Cây bưởi là một trong 10 chủng loại cây trồng chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích là 25.374 ha (Cục Trồng trọt, 2015), trong đó Tiền Giang là tỉnh có diện tích cây bưởi khá lớn.
Mặc dù cây bưởi có nhiều triển vọng, nhưng những năm gần đây tình hình sản xuất bưởi ở Nam bộ gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi khắc nghiệt của điều kiện khí hậu nên tình hình dịch hại ngày càng trở nên phức tạp, trong đó sâu đục trái bưởi (SĐTB) là đối tượng dịch hại nguy hiểm, có tác hại nghiêm trọng làm ảnh hưởng giá trị thương phẩm và năng suất của bưởi.
Đặt mục tiêu tìm ra các giải pháp quản lý, xây dựng mô hình và quy trình quản lý tổng hợp hiệu quả SĐTB ở Tiền Giang; nâng cao kiến thức quản lý tổng hợp SĐTB cho cán bộ nông nghiệp, khuyến nông và người dân. Đề tài gồm các nội dung chính:
- Điều tra tình hình gây hại của sâu đục trái bưởi trên cây có múi tại Tiền Giang.
- Nghiên cứu đặc điểm sinh học, khảo sát diễn biến mật số quần thể và thành phần thiên địch sâu đục trái bưởi tại Tiền Giang.
- Nghiên cứu các biện pháp quản lý tổng hợp sâu đục trái bưởi.
- Xây dựng mô hình và quy trình quản lý tổng hợp hiệu quả sâu đục trái bưởi.
- Tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.
Sau một thời gian nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành vượt kế hoạch các nội dung đề ra. Hội đồng đánh giá đề tài đã nghiệm thu ngày 03/7/2017 và thống nhất xếp loại B, chuyển giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật ứng dụng.
Nguồn tin: skhcn.tiengiang.gov.vn