Sầu riêng được sơ chế, đóng gói tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu - Ảnh: T.VY
Sáng 10-12, Tổ điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Bob Wang, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, cho biết Việt Nam và Thái Lan là hai nước xuất khẩu trái cây lớn của Đông Nam Á sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, xuất khẩu trái cây Việt Nam có nhiều thua thiệt so với Thái Lan. Minh chứng rõ nhất là kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan đạt 8,5 tỉ USD, còn Việt Nam cao nhất mới đạt 3,2 tỉ USD.
Để cải thiện việc xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc, ông Bob Wang đưa ra 5 kiến nghị cho Việt Nam.
Trước hết, ông Bob Wang đề nghị các cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây của Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây và xây dựng các quy tắc thống nhất để đảm bảo rằng việc hái và khử trùng trái cây Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và không sử dụng hóa chất hoặc thuốc trừ sâu để tránh các vi phạm. Đồng thời trái cây Việt Nam khi xuất khẩu phải áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trái cây Việt Nam thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường Trung Quốc, bán hàng một cách thụ động mà không tìm hiểu nhu cầu thực sự của thị trường.
Khi các chợ đầu mối của Trung Quốc mở cửa vào buổi sáng, các thương nhân Thái Lan thường có thể nắm bắt giá cả nhanh chóng và bán sản phẩm hiệu quả, trong khi thương nhân Việt Nam chậm hơn.
Do đó Việt Nam cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, đồng thời có thể nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc mới nhất.
Thứ ba, kể từ khi sầu riêng Việt Nam được phép vào thị trường Trung Quốc vào tháng 9-2022, sầu riêng Việt Nam đã được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Tuy nhiên, những tháng sau đó, một tình huống bất thường xảy ra đó là ngoài việc trả tiền mua sầu riêng thì người Trung Quốc phải chịu thêm chi phí về hạn ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam, mỗi container khoảng 300.000 nhân dân tệ, điều này khiến giá sầu riêng Việt Nam cao hơn giá sầu riêng Thái Lan tại thị trường Trung Quốc.
"Điều này rất bất lợi cho sự phát triển lâu dài của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, rất mong phía Việt Nam lưu ý" - ông Bob Wang bày tỏ.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc để giúp xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt Nam tại Trung Quốc.
Cho dù đó là thiết lập văn phòng thường trú tại Trung Quốc hay thông qua mua sắm trực tuyến cũng cung cấp cho người mua Trung Quốc các kênh mua sắm thuận tiện hơn với ít người trung gian hơn.
"Chúng tôi dự định tổ chức một cuộc triển lãm và bán sầu riêng Việt Nam quy mô lớn tại Nam Ninh vào khoảng ngày 24 tháng này, chủ yếu thông qua mô hình bán trước trực tuyến, để đổi mới mô hình bán trái cây Việt Nam tại Trung Quốc.
Nói cách khác, theo cách này trong tương lai, trái cây Việt Nam có thể vừa được hái tại vườn Việt Nam, chúng ta đã bán xong hàng sang Trung Quốc.
Những người bạn Việt Nam quan tâm có thể liên hệ với chúng tôi sau cuộc họp để cùng nhau quảng bá mô hình bán hàng sáng tạo này, bởi từ nay đến Tết Nguyên đán chúng tôi cần khoảng 1.500 container sầu riêng.
Thông qua diễn đàn, tôi mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác với nhà cung cấp trái cây Việt Nam để giảm bớt các liên kết trong khâu lưu thông để hai bên cùng có lợi", ông Bob Wang thông tin.
Nguồn tin: tuoitre.vn