Doanh nghiệp chú trọng đầu tư công nghệ bảo quản trái cây

Thứ năm - 21/10/2021 09:07   747
Các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đầu tư cho công nghệ sơ chế, bảo quản trái cây, bởi nó quyết định cuối cùng chất lượng, mẫu mã sản phẩm tới tay khách hàng.

Vai trò tối quan trọng của công nghệ bảo quản lạnh 

Bảo quản sau thu hoạch là vấn đề cần được quan tâm để trái cây Việt Nam có thể đảm bảo chất lượng và an toàn khi đến với người tiêu dùng. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật để bảo quản sản phẩm tốt hơn, đặc biệt không tồn dư chất bảo quản.

Hệ thống sơ chế, đóng gói, bảo quản ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư, bởi khâu này quyết định cuối cùng tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Ảnh: TL.

Hệ thống sơ chế, đóng gói, bảo quản ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư, bởi khâu này quyết định cuối cùng tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Ảnh: TL.

Theo TS Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học, Sinh lý hoá và Công nghệ sau thu hoạch (Viện Cây ăn quả Miền Nam): Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đã có các cải thiện về nhà xưởng như: Nhà xưởng được xây dựng bài bản, giúp bảo quản sơ chế trái cây đóng gói giảm thất thoát.

Hệ thống máy rửa tự động, kho lạnh đầy đủ để làm lạnh, trữ hàng. Riêng vật liệu bao bì bảo quản thì thị trường đang sẵn có, giá cũng tương đối hợp lý nên DN có thể dễ tiếp cận…

Trên trái sầu riêng, những năm gần đây, hầu hết các DN chuyển sang bảo quản lạnh trên trái vả cả sầu riêng tách múi nên vấn đề nguy cơ mất an toàn thực phẩm do hoá chất hầu như không có.

Công nghệ bảo quản lạnh tốt, quyết định đến 80% thành công của bảo quản sản phẩm. Do đó, đa số các nhà xuất khẩu đều có kho lạnh. Hàng mà không đóng được thì làm mát xuống trước để bảo quản. Làm mát trước khi lên xe cũng giúp bảo quản trái cây được tốt hơn.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Phong, việc các DN áp dụng nhiều tiến bộ trong bảo quản sau thu hoạch, mà tiêu biểu là công nghệ làm lạnh, cấp đông chẳng những giúp bảo quản trái giữ nguyên được chất lượng, độ tươi ngon, mà còn giảm đi rất nhiều nguy cơ nhiễm sinh vật gây hại, nấm bệnh, mất an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc BVTV do phải sử dụng chất bảo quản.

Chẳng hạn như trên trái nhãn, để xử lý bảo quản, người ta thường dùng biện pháp xông lưu huỳnh. Hiện nay, tại Viện đang nghiên cứu công nghệ bảo quản lạnh xuống khoảng 1 độ C để giảm lượng lưu huỳnh mà trái vẫn tươi ngon, sau 1 - 2 tuần đến thị trường vẫn tươi như mới thu hoạch.

Những kho lạnh thông minh, quy mô lớn

Cũng theo TS Nguyễn Văn Phong, công nghệ bảo quản sau thu hoạch hiện được các DN hết sức quan tâm. Hiện nay, đã có những kho bảo quản cực kỳ hiện đại kiểu AC, tức là kiểm soát thành phần không khí, ẩm độ, nhiệt độ tại kho.

Khâu bảo quản sau thu hoạch cho trái cây ở nước ta còn yếu và thiếu, gây nhiều hạn chế trong việc dự trữ, xuất khẩu. Ảnh: TL.

Khâu bảo quản sau thu hoạch cho trái cây ở nước ta còn yếu và thiếu, gây nhiều hạn chế trong việc dự trữ, xuất khẩu. Ảnh: TL.

Mô hình nhà kho này đang được một DN tại huyện Thủ Thừa tỉnh Long An đầu tư, hoàn thành 90% và được đưa vào sử dụng. Kho có sức chứa 4.000 tấn, dùng trữ hàng rất tốt. Bởi những kho lạnh của nhà đóng gói nhỏ, chủ yếu làm lạnh chứ không đủ diện tích để lưu trữ.

Những kho bình thường chỉ kiểm soát nhiệt độ, còn loại kho thông minh này có thể kiểm soát thành phần không khí. Chẳng hạn có thể điều chỉnh giảm thành phần khí oxy trong kho xuống thấp. Khi đó có thể diệt được côn trùng còn sót, đeo bám trên trái cây. Bên cạnh đó, khi đưa trái cây dự trữ thì giảm thành phần khí oxy của kho xuống khoảng 5 - 6% để trái cây lâu chín, bảo quản lâu hơn.

Do khí oxy thấp, con người vô không được nên kho được thiết kế có hệ thống rô-bốt di chuyển chở hàng ra vào. Dạng xe có rô-bốt lấy từng pa-lết, nó tự mã hoá vị trí, mã hoá sản phẩm của từng khách hàng.

Kho sẽ cung cấp cung cấp nhiệt độ, ẩm độ… đến điện thoại của người quản lý thông qua một phần mềm quản lý. Khi chủ hàng muốn giao dịch, chỉ cần thực hiện lệnh trên điện thoại, rô-bốt sẽ đến ngay vị trí được định vị để đưa hàng ra ngoài.

Trước đây, ở Việt Nam chưa từng có kho lạnh có công nghệ bảo quản thông minh như mô hình này. Mùa dịch Covid-19 này, DN đã đưa kho vào hoạt động, trữ thanh long rất hiệu quả. Đây có thể xem là một trong những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất được áp dụng trong công nghệ bảo quản sau thu hoạch ở nước ta.

Công nghệ bảo quản ngày càng được coi trọng

Tại Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu (Chánh Thu, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Công ty đã liên kết với nông dân để xây dựng vùng trồng chuyên trái cây canh đạt các tiêu chuẩn và đảm bảo bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu trồng đến khi thu hoạch.

Chánh Thu là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tiêu biểu của Việt Nam đầu tư bài bản về hệ thống sơ chế, bảo quản, đảm bảo việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Ảnh: Chánh Thu.

Chánh Thu là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tiêu biểu của Việt Nam đầu tư bài bản về hệ thống sơ chế, bảo quản, đảm bảo việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Ảnh: Chánh Thu.

Bên cạnh đó, Công ty cũng có nhà máy đóng gói hoạt động theo quy trình khép kín đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, code Mỹ, Úc, Newzealand. Các sản phẩm của Công ty đều được đăng ký thương hiệu, mã số mã vạch, được cấp chứng nhận ISO 9001:2008, chứng nhận nhà cung cấp chất lượng số 0029-TQS-2012, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…

Hiện nay, nhà máy đóng gói của Chánh Thu đạt có công suất thiết kế lên đến 50 nghìn tấn/năm, theo tiêu chuẩn HACCP, GlobalGAP, code Mỹ. Các sản phẩm sơ chế như sầu riêng, chôm chôm, nhãn, bưởi, xoài… DN đang sử dụng công nghệ cấp đông.

Chánh Thu cũng đang nỗ lực thực hiện cải thiện dây chuyền công nghệ đóng gói, xử lý và bảo quản sau thu hoạch để tăng công suất và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, Chánh Thu đang rất nỗ lực xây dựng vùng trồng sầu riêng đạt chuẩn tại các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên và ĐBSCL với mong muốn đưa sầu riêng thành sản phẩm trái cây chủ lực của quốc gia (sản phẩm OCOP 5 sao) xuất khẩu đến nhiều nới trên thế giới. Do đó, DN quan tâm nhất là công nghệ cấp đông trái sầu riêng sao cho giữ được sản phẩm lâu mà vẫn đạt chất lượng, an toàn thực phẩm.

Còn công nghệ xử lý nhiệt bằng máy nước nóng giúp tiêu diệt nhiều loại sâu bệnh còn vướng trên trái và bảo quản được lâu hơn, nhất là trong mùa mưa, trái cây không bị úng. Qua đó, giúp trái cây không bị vướng ở khâu kiểm dịch.

Công nghệ xử lý nhiệt trên trái xoài tại nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cát Tường. Ảnh: MĐ.

Công nghệ xử lý nhiệt trên trái xoài tại nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cát Tường. Ảnh: MĐ.

Từ những trăn trở làm sao để đưa sản phẩm trái cây Việt đi xa, năm 2015, ông Đoàn Văn Sang đã thành lập Nhà máy Chế biến nông sản Cát Tường (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) để tìm đầu ra mới cho trái thanh long cũng như các loại trái cây khác của Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường và khách hàng, DN cũng đầu tư nhà máy đóng gói đạt chuẩn, hệ thống kho mát hiện đại có sức chứa khoảng 2.000 tấn và nhà máy xử lý hơi nước nóng cho trái cây tươi.

Nhà máy đóng gói trái cây được kiểm định của chuyên gia Hoa Kỳ, đáp ứng cho thị trường xuất khẩu trái cây tươi sang các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Newzeland, Đài Loan, Trung Quốc… và nhiều nước khác trên thế giới.

Để mở rộng nguồn nguyên liệu, Công ty Cát Tường đang liên kết hợp tác với các HTX trong và ngoài tỉnh Tiền Giang trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam. Hiện rau quả liên kết với Công ty Cát Tường được trồng theo tiêu chuẩn công nghệ có kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, đảm bảo sản lượng cung ứng tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu.

Ông Đoàn Văn Sang, Tổng Giám đốc Công ty Cát Tường cho biết: Hơn 10 năm qua, Cát Tường, nông dân và đối tác đã xây dựng chuỗi giá trị bền vững, ổn định. Công nghệ ngày càng tiến bộ buộc DN phải thay đổi để thích ứng tồn tại.

Nguồn tin: MINH ĐẢM – HỮU ĐỨC

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,844,204
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay1,752
  • Tháng hiện tại59,813
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây