoảng 42 tỷ USD/năm, nhưng hiện nay đóng góp cho tăng trưởng đang giảm xuống do nông dân sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp.
“Nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những vấn đề như ô nhiễm nguồn nước, không khí, mặn hoá, giảm đa dạng sinh học và suy thoái đất... Vậy chúng ta phải làm gì để Việt Nam trở thành môi trường tốt và sự chuyển đổi nông nghiệp gặt hái được những thành quả tốt hơn?”, bà Dina Umali Deininger nêu câu hỏi.
Để trả lời cho câu hỏi này, bà Dina Umali Deininger cho rằng phải quản lý các yếu tố đầu vào khoa học hơn, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, cải thiện xử lý rơm rạ, chuyển từ sản xuất độc canh cây lúa sang sản xuất thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, quan tâm hơn đến thị trường carbon bởi Việt Nam vẫn còn dư địa giảm phát thải khí nhà kính.
Với các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ xanh, sản phẩm của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội nâng giá trị cao hơn. “Chúng ta xác định nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng nhanh của ngành nông nghiệp Việt Nam chính là: công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, xây dựng thương hiệu sản phẩm, định vị lại giá trị nông sản ở thị trường khu vực và quốc tế”, bà Dina Umali Deininger nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Chương Phượng
Nguồn tin: vneconomy.vn