VIỆT NAM VÀ HOA KỲ TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Thứ hai - 11/07/2022 03:37   693
Ngày 30/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Lê Quốc Doanh đã có buổi Hội đàm với Ông Jason Hafemeister, Quyền Thứ trưởng phụ trách Thương mại và Đối ngoại, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại buổi họp

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết: Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tin tưởng rằng với nỗ lực của cả hai phía, thương mại nông sản hai nước sẽ tiếp tục tăng trưởng, mang lại những lợi ích rõ ràng cho hai nước.

Về mở cửa thị trường quả và sản phẩm cây trồng, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết: Việt Nam đã cho phép Hoa Kỳ xuất khẩu 171 loại hạt giống cây trồng, 1 loại củ tươi (khoai tây), 12 loại cỏ và hạt giống cỏ, hom cỏ giống, hạt lúa miến và 6 loại quả tươi. Hiện, Việt Nam đang phối hợp với Hoa Kỳ làm thủ tục mở cửa thị trường đối với quả bưởi chùm, chanh, quýt, xuân đào, mận Nhật Bản và mơ có xuất xứ Hoa Kỳ. Để tiếp nối những nỗ lực đó, Thứ trưởng kiến nghị Ông Jason Hafemeister thúc đẩy tiến độ, sớm hoàn thành mở cửa thị trường đối với trái bưởi của Việt Nam.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, Việt Nam muốn trở thành quốc gia có trách nhiệm đối với an ninh lương thực và môi trường toàn cầu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu do Hoa Kỳ tổ chức tháng 4/2021, Việt Nam đã cam kết đến 2030 sẽ giảm phát thải khí Mê-tan trong sản xuất nông nghiệp đến 10% và triển khai chương trình trồng Một tỷ cây xanh đến 2025. Tại Cop26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan đến ngành nông nghiệp là sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu” và “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.

Việt Nam cũng tham gia cùng Hoa Kỳ và các nước, tổ chức quốc tế thực hiện nhiều sáng kiến chung như sáng kiến Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu (AIM4C) ; Liên minh hành động “Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên” (SPG); thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo về công nghệ thực phẩm; sáng kiến “100 triệu nông dân sản xuất không phát thải”; Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính, lâm nghiệp; Chăn nuôi bò sữa không phát thải; Dự án các chiến lược chuyển đổi để tăng cường quản lý rủi ro sản phẩm đầu ra của ngành chăn nuôi. Các sáng kiến và dự án này đều nhằm mục đích quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên bền vững, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp Mỹ thành lập Nhóm công tác chung về Biến đổi khí hậu và đang xây dựng Kế hoạch hành động để triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Ông Jason Hafemeister quan tâm hỗ trợ các nguồn lực về tài chính và kỹ thuật thông qua các sáng kiến và hành động cụ thể để Việt Nam có thể tăng cường năng lực và thực hiện thành công các sáng kiến toàn cầu, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Cop26, đặc biệt là đẩy nhanh thực hiện các sáng kiến Hoa Kỳ khởi xướng như AIM4C, SPG, Chăn nuôi bò sữa không phát thải.

Toàn cảnh buổi họp

Về vắc-xin dịch tả lợn châu Phi (ASF), Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết: Bộ NN-PTNT đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Nông nghiệp (ARS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nghiên cứu và thử nghiệm vắc-xin ASF. Đến nay, có doanh nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất thành công và được Bộ cấp Giấy chứng nhận lưu hành vắc-xin ASF. Việc nghiên cứu, sản xuất thành công vắc-xin thương mại phòng bệnh AFS ghi nhận nỗ lực hợp tác của Bộ Nông nghiệp hai bên, góp phần quan trọng trong phòng chống dịch bệnh.

Ông Jason Hafemeister, Quyền Thứ trưởng phụ trách Thương mại và Đối ngoại, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khẳng định: Trong những năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được những kết quả hợp tác rất tốt đẹp trong lĩnh vực nông nghiệp. Kế thừa những thành quả này, ông mong muốn tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới. Theo Ông Jason Hafemeister, động lực thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên dựa trên tính bền vững và an ninh lương thực. Tính bền vững dựa trên 3 trụ cột chính là Kinh tế, xã hội và môi trường. Về an ninh lương thực, cuộc xung đột Nga – Ucraina và hậu quả của đại dịch Covid-19 khiến giá hàng hóa tăng cao và đứt gãy chuỗi cung ứng. Các quốc gia trên thế giới đều đang nỗ lực đưa ra giải pháp tăng nguồn cung lương thực thực phẩm, vượt qua thách thức kép này.

Ông Jason Hafemeister, Quyền Thứ trưởng phụ trách Thương mại và Đối ngoại, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ

Theo Ông Jason Hafemeister, trong chương trình hợp tác hiện tại trong lĩnh vực lâm nghiệp, biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí mê-tan, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục những hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp để giảm chi phí sản xuất và giảm tác động đến môi trường. Đây là những ý tưởng được đưa vào trong các chương trình hợp tác song phương và đa phương của Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tin tưởng rằng Thứ trưởng Jason Hafemeister sẽ đóng vai trò rất quan trọng và tích cực làm cầu nối thúc đẩy hợp tác nông nghiệp và thương mại nông lâm thủy sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Nguồn tin: Mard.gov.vn:

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,843,268
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay884
  • Tháng hiện tại58,877
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây