Quét QR code để truy xuất nguồn gốc nông sản
Hiện nay một sản phẩm nông sản, thuỷ sản thu hút người tiêu dùng không chỉ ở yếu tố ngon bắt mắt, mà còn phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chia sẻ với PV Báo CAND, ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trại Thiên Nông Bình Phước, Giám đốc HTX DV Nông nghiệp số Bình Phước, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc cho biết, từ năm 2022, mỗi xã viên trong HTX và tại nông trại đã triển khai xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, số hóa từng cây, mỗi cây có 1 nhật ký điện tử.
Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc Nông trại Thiên Nông Bình Phước giới thiệu quy trình thực hiện nhật ký số của cây bơ.Theo đó, mỗi cây đều có 1 mã QR, đây là “nhật ký số” của cây. Ví dụ với cây bơ - quét mã, người tiêu dùng có thể biết được các loại phân bón đã sử dụng, thời gian bón phân, ngày sản phẩm được thu hoạch, phương tiện vận chuyển đến cửa hàng, siêu thị… Hiện, hơn 1.400 cơ sở đã thực hiện số hoá và sử dụng nhật ký điện tử. Theo đó, việc truy xuất nguồn gốc được giám sát, minh bạch hoá trong sản xuất. “XK hay tiêu dùng trong nước đi vào thị trường hữu cơ thì phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, tính minh bạch càng cao sẽ tạo được sự uy tín, tín nhiệm của khách hàng, đối tác và người tiêu dùng”, ông Hoàng cho hay.
Thông qua ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản đã đăng ký sở hữu trí tuệ, trái bơ từ vườn của Hoàng có thể liên kết với các sàn giao dịch điện tử. Khách hàng chỉ cần quét mã truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm sẽ biết thông tin về nhà vườn, quy trình canh tác, ngày thu hoạch sản phẩm và đặt hàng. Qua đó, giúp việc tiêu thụ bơ không còn bị thương lái thao túng, bơ của nông trang không chỉ bán được giá cao mà còn tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng cả trong và ngoài nước.
“Số hoá trong nông nghiệp, sản xuất xanh sẽ mang lại giá trị cao cho người nông dân, tuy nhiên, chi phí để mỗi lần làm chứng nhận các tiêu chuẩn, chứng nhận như VietGAP, Global Gap và phần mềm quản lý cũng rất tốn kém. Để hài hoà được lợi ích trong chuỗi sản xuất, các hộ liên kết, HTX sẽ ký kết với các hội viên về việc đầu tư- sản xuất- thu mua một cách khép kín, việc đầu tư sẽ được tính phí một con số nhất định trên mỗi 1 sản phẩm, ví dụ như thu 1.000 đồng/kg bơ/sầu riêng, cà phê… Với cách làm này, các nhà cùng bắt tay dắt nhau đi xa hơn”, ông Hoàng cho biết.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân (Lục Ngạn- Bắc Giang) cho biết, HTX đang làm nhật ký điện tử, dự kiến trong tháng 4/2023 sẽ cập nhật lên hệ thống cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang. Quả vải của HTX XK sang Trung Quốc, Mỹ, Australia và tiêu thụ nội địa. “Với người dân, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc là sự minh bạch cho sản phẩm. Người tiêu dùng thấy được xuất xứ và quy trình sản xuất đúng như cam kết, chất lượng sản phẩm đảo bảo thì giá thành cũng cao hơn, mang lại giá trị cao hơn cho mỗi mùa vụ nên họ rất tích cực triển khai. Mặc dù trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, cập nhật số, phần mềm có nhiều bỡ ngỡ nhưng đều được những xã viên tích cực tham gia”.
Ông Vũ Xuân Oanh, Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Đồng (Yên Thuỷ- Hoà Bình) cho biết, HTX chuyên trồng bưởi diễn, bưởi đỏ, bưởi da xanh theo tiêu chuẩn của VietGAP và đạt 4 sao sản phẩm OCOP của tỉnh Hoà Bình. Truy xuất nguồn gốc của HTX đã thực hiện được 2 năm nhưng hiện nay nhật ký ghi chép quy trình sản xuất vẫn thực hiện ghi sổ, chưa làm được nhật ký điện tử. Quả bưởi khi thu hoạch bán ra thị trường đều dán tem của từng hộ. Mới đây, 11 tấn bưởi Diễn Yên Thủy- Hòa Bình đã XK chính ngạch đến Vương quốc Anh bởi Tập đoàn Longdan, nhà nhập khẩu hàng Việt lớn nhất tại nước này.
Bảo vệ uy tín doanh nghiệp
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cho biết, Bộ Công Thương vừa ra mắt Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại áp dụng công nghệ chuỗi khối. Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại itrace247, nhằm cung cấp bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến giúp các DN, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm (thông tin chung, nhật ký điện tử trong quá trình canh tác, sản xuất chế biến, vận chuyển, phân phối...).
Truy xuất nguồn gốc đã trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu.Tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 của Cục Xúc tiến thương mại được đưa vào thí điểm cho thị trường nội địa từ tháng 3/2021 cho các sản phẩm rau củ quả và trái cây từ tỉnh Hải Dương, Sơn La và Bắc Giang. Để đáp ứng nhu cầu XK, tem truy xuất có thể hiện thị được các ngôn ngữ theo yêu cầu của khách hàng, đáp ứng yêu cầu về minh bạch thông tin sản phẩm của thị trường nhập khẩu. Trước đó, sản phẩm vải thiều Thanh Hà của Hải Dương có gắn tem truy xuất iTrace247 với thông tin được hiển thị bằng tiếng Anh và tiếng Nhật đã được XK sang Singapore và Nhật Bản.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, truy xuất nguồn gốc chính là con đường ngắn nhất giúp bảo vệ uy tín DN một cách hiệu quả. Đồng thời, truyền tải mọi thông điệp của nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng. Truy xuất nguồn gốc đã trở thành tiêu chí bắt buộc trong XK do nhu cầu về minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn.
Đối với XK, việc rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, ngoài cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như chịu trách nhiệm về thông tin nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc. Các thông tin về truy xuất hàng hóa sẽ giúp người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận biết về sản phẩm Việt Nam. Các DN cần tăng cường áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng để cạnh tranh trong chính thị trường nội địa, và thúc đẩy XK ra thị trường thế giới.
Nguồn tin: cand.com.vn