Nhằm giảm bớt lệ thuộc vào nhập khẩu, chính phủ Singapore đang trông đợi một nền nông nghiệp đô thị công nghệ cao, sản xuất rau và cá gấp 10 đến 15 lần thông thường.
Thay đổi mang tính thời đại
Nhằm đảm bảo một phần an ninh lương thực trong thời kỳ khủng hoảng do đại dịch Covid-19, đồng thời bảo vệ được sự đa dạng sinh học, kiềm chế biến đổi khí hậu, chính phủ đảo quốc sư tử đã đề ra chiến lược mới thay đổi trọng tâm canh tác từ nông thôn sang đô thị.
Một trang trại trồng rau thủy canh trên sân thượng tòa nhà cao tầng ở Singapore. Ảnh: QZ
Hiện Singapore được coi là nước đi tiên phong trong sự thay đổi này, khi quốc gia nhỏ bé có quy mô dân số trên 5 triệu người đặt ra mục tiêu tự sản xuất 30% lương thực vào năm 2030 khi kêu gọi tất cả người dân cùng tham gia và chính phủ sẵn sàng dành cho họ các khoản tài trợ. Giới phân tích cho rằng, với 90% nhu cầu thực phẩm của người dân Singapore đang đến từ nước ngoài, thì mục tiêu này là một thách thức không hề nhỏ.
Goh Wee Hou, Giám đốc Ban Chiến lược Cung cấp thực phẩm tại Cơ quan Lương thực Singapore cho biết: “Hoạt động sản xuất lương thực tại chỗ của Singapore hiện chỉ chiếm chưa đầy 10% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Mục tiêu trên của chính phủ đã tính đến các quỹ đất hiện có để sản xuất nông sản và những tiến bộ tiềm năng trong công nghệ cũng như những sáng tạo đột phá”.
Cơ quan Lương thực Singapore đánh giá, các mặt hàng thực phẩm có tiềm năng tăng sản lượng trong nước bao gồm rau củ, trứng và cá. Ba mặt hàng này được tiêu thụ phổ biến nhưng lại khó bảo quản được lâu và dễ bị gián đoạn nguồn cung. Ngoài ra, các nguồn protein thay thế như thịt có nguồn gốc thực vật hay thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cũng có thể đóng góp vào mục tiêu “30 x 30” này. Theo ông Goh, trong năm 2020 có 238 trang trại nông nghiệp công nghệ cao được cấp phép ở Singapore.
Dự kiến chiến lược “30 x 30” sẽ chính thức “nhấn nút” cho các ứng dụng vào cuối năm nay, và chính phủ sẽ cung cấp một ngân quỹ mới trị giá 60 triệu đô la để tài trợ cho các khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm hơn. Theo Cơ quan Lương thực Singapore, nguồn quỹ này sẽ khuyến khích hỗ trợ cho các trang trại thương mại quy mô lớn, bất kể địa điểm.
Công nghệ cao nhưng vẫn phải bền vững
Hiện quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp truyền thống ở Singapore chỉ còn khoảng 1%, điều này đã tạo ra những rào cản, hạn chế chiến lược “phát triển nhiều thực phẩm hơn với ít tài nguyên hơn”.
Mô hình nuôi thủy sản trên cao của Tập đoàn Apollo cung cấp 3.000 tấn cá mú, cá hồi và tôm mỗi năm ở Singapore. Ảnh: Smithsonian
Chính phủ Singapore đang đặt nhiều hy vọng vào giải pháp công nghệ, khi tuyên bố rằng các trang trại trồng nhiều tầng rau được chiếu sáng bằng đèn LED và hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn sẽ có thể sản xuất nhiều rau và cá hơn gấp 10 đến 15 lần so với các trang trại sản xuất thông thường.
Kể từ năm 2017, không gian sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở hai quận ven đô là Lim Chu Kang và Sungei Tengah đều ưu tiên cho các dự án trang trại thương mại quy mô lớn. Theo đó mọi công đoạn đều được tối ưu hóa để sản xuất đạt công suất tối đa.
Cùng thời điểm, nhiều ý tưởng nuôi trồng thực phẩm tận dụng mọi ngõ ngách, không gian trong đô thị đã lần lượt xuất hiện: Từ mái nhà bãi đậu xe đến các khoảng trống trên nóc các tòa nhà cao tầng đều được tái sử dụng và lắp đặt trang thiết bị để phục vụ sản xuất thực phẩm.
Theo đó ba mô hình nông nghiệp đô thị ở Singapore đang được khuyến khích phát triển gồm:
1/ Trang trại ứng dụng phương pháp thủy canh trên mái các tòa nhà cao tầng, thường được gọi là Citiponics.
2/ Các trang trại thẳng đứng (vertical farm) trong các tòa nhà cao tầng, cao ốc, văn phòng nhằm phát triển các loại thực phẩm không thể sản xuất trong nước, thay thế nhập khẩu và cắt giảm lượng khí thải carbon.
3/ Hình thành hệ thống sản xuất trong nhà kính tốt hơn cho vùng khí hậu nhiệt đới, lấy mô hình từ Vườn Natsuki ở trung tâm thành phố. Theo đó, nhà kính được thiết kế tùy chỉnh cho khí hậu nhiệt đới để không khí lưu thông tốt hơn nhưng vẫn tạo ra năng suất 60-80 kg thực phẩm mỗi mét vuông.
Mô hình nông nghiệp thẳng đứng của hãng Sustenir Agricultural, tận dụng mọi không gian trong nhà để sản xuất rau củ. Ảnh: QZ
Theo ông Lionel Wong, giám đốc sáng lập Upgrown Farming, một công ty tư vấn giúp trang bị kiến thức cho các chủ doanh nghiệp nông nghiệp mới ở Singapore, chiến lược này có thể khiến những người nông dân sản xuất truyền thống bị loại khỏi phương trình trong dài hạn.
“Về lâu dài, sản lượng thực phẩm cao ở Singapore sẽ cần một thị trường tiêu dùng bền vững, tuy nhiên hiện nó vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Mục tiêu '30 đến 30' thực sự chỉ là một tầm nhìn cho dù nó xứng đáng được ghi nhận về những gì đã thúc đẩy, nhưng còn rất nhiều chỗ để cải thiện bởi năng suất không nhất thiết đi đôi với tính bền vững hoặc lợi nhuận", ông Wong cho biết.
Theo các chuyên gia, Singapore có thể tự sản xuất lương thực bền vững về lâu dài hay không vẫn còn phải chờ đợi nhưng nỗ lực của chính phủ chắc chắn đã tạo ra một sự phấn khích cho các khởi nghiệp sẵn sàng vượt qua ranh giới.
Nguồn tin: iasvn.org