Đẩy mạnh hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Việt Nam - Phần Lan

Thứ bảy - 11/09/2021 21:16   505
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan Jari Leppa đã thống nhất sẽ ban hành khung hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (phải) và Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan Jari Leppa vào chiều 10/9 vừa qua. Ảnh: Anh Tuấn.

Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (phải) và Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan Jari Leppa vào chiều 10/9 vừa qua. Ảnh: Anh Tuấn.

Mở ra cơ hội hợp tác mới

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Phần Lan của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan Jari Leppa.

“Mục đích chính của chúng tôi tới đây là mong muốn được tăng cường hợp tác giữa hai Bộ; mong muốn được chia sẻ, trao đổi và học hỏi, mở ra cơ hội hợp tác mới”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói với người đồng cấp - ngài Jari Leppa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện dự án liên quan đến dữ liệu thông tin rừng quốc gia. Việt Nam đánh giá cao dự án này ở giai đoạn 1, 2 đã tạo cơ sở để ngành lâm nghiệp Việt Nam quản lý hệ thống thông tin rừng hiệu quả.

Ông đề nghị Phần Lan hỗ trợ tiếp hợp phần 3 và hỗ trợ Việt Nam thực hiện liên quan phát triển rừng đa dụng. Về nội dung này, hai Bộ trưởng đều đồng ý thúc đẩy hợp tác, đặc biệt đối với hợp tác xã lâm nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp Việt Nam đang tiếp tục quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm hướng tới “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”; chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đang nỗ lực chuyển đổi mô hình phát triển giá trị nông nghiệp đơn ngành sang đa ngành.

“Chúng tôi nhận thấy sự tương đồng về nhiều lĩnh vực quản lý giữa hai Bộ. Vì vậy, cần có cơ chế tiếp xúc thường xuyên hoặc liên lạc trực tiếp giữa 2 bên để trao đổi sâu hơn về cơ chế và nội dung cụ thể trong các lĩnh vực mà hai Bộ có thế mạnh và nhu cầu hợp tác”, người đứng đầu Bộ NN-PTNT của Việt Nam chia sẻ.

Ông cũng đề nghị Phần Lan hỗ trợ phân ngành chăn nuôi, trồng trọt, phát triển lâm nghiệp đa dụng; hỗ trợ chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn bền vững, nông nghiệp tuần hoàn, cung cấp nước sạch nông thôn. 

Đánh bắt thuỷ sản có trách nhiệm

Về mặt thương mại, Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia sản xuất nông sản hàng đầu thế giới, nhưng quan hệ thương mại với Phần Lan còn khiêm tốn. Vì vậy, sắp tới hai bên cần đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng bổ sung cho nhau.

Buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan. Ảnh: Anh Tuấn.

Buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan. Ảnh: Anh Tuấn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong chuyến công tác này, mong muốn gặp các nước trong Liên minh châu Âu (EU) để cùng trao đổi, làm rõ mối quan tâm của châu Âu đối với đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam. Đây là sinh kế của nhiều người dân Việt Nam từ lâu đời nay.

Từ một ngành khai thác tự phát, Việt Nam đang đưa vào ngành khai thác có tổ chức để bảo vệ nguồn thủy hải sản của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều luật liên quan và các văn bản liên quan, nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động này.

Những động thái này của Việt Nam đã được EU ghi nhận, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về thể chế phù hợp với yêu của EU đưa ra.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, đánh bắt thủy hải sản có trách nhiệm cũng chính là nhiệm vụ của người dân Việt Nam với hệ sinh thái biển, cũng như thực hiện cam kết trước cộng đồng quốc tế.

Ông Jari Leppa - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp chia sẻ, Phần Lan có đất sạch, rừng sạch, nước sạch để sản xuất sản phẩm sạch. Để thực hiện được việc này, công tác nghiên cứu có vai trò rất quan trọng. Trên thực tế, Phần Lan đã có quá trình nghiên cứu về rừng và thiên nhiên lâu nhất trên thế giới, vì vậy Phần Lan cũng mong muốn được chia sẻ với Việt Nam về lĩnh vực này.

Ngoài ra, Phần Lan cũng rất quan tâm đến dự án thúc đẩy sự phát triển HTX, thúc đẩy thương mại, hợp tác phát triển ngành kinh tế tuần hoàn và kinh tế sinh học. Hai bên cùng có thể chia sẻ kinh nghiệm về những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.

Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã thống nhất sẽ ban hành khung hợp tác cụ thể trong thời gian tới.

Ngoài lĩnh vực lâm nghiệp, Phần Lan còn nhiều thế mạnh khác. Do đó, Bộ NN-PTNT Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp - lĩnh vực đã được coi như “thương hiệu” hợp tác giữ hai nước trong thời gia qua; xem xét có cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam để tăng cường sự duy trì và phát triển “Hệ thống thông tin quản lý ngành Lâm nghiệp” (FORMIS).

Ngoài ra, hai bên còn có thể hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như: thủy sản; xử lý chất thải rắn (sinh hoạt, chăn nuôi), nước thải và cấp nước nông thôn; kinh tế sinh học; kinh tế tuần hoàn, và đổi mới sáng tạo.

Về thương mại nông lâm, thuỷ sản và đầu tư trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá “thương mại còn khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng và khả năng bổ trợ lẫn nhau của 2 bên”.

Việt Nam đang vươn lên trong nhóm các nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới. Việt Nam có thế mạnh về nông sản nhiệt đới, thủy sản, nguyên liệu gỗ nhưng xuất khẩu thô còn khá nhiều và chưa bền vững. Vì vậy, Bộ NN-PTNT Việt Nam đề nghị hai bên tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên có thể tìm hiều cơ hội đầu tư kinh doanh.

Phần Lan có nhiều công ty lớn, uy tín về lâm nghiệp (như Stora Enso, Metsä Board, UPM, Tornator Oyi); công ty lớn về  xuất - nhập khẩu lâm sản như Kesko, Valio, Paulig, Quỹ Finnfund (là quỹ đầu tư quan tâm nhiều vào lĩnh vực lâm nghiệp). Do đó, cần tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

"Chúng tôi cũng đang nỗ lực để xử lý vấn đề chống khai thác IUU. Đề nghị Phần Lan ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong triển khai chống khai thác IUU và có tiếng nói ủng hộ để Ủy ban Châu Âu nhanh chóng xem xét việc tháo gỡ “Thẻ vàng” đối với ngành khai thác hải sản của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Phần Lan phối hợp với EU tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để triển khai Hiệp định VPA/FLEGT, thúc đẩy xuất khẩu gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU", Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Tác giả bài viết: Minh Phúc

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,262,861
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay2,884
  • Tháng hiện tại73,795
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây