TỌA ĐÀM ĐÒN BẨY CHO LOGISTICS NÔNG SẢN ĐBSCL

Thứ năm - 15/04/2021 04:55   454
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quan trọng ở nước ta, đóng góp khoảng 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản và 90% sản lượng gạo của cả nước. Khâu logistics (vận chuyển, bảo quản, đóng gói ...) đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình lưu thông hàng hóa và có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu và khả năng cạnh tranh nông sản. Tuy nhiên, cho đến nay do nhiều nguyên nhân dẫn đến khâu logistics ở khu vực ĐBSCL vẫn còn thiếu và yếu.
capture
Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch VINAFRUIT
tại tọa đàm đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBSCL

     Trước tình hình đó, ngày 9 tháng 4 năm 2021, tọa đàm "Đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBSCL" do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng Đài PTTH Hậu Giang tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hậu Giang đã diễn ra tại Hậu Giang. Ông Lê Tiến Châu - Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang đến dự và chỉ đạo. Tại tọa đàm, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông có dịp cùng bàn cách giảm chi phí cho nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tóm lược một số khía cạnh chính được thảo luận trong buổi tọa đàm như sau: 
      - ĐBSCL thiếu các trung tâm logistics trọng điểm, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu, hàng hóa phải được vận chuyển lên TP.HCM để xuất khẩu đi các thị trường. Khi một số cảng trọng điểm tại TP.HCM thường xuyên quá tải, khiến cho nhiều mặt hàng nông sản của ĐBSCL tăng phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi tăng, giảm chất lượng nông sản và tăng giá thành. Mặt khác, hệ thống giao thông ở ĐBSCL chưa phát triển xứng tầm với nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Những hạn chế này khiến cho việc thương mại nông sản ĐBSCL đã và đang gánh nặng về chi phí logistics. Chi phí logistics hiện tại đang chiếm cao nhất và cao một cách bất hợp lý cụ thể là lên đến 30% giá thành sản phẩm, làm cho nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh so với nông sản nhiều nước trên thế giới, nhất là đối với Thái Lan, nước cạnh tranh xuất khẩu nông sản với Việt Nam.

      - Đối với ngành hàng trái cây, chi phí logistics tăng (nhất là đối với các thị trường vận chuyển đường hàng không), dẫn đến sản lượng trái cây tươi xuất khẩu giảm. Để xuất khẩu trái cây của ĐBSCL bằng đường biển góp phần giảm chi phí vận chuyển so với đường hàng không cần làm tốt khâu bảo quản sau thu hoạch. Tuy nhiên, khâu bảo quản và tồn trữ trái cây cũng như nhiều mặt hàng khác vẫn đang trong tình trạng yếu kém. Hệ thống các kho bảo quản, tồn trữ trái cây tại các vùng trồng tập trung ở ĐBSCL rất ít, những lúc thu hoạch rộ mùa trái cây thường bị rớt giá, chủ yếu do cung thị trường trái cây tươi lớn trong khi cầu thị trường tiêu thụ trái cây tươi không tăng đột biến kịp theo sản lượng trái cây thu hoạch, chế biến trái cây cũng chưa đáp ứng nhu cầu.
      - Hoàn thiện, duy tu các kênh chính, đảm bảo cho tàu biển có trọng tải lớn vào các bến cảng biển trên sông Hậu là vấn đề "sinh tử" đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics vùng ĐBSCL. Mở rộng và nạo vét kênh Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang (nối TP. HCM, Long An với các tỉnh ĐBSCL để các loại sà lan trọng tải lớn lưu thông thuận lợi, góp phần rút ngắn thời gian và chi phí vận tải.
      - Mô hình trung tâm logistics "một điểm đến đa dịch vụ", nơi giao lưu giữa các thương nhân, người sản xuất, người làm công tác dịch vụ hậu cần … là mô hình phù hợp, không chỉ cho khâu lưu trữ nông sản sau thu hoạch, mà còn là nơi giao dịch buôn bán, tiến tới hình thành các trung tâm đấu giá nông sản, là điều kiện cải thiện chất lượng, giảm chi phí logistics, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Tác giả bài viết: Hữu Tiến

Nguồn tin: SOFRI:

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,853,573
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,673
  • Tháng hiện tại69,182
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây