Hiện tượng héo rũ cây mít Thái sau những cơn mưa lớn chuyển mùa
Thứ ba - 05/05/2020 04:09 9516
Mít Thái hay còn gọi là mít Changai hay mít siêu sớm vì chỉ trồng 1 năm là cây cho trái. Mít Thái là loại cây ăn quả dễ trồng, mau lớn, sai trái, trái to, khối lượng trung bình từ 7 - 20 kg. Những năm gần đây giá lại khá cao nên cây mít Thái đã và đang được người dân chọn trồng để phát triền kinh tế hộ và kinh tế trang trại.
Tuy nhiên, sau những cơn mưa lớn chuyển mùa thì rất nhiều vườn mít Thái có hiện tượng héo xanh cả cây xảy ra ở các tỉnh ở ĐBSCL như Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang… Hiện tượng héo xanh giống như héo rũ tạm thời. Đặc biệt trên những vườn có độ tuổi từ 8 tháng đến 15 tháng tuổi. Tỷ lệ héo xanh trên vườn có thể lên đến 80-90 %. Sau đó 2-3 ngày thì sẽ phục hồi lại 60-70 % tùy theo độ tuổi của cây, mức độ non già của đọt và mức độ sử dụng phân hữu cơ của vườn. Những cây có đọt còn non sẽ bị héo rất nặng dẫn đến chết cây sau đó. Nhận định một số nguyên nhân có thể dẫn đến hiện tượng này là: - Sau những tháng hạn mặn trong đầu năm nay, rễ cây mít có xu hướng ăn sâu xuống đất để hút nước. Sau cơn mưa lớn chuyển mùa, nước ở mương dâng lên cao và chủ vườn giữ lại để có nước tưới nên làm rễ bị thiếu oxy, chết các lông hút của rễ do ngộp nước (mà trong nước mương có mặn nữa thì tình trạng càng nặng hơn). Rễ cây bị tổn thương dẫn đến không hút nước được nên khi có nắng cây sẽ bị héo.
- Mặt khác, mưa đầu mùa thường hay bị mưa a-xít. Cây mít ở giai đoạn 8 đến 15 tháng tuổi là giai đoạn cây sinh trưởng rất mạnh nên rễ rất non và yếu, rất mẫm cảm với sự thay đổi pH của đất. Một số biện pháp phòng ngừa và khắc phục:
- Thường xuyên sử dụng phân hữu cơ để bón cho vườn vì khi bón hữu cơ thì hệ đệm của đất sẽ rất tốt nên nếu có mưa a-xít thì pH của đất không thay đổi quá đột ngột.
- Bón phân NPK cân đối để tránh cây quá non yếu, cần bổ sung thêm phân bón lá trung, vi lượng cho cây. - Sau những cơn mưa lớn chuyển mùa nên tháo nước trong mương ra giữ ở mức bằng với mực nước trước khi mưa hoặc tối đa chỉ cao hơn mực nước cũ một tấc nước.
- Sau mưa nên bón vôi nông nghiệp cho vườn với liều lượng 50-100 kg/1.000 m2. Chú ý sau bón vôi nên tưới nước để vôi được tan và ngấm vào đất.
- Sau mưa 1 ngày thì các cây bị nặng nên cắt bỏ cành, lá để tránh cây bị mất nước; đặc biệt là các cây có đọt còn quá non.
- Nếu trời nắng trở lại thì vẫn tưới nước như bình thường cho cây.
- Sau đó khoảng 10-15 ngày tiến hành tưới dưỡng rễ, bón phân hữu cơ kết hợp nấm Trichoderma…chăm sóc cây bình thường trở lại.