Giải pháp phục hồi vườn sầu riêng bị ảnh hưởng hạn mặn của mùa khô 2019- 2020

Thứ ba - 28/04/2020 06:40   1319
Cây sầu riêng là chủng loại CAQ đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân nên diện tích sầu riêng gia tăng mạnh trong những năm gần đây với hơn 47 nghìn ha và trồng tập trung nhiều ở các tỉnh ở ĐBSCL như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng.
Cây sầu riêng phục hồi sau hạn mặn
Cây sầu riêng phục hồi sau hạn mặn

Tuy nhiên sầu riêng được xếp vào nhóm cây trồng mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn < 1‰ (<1g/lít), đồng thời cũng là cây chịu hạn kém. Phản ứng chung nhất của cây đối với sự nhiễm mặn là cây bị kìm hãm sinh trưởng. Sự kìm hãm sinh trưởng này phụ thuộc vào nồng độ muối tan, lượng nước tưới nhiễm mặn và kèm theo đó là những dấu hiệu quan sát được như: lá bị héo, thay đổi màu sắc hay cháy lá. 

Đợt hạn mặn lịch sử mùa khô 2015-2016 đã làm nhiều vườn sầu riêng bị thiệt hại nặng nề, trước tình hình đó Viện Cây ăn quả miền Nam đã phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời tiến hành thử nghiệm khôi phục thành công vưởn sầu riêng bị hạn mặn tại xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Chúng tôi xin được chia sẻ kinh nghiệm phục hồi vườn sầu riêng này nhằm giúp bà con nông dân tùy tình hình thực tế, mức độ thiệt hại của từng vườn sầu riêng và các  vật tư nông nghiệp đang có hoặc tương tự ở địa phương để bà con nông dân vận dụng vào việc khôi phục vườn bị ảnh hưởng hạn mặn của mùa khô 2019 -2020, các bước phục hồi vườn sầu riêng như sau: 

Bước 1: Rửa mặn cho đất
Khi tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng thì hàm lượng của muối hòa tan cao làm cho áp suất thẩm thấu của dung dịch đất lớn hơn áp suất thẩm thấu của tế bào. Chính sự chênh lệch áp suất này làm cho hệ thống rễ cây không hút nước và dinh dưỡng được, làm cho màng tế bào bị phá vỡ, dẫn đến cây bị mất nước, héo. Mặn cũng gây phá hủy cấu trúc đất, đất bị nén chặt, giảm tính thấm nước và thoát nước, thiếu sự thoáng khí cho vùng rễ. 
Cần thực hiện biện pháp tưới ngọt liên tục 3 - 5 ngày (ngày tưới 2 - 3 lần mỗi lần 15 - 30 phút, tưới bằng béc phun) để rửa trôi muối tích tụ trong đất. 
Sau đó tiến hành bón vôi 1kg/cây và tưới nước sạnh để vôi tan trong đất, các ion Canxi từ vôi sẽ đẩy các ion Natri bám trên bề mặt keo đất ra ngoài dung dịch để sớm bị rửa trôi.

Bước 2: Phục hồi bộ rễ và bộ lá  
Để cây sinh trưởng và phát triển tốt thì cây cần có bộ rễ khỏe, vì vậy sau 7 - 10 ngày sau rửa mặn cho đất (bước 1) thì cần tiến hành bón phân để giúp cây sầu riêng phục hồi bộ rễ.
- Bón gốc: Sử dụng chế phẩm Rootwell 20ml/20lít nước/cây + 100g Rhizomyx/cây (Lượng nước tưới 5 lít/cây). 
Rootwell được chiết xuất từ cá nên có dinh dưỡng khoáng, hữu cơ, các Amino Acid và Vitamin cần thiết cho cây trồng có tác dụng tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, giúp phục hồi bộ rễ, tăng đề kháng sâu bệnh và cải tạo đất bị thoái hóa, chai cứng, nghèo dinh dưỡng.
Rhizomyx 2.5G có chứa nấm cộng sinh Mycorrhiza giúp cây trồng chống chịu với điều kiện hạn, mặn là: giúp cây trồng tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng như P, N, Mg và Ca; duy trì tỉ lệ K+/Na+. 
Lưu ý: Trong giai đoạn này tuyệt đối không bón phân hóa học cho cây sầu riêng.
- Phun qua lá: Song song với việc tái tạo bộ rễ mới, cần tiến hành khôi phục bộ lá bằng các loại dinh dưỡng ở dạng hữu cơ - sinh học (do bộ rễ bị hư hại do hạn mặn, nấm bệnh tấn công nên không thể hấp thu nước và dinh dưỡng để nuôi lá). Sử dụng 50 ml Vitazyme + 10 g DS Gold/ 20 lít nước (Lượng nước phun 5 lít/cây).
Trong Vitazyme có chứa Brassinosteroids (BRs) sẽ giúp loại bỏ ảnh hưởng ức chế của mặn lên các sắc tố và kích thích sinh trưởng, phục hồi hàm lượng diệp lục tố. BRs tăng cường khả năng chống chịu mặn do nó có liên quan đến tích lũy proline trong tế bào lá.
Trong DS Gold có chứa Axit humic sẽ giúp tăng cường sự quang hợp của cây do kích thích sự hoạt động của các men tham gia trong quá trình quang hợp, cường độ quang hợp mạnh cây sẽ sinh trưởng nhanh. Ngoài ra axit humic còn làm tăng sức đề kháng của cây với sâu bệnh và điều kiện bất lợi như nóng, rét, hạn, úng, mặn, phèn. 

Bước 3: Hỗ trợ bộ lá phát triển
- Phun qua lá: Sau 10 ngày sau khi bón phân phục hồi bộ rễ và bộ lá (bước 2) thì tiến hành Sử dụng 50 ml Silimax + 10g DS Gold/ 20 lít nước (Lượng nước phun 7 lít/cây) 
Trong Silimax có các nguyên tố Canxi (Ca). Kali (K), Silic (Si) và chứa đạm (N) ở dạng amino axit, có khả năng làm tăng năng suất trên rất nhiều loại cây trồng thông qua việc gia tăng tổng hợp chlorophyll và quang hợp, tăng khả năng chống chịu của cây trồng trong các điều kiện bất lợi về dinh dưỡng, hạn mặn, sâu bệnh.

Bước 4: Hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá
Sau 10 ngày phun bón lá hỗ trợ bộ lá phát triển (bước 3), sử dụng phân bón tương tự như ở bước 2 như sau:
- Bón gốc: Sử dụng chế phẩm Rootwell 20 ml/ 20 lít nước/cây + 100 g Rhizomyx/cây. (Lượng nước phun 10 lít/cây) 
- Phun qua lá: Sử dụng 50 ml Vitazyme + 10 g DS gold/ 20 lít nước (Lượng nước phun 10 lít/cây).

Bước 5: Tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp
Sau 20 ngày bón phân hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá (bước 4), thì tiến hành bón phân cho cây sầu riêng:
-  Bón gốc: Sử dụng 5 kg phân hữu cơ/ cây.
- Phun qua lá: 50 ml Silimax + 10 g DS gold/20 lít nước. (Lượng nước phun 10 lít/cây).
 Sau 3 tháng áp dụng theo các bước của qui trình thì cây sầu riêng cơ bản phục hồi được bộ lá và bộ rễ.

Tác giả bài viết: TS. Võ Hữu Thoại

Nguồn tin: SOFRI

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,852,324
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay2,869
  • Tháng hiện tại67,933
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây