Cách thức quản lý chất lượng sau thu hoạch trên nhãn Edor
Thứ sáu - 16/10/2020 08:32 2525
Nhãn Edor là giống nhãn Thái du nhập vào Việt Nam từ cuối thập niên 90 thế kỷ 20. Ở Thái Lan, giống nhãn này được trồng nhiều nhất có khả năng kháng bệnh, cho năng suất và thu nhập ổn định, và là giống nhãn xuất khẩu chủ lực. Ở miền Nam, cây nhãn Edor được trồng thay thế cho giống nhãn Tiêu da bò có khả năng chống chịu kém với hiện tượng chổi rồng và được phân bố ở các vùng trồng nhãn ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ…
Cây nhãn Edor mang lại giá trị kinh tế cao đối với nhà sản xuất và là giống nhãn xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cho các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển thương mại nhãn luôn gặp nhiều hạn chế do chất lượng trái cây sau thu hoạch suy giảm nhanh bởi sự hóa nâu của vỏ quả và tuổi thọ rất ngắn, khoảng vài ngày ở nhiệt độ phòng. Do vậy cần phải nắm rõ đặc tính của trái sau thu hoạch để có cách thức quản lý chất lượng hiệu quả cho nhãn sau thu hoạch. Quản lý chất lượng nhãn Edor sau thu hoạch Nhãn có đặc tính là trái không đỉnh hô hấp đột biến, nên thu hoach khi trái đạt độ chín sinh lý đảm bảo chất lượng đáp ứng cho việc bảo quản tiêu thụ các thị trường. Độ chín thu hoạch của nhãn Edor ảnh hưởng vào mùa vụ thu hoạch (mùa mưa và mùa nắng), trái sẽ có chất lượng khác nhau (độ ngọt, màu sắc…), cũng như khả năng bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó cường độ hô hấp của nhãn Edor sau thu hoạch tương đối cao (68,80-69,80 mg CO2/kg/h ở 5 ngày bảo quản 20oC) và tốc độ thối hỏng rất nhanh sau 2-3 ngày bảo quản nhiệt độ phòng.
Qua những đặc tính trên cho thấy nhãn Edor là trái rất dễ hư hỏng sau thu hoạch. Do đó việc quản lý chất lượng nhãn Edor sau thu hoạch cần kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất trước thu hoạch, giai đoạn thu hoạch, xử lý bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ. Quản lý trước thu hoạch
Nhãn Edor có vỏ mỏng nên khi bị nấm bệnh xâm nhiễm trước thu hoạch thì dễ dàng gây thối hỏng và gây tổn thất lớn cho trái sau thu hoạch. Cần quản lý kiểm soát nấm bệnh tấn công và tăng khả năng đề kháng cho trái (tăng hàm lượng canxi cải thiện cấu trúc vỏ, các thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả và an toàn trong kiểm soát nấm bệnh). Ngoài ra có thể cải thiện màu sắc cho trái (vỏ quả vàng sáng) ở thời điểm trước thu hoạch và quản lý chăm sóc (tỉa cành tạo tán, phân bón dinh dưỡng…) cho cây phát triển với trái có đường kính trên 25 mm đáp ứng tiêu chuẩn thu mua xuất khẩu trên thị trường. Quản lý thu hoạch và sau thu hoạch Độ chín thu hoạch: Nhãn Edor thời gian thu hái 119 và 126 ngày sau khi đậu trái có chất lượng cao khi thu hoạch (mùi thơm đặc trưng, màu vỏ thay đổi từ vàng nâu sáng sang vàng nâu và trái không nhô cao phần thịt ở hai bên cuống). Thu trái quá sớm hoặc quá trễ so với các độ chín ở trên làm cho trái có chất lượng kém và thối hỏng nhanh. Thời điểm thu hoạch: Nên thu hoạch trái lúc trời mát, khi quả đã hoàn toàn khô sương. Không nên thu hoạch lúc trời đang mưa hay sau khi mưa. Không thu hoạch lúc trời quá nóng (giữa trưa).Thời điểm thu hoạch phù hợp cho nhãn Edor là 7h-11h trong ngày cho hiệu quả trong việc hạn chế bệnh và duy trì chất lượng sau thu hoạch. Dụng cụ chứa: Sau khi thu hái, sản phẩm cần được tập trung vào các dụng cụ chứa, hoặc có thể sử dụng tấm bạt trải nơi mát để chất sản phẩm, tránh chất sản phẩm quá cao. Không để sản phẩm sau khi thu hái tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên dùng tấm lót mềm để lót để tránh tổn thương cho sản phẩm khi va chạm với thành dụng cụ. Không nên chứa trái quá nhiều trong dụng cụ chứa gây tổn thương trong quá trình vận chuyển.
Sau khi thu hoạch có thể phân loại sơ bộ tại vườn để loại bỏ các trái không đạt chất lượng (sâu bệnh, non, quá chín…), tỉa các cành không mang trái cũng như lá và tiến hành vận chuyển nhanh đến nhà sơ chế đóng gói để tiến hành xử lý. Tránh tạm trữ và xử lý quá lâu trước khi đưa vào bảo quản. Thời gian nên trước 12 giờ và không hơn 24 giờ để tăng khả năng bảo quản cho nhãn. Xử lý hạn chế hóa nâu và nấm bệnh: Nhãn edor bị tổn thương lạnh khi bảo quản nhiệt độ 5oC và bị mất nước biến nâu rất nhanh khi bảo quản nhiệt độ phòng. Nhiệt độ bảo quản tối ưu cho cho nhãn edor là 7oC có thể bảo quản 21 ngày. Ngoài ra trong quá trình bảo quản nhãn Edor ở nhiệt độ thấp nấm bệnh vẫn phát triển gây thối hỏng tổn thất cho sản phẩm.
Để hạn chế các tác động trên cần xử lý các biện pháp kỹ thuật sau thu hoạch hoặc kết hợp với nhau để tăng hiệu quả xử lý, như màng bao (màng chitosan), bao gói biến đổi thanh phần không khí (LDPE), chất bảo quản chống hóa nâu (acid ascorbic, acid oxalic…) và xử lý nhiệt (nhúng nước nóng 48-49oC) để hạn chế nấm bệnh và biến nâu vỏ của nhãn Edor. Các kỹ thuật này hạn chế quá trình hô hấp (điều chỉnh thành phần không khí xung quanh trái CO2 và O2), hạn chế sự mất nước và sự phát triển của nấm bệnh.
Áp dụng kỹ thuật xông lưu huỳnh (SO2) để hạn chế hóa nâu và chống nấm bệnh cho nhãn Edor là một trong những biện pháp quản lý chất lượng nhãn edor trong quá trình bảo quản. Tuy nhiên một số thị trường xuất khẩu kiểm soát dư lượng xử lý lưu huỳnh rất thấp hoặc cấm hẳn không cho áp dụng. Hơn nữa khí SO2 cũng là tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó việc xử lý nên hết sức cẩn thận, an toàn và tránh dư lượng cho sản phẩm. Làm lạnh nhanh (precooling): Việc xử lý làm lạnh nhanh sau thu hoạch rất quan trọng trong quản lý chuỗi lạnh trên nhãn và làm tăng tính hiệu quả trong quản lý nhiệt độ bảo quản với việc loại bỏ nhiệt của trái trên vườn thu hoạch trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển sau đó. Có thể làm lạnh nhanh nhãn Edor ở nhiệt độ 8-10oC và sau đó đưa trái bảo quản ở nhiệt độ tối ưu để tăng tính hiệu quả kéo dài thời gian bảo quản cho trái.
Tóm lại, việc quản lý chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch nhãn Edor cần hạn chế sự hóa nâu và thối hỏng trong xuyên suốt chuỗi sản xuất từ trước thu hoạch, thu hoạch và sau thu hoach. Với việc gia tăng khả năng chống chịu với bệnh gây thối hỏng trước thu hoạch và áp dụng các giải pháp kỹ thuật xử lý kiểm soát hiện tượng hóa nâu và hạn chế nấm bênh sau thu hoạch sẽ giúp quản lý tốt chất lượng sau thu hoạch trên trái nhãn Edor.