CHUYỂN HƯỚNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP Ở VÙNG HẠN, MẶN

Thứ tư - 07/07/2021 04:37   762
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/CP nông dân ĐBSCL có cách tiếp cận mới trong sản xuất, chuyển từ thế bị động sang chủ động ứng phó trước xâm nhập mặn.
Nông dân ở vùng ven biển ĐBSCL áp dụng kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước, lúa trúng mùa, chắc hạt. Ảnh: HĐ

Nhanh nhạy chuyển đổi

Ở vùng ĐBSCL Biến đối khí hậu (BĐKH) hiển hiện ngày càng rõ. Qua 3 vụ lúa Đông Xuân (ĐX) liên tiếp hạn, mặn đến sớm hơn thường kỳ và dấn sâu hơn vào vùng nội địa. Lo cây lúa trước tiên, từ tháng 10 cập nhật tình hình thủy văn nước lũ đầu nguồn về kém, Cục Trồng trọt phối hợp trực tiếp với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng về các địa phương khảo sát, lên kế hoạch lịch thời vụ xuống giống sớm hơn một tháng so cùng kỳ. Nhờ đó đến tháng 12 cuối vụ ĐX phần lớn diện tích lúa an toàn vào giai đoạn trổ chín, thu hoạch.

Tuy nhiên, do có thời điểm lúa và rau màu tiêu thụ được giá, nông dân quen canh tác nối vụ Xuân Hè đã gặp rủi ro, thiếu nước tưới. Nhất là vào tháng giêng khô hạn, mặn xâm nhập sâu theo các nhánh sông. Ở hai huyện Long Phú và Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã có một số nông dân phải bỏ ruộng lúa chết khô sau khi gieo sạ. Có hộ trồng cà chua đến lúc cho trái bị khô héo vì khát nước. Nhiều nông dân nhận ra sự cần thiết trong điều chuyển mùa vụ hợp lý để đảm bảo sản xuất ăn chắc, không bị thiệt hại. Hệ quả vụ ĐX 2020-2021 nông dân Long Phú, Trần Đề đã trúng mùa lúa, thắng lớn.

Chuyển lịch thời vụ gieo sạ lúa ĐX sớm ở vùng nguy cơ hạn, mặn đe dọa. Ảnh: TL

Trong 3 năm (2017-2020) tỉnh Sóc Trăng  chuyển đổi cây trồng trên đất lúa hơn 20.600 ha. Nhiều mô hình chuyển đổi kinh tế bắt đầu phát huy hiệu quả. Mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng cây hằng năm cho lợi nhuận từ 40-80 triệu đồng/ha. Mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm cho lợi nhuận từ 100-200 triệu đồng/năm. Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản như mô hình nuôi cá đăng quầng trong mùa nước nổi cho lợi nhuận 15-20 triệu đồng/ha.

Sở NN-PTNT Sóc Trăng đánh giá các mô hình chuyển đổi là sự nhanh nhạy của nông dân. Nông dân chuyển cách tiếp cận SX bắt nhịp theo nhu cầu thị trường, tạo được thu nhập cao hơn. Chọn giống cây, con có ưu thế, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, chuyển đổi đạt hiệu quả cần có điều kiện thủy lợi, nguồn cấp nước tưới cho cây trồng trong mùa khô hạn. Mô hình trồng dưa hấu, rau màu trên ruộng lúa sau khi thu hoạch vụ ĐX nông dân phải có ao trữ nước hay mương dẫn nước lót bạt để giữ nước đủ tưới cho một vụ trồng màu.

Trước ảnh hưởng BĐKH, hạn mặn kéo dài, điều kiện cần đầu tư hạ tầng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất rất cần thiết. Mặt tồn tại hiện thời không riêng tỉnh Sóc Trăng, một số địa phương chưa mạnh dạn xây dựng vùng quy hoạch chuyển đổi gắn với liên kết, tiêu thụ. Chình vì nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi, còn lúng túng trong lựa chọn cây trồng đáp ứng theo nhu cầu thị trường.

Thực tại diện tích chuyển đổi sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, vì thị trường tiêu thụ nông sản còn bấp bênh. Muốn tiến tới sản xuất bền vững, nhiều địa phương khuyến khích doanh nghiệp liên kết với HTX, nông dân. Rõ ràng cần có chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia.

Đẩy nhanh tái cơ cấu

Tỉnh Bến Tre được kiến tạo bởi ba dãy cù lao với thế mạnh kinh tế vườn và kinh tế biển. Trong đó, kinh tế vườn tiêu biểu, cây dừa đóng vai trò chủ lực, với hơn 73.000 ha, cây ăn trái trên 29.000 ha và trên 30.000 ha lúa chuyên canh và lúa một vụ. Đây là điều kiện lý tưởng để nông dân Bến Tre hướng đến những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế cho nông hộ.

Dừa là một trong những cây trồng thích nghi hạn mặn, được nông dân quan tâm chuyển đổi. Ảnh: MĐ

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, trước ảnh hưởng biến BĐKH, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nên diện tích trồng lúa kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang cây trồng khác mang lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, việc kết hợp trồng lúa với nuôi tôm, nuôi bò đã mang lại hiệu quả gấp 2-3 lần trên cùng một diện tích canh tác cho người nông dân.

Con bò, con tôm cũng là vật nuôi thích ứng với BĐKH. Vì vậy, việc kết hợp sẽ tạo cho người dân có sự đổi mới trong canh tác. Dựa trên điều kiện thực tại sẳn có nông dân đã dần chuyển đổi SX cho phù hợp nhằm tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Năm 2020, tổng diện tích lúa gieo trồng trên địa bàn tỉnh đạt trên 31.000 ha, sản lượng trên 135.000 tấn. Diện tích lúa giảm trên 24.000 ha so với năm 2017, sản lượng giảm gần 92.000 tấn. Diện tích, sản lượng lúa giảm do nông dân chuyển đất lúa sang cây trồng khác và nuôi thủy sản, đồng thời thực hiện chủ trương xuống giống 2 vụ/năm (một số nơi không xuống giống vụ ĐX để tránh bị thiệt hại do hạn mặn). Đồng thời, diện tích cây ăn trái tăng và phát triển theo hướng chuyên canh, trồng các loại cây đặc sản có giá trị cao như nhãn, chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh…

Bà Trần Thị Thu, nông dân xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm vừa chuyển đổi hơn 3.000 m2 đất lúa kém hiệu quả để lên luống trồng dừa và trồng cỏ nuôi bò. Trên nền đất lúa thuộc vùng trũng thấp, trồng lúa mỗi năm có 2 vụ, năng suất thấp, thu nhập bấp bênh. Hơn nữa, các năm gần đây ảnh hưởng nước mặn nên SX lúa không hiệu quả. Vụ lúa ĐX vừa qua bà Thu không gieo sạ, cho lên liếp trồng dừa kết hợp trồng cỏ nuôi bò.

Ngày nay, người nông dân tỉnh Bến Tre đã và đang từng bước chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Họ đã cân nhắc, thận trọng hơn trong việc lựa chọn đối tượng, quy mô, thời điểm sản xuất, liên kết bao tiêu sản phẩm, quản lý môi trường, thực hiện các biện pháp phòng ngừa hạn mặn và phòng,chống dịch bệnh. Ngoài ra, việc áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được người dân quan tâm thực hiện trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi như thủy sản, cây ăn trái, chăn nuôi lợn…

Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được chứng nhận hoặc đang xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu như dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, con lợn, con bò…, được thị trường chấp nhận khá tốt, tạo được thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm nông nghiệp Bến Tre.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, nhận định: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế- xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đẩy nhanh phát triển nông nghiệp bền vững.

Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 4-4,7%/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha diện tích trồng trọt đạt 180 triệu đồng/ha, thủy sản đạt 450 triệu đồng/ha…

Theo đó, tỉnh Bến Tre sẽ thực hiện cơ cấu lại SX nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nền SX nông nghiệp hàng hóa có chất lượng tốt và sức cạnh tranh cao. Giai đoạn 2021-2025 và đến định hướng đến năm 2030, Bến Tre đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại trên cơ sở điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dựa vào lợi thế của địa phương, sinh thái vùng, nhu cầu thị trường và ứng phó với BĐKH.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Ảnh: MĐ

Ngoài ra, Bến Tre sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản, chủ động chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, cây ăn trái, chăn nuôi.

Sắp tới tỉnh Bến Tre xúc tiến xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu nông sản. Lộ trình đến năm 2025 tất cả 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh cùng các sản phẩm đặc thù của địa phương phải được truy xuất nguồn gốc hoặc chứng nhận chỉ dẫn địa lý khi đưa ra thị trường.

Theo Cục Trồng trọt, vụ Đông Xuân 2020-2021 ở ĐBSCL chuyển đổi cây trồng trên đất lúa trên 27.300 ha. Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngắn ngày: Bắp, đậu phộng, đậu nành, rau đậu các loại... và cây ăn quả: Cam, bưởi, xoài, thanh long, mít…Một số diện tích chuyển đổi sang cây ăn quả như cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, thanh long, sầu riêng,…đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao.

 

Tác giả bài viết: HỮU ĐỨC-MINH ĐẢM

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,845,292
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay1,156
  • Tháng hiện tại60,901
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây