Góp ý cho sự phát triển cây ăn trái ở ĐBSCL

Thứ năm - 15/04/2021 00:35   591
Rất vui được báo NNVN mời viết về chủ đề lớn này. Lời mời là một động lực để tôi viết những suy nghĩ của mình về những điều nên làm tiếp theo để cây ăn trái ĐBSCL nhìn lại mình đang ở đâu so với các nước đã phát triển cao hơn. Tôi sẽ có vài góp ý về các lĩnh vực: Sản xuất, tổ chức sản xuất, cách vận hành công tác nghiên cứu khoa học hiện nay.
Chế biến thanh long tại Cty Lavifood ở Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Chế biến thanh long tại Cty Lavifood ở Long An. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Dù đã là cây xuất khẩu mang lại nhiều tỷ đô la Mỹ mỗi năm, nhưng cây ăn trái ĐBSCL hiện nay trên một số hoạt động vẫn còn lạc hậu. Nếu khắc phục được thì chắc chắn kim ngạch xuất khẩu trái cây ở vùng này vẫn sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu trái cây trong thời gian tới mà Bộ NN-PTNT đã nêu mục tiêu từ 8-10 tỷ USD vào năm 2030.
CÁC TỒN TẠI CHÍNH
Về sản xuất
- Quy hoạch: Nhìn chung phát triển cây ăn trái vẫn tự phát là chính. Gần đây, cây mít Thái, cây sầu riêng ở Tiền Giang phát triển rất nóng vì hiệu quả kinh tế quá cao. Hay trước đây, cây cam sành ở Vĩnh Long cũng phát triển quá nóng, trồng quá dày, đưa đến cung vượt cầu, giá cam sành hạ nhiều so với trước đây. Dù có quy hoạch, nhưng dân không làm theo mà tự phát trồng, đưa đến phải giải cứu, trong lúc bắp, đậu nành hàng năm phải đi nhập về rất lớn. Vậy, chỉ đạo sản xuất thế nào để giải quyết sớm được vấn nạn trồng, chặt?
- Vườn ươm cây giống: Từ lâu các vườn ươm cây giống ở đây, nơi sản xuất hơn 20 triệu cây giống/năm cho cả nước, lại không cần biết gốc ghép có đặc tính gì như ở các nước tiên tiến. Chủ vườn ươm thường đi mua cây gốc ghép khi có đơn đặt hàng, đem về ghép lên, rồi bán sau vài tháng. Điều này, đã không tồn tại từ lâu ở các nước tiên tiến về cây ăn trái như Úc, Mỹ, Châu Âu, Nam Phi...
Họ sản xuất và chỉ bán cây giống sạch bệnh, còn ở mình thì cây giống rất có thể đã bị nhiễm bệnh từ vườn ươm rồi, nhất là các bệnh có nguồn gốc từ nấm trong đất như nấm Phytop. Vậy vấn đề này, chừng nào mới được nhà nước quan tâm chỉ đạo giải quyết ?!
- Phân tích đất lên líp để trồng cây ăn trái ở ĐBSCL của Đại học Cần Thơ (2010) cho biết đất này đang bị phèn hóa (pH thấp đi), và thiếu hữu cơ trầm trọng, do chỉ được bón phân hóa học một thời gian dài. Điều này gây ra hệ lụy đến năng suất, chất lượng và khả năng chống bệnh của cây.
Rõ nhất là vùng quýt tiều Lai Vung, hay vùng vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim ngày càng bị teo tóp về diện  tích, do bị thâm canh quá mức trong một thời gian dài. Vậy khi nào các mô hình đất lên líp trồng cây ăn trái được nhà nước quan tâm hướng dẫn để phì nhiêu của đất trồng cây ăn trái được làm đúng cách, vẫn sản xuất nhưng vẫn duy trì được độ pH và lượng chất hữu cơ trong đất?
- Năm 2020, mặn xâm nhập sâu, làm chết rất nhiều vườn sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh ở miền Tây. Thiệt hại rất lớn cho nhà vườn ở Tiền Giang, Bến Tre. Cần sớm xây dựng các giải pháp hạn chế các ảnh hưởng của mặn lên cây sầu riêng, chôm chôm... như tìm giống gốc ghép chịu mặn, nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật như tủ gốc, bón phân hữu cơ, tưới nước ra sao khi mặn xâm nhập, v.v.
Vậy đã có đề tài gì giao cho các viện nghiên cứu xử lý vấn đề này chưa? Trong việc tìm giống chống chịu mặn, nên thu thập giống từ các nước khác để nhanh chóng có giống chống chịu của các nước.
- Giống mới từ lai tạo hiện chưa nhiều, các giống thương mại hiện nay chủ yếu là giống chọn lọc từ những giống địa phương ngon đã có sẵn trong sản xuất như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, chôm chôm nhãn, vú sữa Lò Rèn, v.v, hoặc là giống nhập nội từ Thái Lan như sầu riêng Mongthon, nhãn Edor, chôm chôm Rong Riêng, hay nhập từ Đài Loan như xoài xanh, na Đài Loan...
Cần nhanh chóng có đề tài về lai tạo giống mới trên nhãn, chôm chôm, sầu riêng do Việt Nam chọn tạo. Các nhà khoa học của mình đủ khả năng tạo ra giống mới, hãy giao nhiệm vụ cho họ để không phải sử dụng giống của Thái Lan.
- Sản xuất đi trật hướng: Nông dân luôn luôn muốn có năng suất thật cao, vườn cam sành, hay quýt đường phải đạt tầm 80 tấn/ha trở lên. Vườn xoài xanh trồng dày như trồng rau, còn vườn vú sữa Lò Rèn cứ muốn cho trái sớm hơn vườn bên cạnh, rồi áp dụng các biện pháp như xiết nước, khiến diện tích vườn vú sữa Lò Rèn cứ teo tóp dần.
Để có năng suất cam, quýt cao, nông dân trồng rất dày, bón rất nhiều phân hóa học, xịt thuốc sâu hàng tuần, góp phần làm cho môi trường sống nông thôn ở ĐBSCL bị ảnh hưởng. Vậy khi nào thì có chỉ đạo quyết liệt hơn nữa về sản xuất theo hướng chất lượng, năng suất cam, quýt chỉ cần ở mức 20-25 tấn/ha thôi như ở các nước tiên tiến Đài Loan, Nhật.
Cách sản xuất theo kiểu tạo ra năng suất rất cao là một tồn tại lớn, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của người tiêu dùng, vì không biết đã ăn nhầm các trái cam, quýt, bưởi đã được xịt quá nhiều thuốc sâu, và được bón nhiều phân hóa học do muốn đạt năng suất rất cao, trái không còn an toàn để thưởng thức.
Về nhà đóng gói
Do chưa qua nhà đóng gói, trái cây bán ở các chợ đầu mối khắp ĐBSCL nói chung có mẫu mã xấu, không thể nào cạnh tranh với mẫu mã của trái cây nhập nội, do vậy, mà tỷ lệ hỏng của trái cây mình cao, đến 20-25%.
Nhà đóng gói cho cam, quýt, bưởi, dưa hấu ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan đã tiến quá xa so với ở Việt Nam. Trái cây họ chẳng những được rửa, mà còn được phân loại trái theo kích cỡ và độ ngọt. Khác biệt lớn đến vậy, nên trái cây ĐBSCL cứ nghe điệp khúc tỷ lệ hỏng đến 25%, và mẫu mã xấu. 
Vậy chừng nào sẽ được khắc phục, chừng nào cam, quýt, bưởi,  xoài... sẽ qua xử lý sau thu hoạch để trái cây của mình cũng được qua các công đoạn sau thu hoạch như ở các nước. Việc này, cần nhà nước hỗ trợ tích cực hơn nữa về chính sách để các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhiều nhà đóng gói ở khắp các vùng sản xuất trái cây, đặc biệt là ở các hợp tác xã sản xuất trái cây.
Yếu kém về chế biến
Tuy gần đây đã có nhiều sản phẩm chế biến như mít sấy, sầu riêng đông lạnh, xoài sấy dẻo, ổi sấy dẻo, bánh mì, thanh long…, nhưng nhìn chung, chúng ta vẫn chưa có nhiều sản phẩm chế biến từ trái cây như ở các nước Philippines, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan.
Hạn chế về tổ chức sản xuất
Sự liên kết giữa nông dân với nhau qua tổ, nhóm, hợp tác xã chưa hiệu quả, và do vậy, các hợp tác xã trái cây hiện nay ở ĐBSCL hầu như chưa giúp được nông dân như các hợp tác xã ở bên Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan. 
Về cách tổ chức sản xuất hợp tác xã ở Nhật. Năm 2012, đi khảo sát các mô hình hợp tác xã sản xuất trái cây, tôi thấy họ cũng nói 4 nhà, cũng nói hợp tác xã như mình, nhưng hợp tác xã của họ giúp nông dân được nhiều hơn mình. Nhờ Nhà nước tích cực giữ vai trò kết nối, tập hợp 4 nhà thường xuyên chủ trì để 4 nhà ngồi lại với nhau nhằm thường xuyên hỗ trợ cho hợp tác xã (bài “Nhật Bản hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ trái cây cách nào?”). 
HTX ở Nhật và Đài Loan hoạt động đa lĩnh vực, ngoài hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, họ còn làm rất nhiều hoạt động khác để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm và cải thiện được đời sống như: có nhà đóng gói (được nhà nước hỗ trợ chi phí xây dựng), quỹ tín dụng, cửa hàng bán cả hàng tiêu dùng, có chợ đầu mối bán trái cây, và có cả nhà hàng để phục vụ ăn uống cho khách thành phố về thăm hợp tác xã.
Như vậy, nhờ đa dạng ngành nghề, hợp tác xã của Nhật, Đài Loan vừa giúp xã viên tăng thu nhập, vừa giữ được người ở lại nông thôn, không phải đi tha phương cầu thực như đang xảy ra ở nhiều nơi ở ĐBSCL.
Mới đây, đi khảo sát cách làm của 2 hợp tác xã có tiếng ở tỉnh Đồng Tháp, tôi mới rõ ngay cả hợp tác xã có tiếng (vì có trái cây xuất khẩu như hợp tác xã xoài Mỹ Xương, ở Cao Lãnh, hay hợp tác xã nhãn Châu Thành, Đồng Tháp) cũng chỉ giúp xã viên bán xoài, bán nhãn thôi, nên tích lũy của 2 hợp tác xã này không đáng kể.
Một chủ nhiệm cho biết ông sắp đi Hà Nội dự một hội nghị lớn, nhưng phải đi bằng tiền tạm ứng của gia đình vì quỹ của hợp tác xã không nhiều. Việc này do đâu, tại sao hợp tác xã mình chưa làm đa dạng ngành nghề như hợp tác xã ở Đài Loan, ở Nhật để giúp xã viên có thu nhập cao hơn, và không phải lo lắng việc bán sản phẩm!
Việc này, tôi nghĩ Trung ương cần có tổng kết, rồi ban hành các chính sách mới hơn, khuyến khích được các hợp tác xã hoạt động năng động hơn hiện nay, tạo nhiều việc làm hơn cho nông dân. Qua đó, thay đổi bộ mặt nông thôn, thành thị hóa nông thôn như bên Nhật, Đài Loan.
Hoạt động nghiên cứu ở các viện
Hồi tôi còn làm việc ở Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, kinh phí hoạt động cho viện mỗi năm từ các nguồn chỉ xoay quanh 15 tỷ đồng, so với 100 triệu USD/năm của Viện Plant & Food, NEW ZEALAND là đối tác tư vấn cho Viện CĂQ Miền Nam về cách tiến tới tự chủ tài chánh như họ. Hỏi thêm và được biết, 70% kinh phí hàng năm của họ là từ bản quyền giống và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chỉ có 30% kinh phí là từ Nhà nước cấp. Họ được chủ động tìm đối tác, được tự quyết định các vấn đề nghiên cứu, được trả lương cán bộ theo năng lực. 
Kinh phí nghiên cứu khoa học của các viện thấp, chủ yếu còn dựa vào nguồn ngân sách. Nguồn xã hội hóa rất ít nên việc chủ động trong nghiên cứu chưa cao. Cần cơ chế tạo điều kiện cho các viện nghiên cứu thương mại hóa được sản phẩm một cách nhanh nhất, tạo nguồn thu để từ đó chủ động hơn trong nghiên cứu khoa học.

Tác giả bài viết: PGS.TS. Nguyễn Minh Châu

Nguồn tin: nongnghiep.vn

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,853,567
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,667
  • Tháng hiện tại69,176
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây