Đến năm 2050, dân số thế giới có thể tăng lên 9,7 tỷ người , nhu cầu lương thực dự kiến sẽ tăng 50% và nhu cầu toàn cầu về các loại ngũ cốc như ngô, gạo và lúa mì có thể tăng 70% đến 100%. Làm thế nào chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu về thực phẩm và dinh dưỡng của một dân số đang gia tăng mà không gây ra những hậu quả tiêu cực về môi trường và xã hội?
Các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp luôn tìm những hướng đi mới để đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Trong đó, thâm canh bền vững là một cách tiếp cận mới, hướng đến các đổi mới, cải tiến để tăng năng suất trên đất nông nghiệp hiện có với các tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Thâm canh bền vững có xem xét tác động đến năng suất tổng thể của trang trại, lợi nhuận, sự ổn định, rủi ro sản xuất và thị trường, khả năng phục hồi, cũng như lợi ích và năng lực của từng nông dân thích nghi với những thay đổi. Nó không chỉ giới hạn ở các mối quan tâm về môi trường mà còn bao gồm các tiêu chí kinh tế và xã hội như cải thiện sinh kế, công bằng và vốn xã hội.
Thâm canh sản xuất cây trồng bền vững
Tăng cường sản xuất cây trồng bền vững là mục tiêu chiến lược ưu tiên hàng đầu của Tổ chức nông lương thế giới (FAO). Thông qua mục tiêu chiến lược này, FAO cung cấp cho các nước thành viên công nghệ, chính sách, kiến thức, thông tin và nâng cao năng lực để họ có thể tăng năng suất cây trồng và lợi nhuận trong suốt thời gian.
Điều này đạt được thông qua: hệ thống sản xuất và công nghệ quản lý cây trồng giúp tăng năng suất mà không ảnh hưởng xấu đến tài nguyên thiên nhiên, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và hiệu quả sử dụng đầu vào, tạo môi trường thuận lợi để nông dân có thể tham gia cạnh tranh vào thị trường; thân thiện với môi trường giảm tổn thất trên đồng ruộng và sau thu hoạch; và bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn gen thực vật để phát triển các giống cây trồng, cải tiến và triển khai chúng thông qua các nông hộ. FAO đã hỗ trợ kỹ thuật và chính sách cho các quốc gia trong bốn lĩnh vực:
Thâm canh bền vững đối với các nước đang phát triển
Đối với các nước đang phát triển, sản xuất nông nghiệp thường tập trung vào việc tạo ra nhiều sản phẩm hoặc thu nhập từ đất nông nghiệp hiện có, mà ít chú trọng đến hướng đi lâu dài mang tính bền vững, đặc biệt chưa chú trọng đến giảm thiểu tác động xấu đến sức khỏe và môi trường. Việc thâm canh bền vững các hệ thống nông nghiệp được coi là cần thiết để đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng; đặc biệt ở những vùng chất lượng đất kém, sản lượng thấp, thâm canh bền vững có thể tăng cường an ninh lương thực và phát triển kinh tế.
Thâm canh bền vững phải đổi mới những gì?
Để đạt được mục tiêu thâm canh bền vững đòi hỏi phải đổi mới năng suất (ví dụ cải tiến giống, phân bón, thực hành quản lý cây trồng mới), đổi mới quản lý tài nguyên thiên nhiên (ví dụ như trồng rừng và kiểm soát xói mòn), và đổi mới nâng cấp cơ sở hạ tầng xã hội, chính sách, quan hệ đối tác, tiếp cận tài chính, dịch vụ, nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra của các sản phẩm.
Vấn đề đặt ra ở đây, sự thay đổi, đổi mới cần phải đồng bộ, sử dụng linh hoạt các nguồn lực, nhân lực và tài chính sẵn có ở cấp độ vi mô (chính các nông hộ, hợp tác xã) và cấp độ vĩ mô từ chính sách, hệ thống quản lý nhà nước liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
Tác giả bài viết: Hải Nam - Tổng hợp
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam