Bảo vệ bản quyền giống để nông sản bước ra biển lớn

Thứ tư - 08/03/2023 21:34   871
Để nông sản Việt Nam xác lập uy tín trên trường quốc tế, bên cạnh công tác nâng cao chất lượng, bảo vệ bản quyền giống cây trồng cần phải được đặc biệt quan tâm.

Để mắt, tính xa về bản quyền giống sầu riêng

Ngày 17/9/2022, hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên của nước ta đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước này. Từ đây, đã mở ra cơ hội cho người trồng sầu riêng của Việt Nam trong việc gia tăng xuất khẩu mặt hàng có giá trị này sang thị trường tỷ dân. Bởi, nhu cầu tiêu dùng sầu riêng tại thị trường này rất lớn.

Giống sầu riêng Monthong hay Dona chiếm khoảng 50% diện tích sầu riêng của Việt Nam. Ảnh: Minh Đảm.

Giống sầu riêng Monthong hay Dona chiếm khoảng 50% diện tích sầu riêng của Việt Nam. Ảnh: Minh Đảm.

Năm 2021, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang Trung Quốc là 807.277 tấn, kim ngạch xuất khẩu 3,1 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan sang thị trường Trung Quốc tăng 50% so với năm 2021. Dù mới nổi lên gần đây, song năm 2022, xuất khẩu sầu riêng của nước ta sang Trung Quốc cũng đạt khoảng 800.000 tấn.

Trong cơ cấu giống sầu riêng được trồng tại Việt Nam có 2 giống được trồng phổ biến là giống sầu riêng Dona (Monthong) và giống sầu riêng Ri6 với tỷ lệ gần tương đương nhau. Sác giống sầu riêng khác như Cơm vàng, Sữa hạt lép (còn gọi là sầu riêng Chín Hóa), hạt lép Tiền Giang (còn có tên khác là sầu riêng chuồng bò), bí rợ, khổ qua xanh, channe, lá quéo... được trồng với diện tích không đáng kể.
 

Gần đây, nông dân cũng trồng 2 giống sầu riêng là Musang King và Black Thorn. Đây là hai giống sầu riêng được nhập nội, nhân giống và trồng. Tuy nhiên, hai giống sầu riêng này chưa qua khảo nghiệm giá trị canh tác và giá trị sử dụng, khảo nghiệm diện rộng để đánh giá tính thích nghi của giống cũng như chưa tự công bố lưu hành giống theo Luật Trồng trọt và Nghị định 94/2020/NĐ-CP.

Đối với công tác bảo hộ giống cây trồng, theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thống nhất năm 1994, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải quy định quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng. Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV) theo Công ước 1991 kể từ ngày 24/12/2006. Trong số 10 quốc gia ASEAN, hiện chỉ có Singapore và Việt Nam tham gia UPOV.

Sầu riêng đang là cây trồng nhiều triển vọng xuất khẩu và rất cần được chú trọng về vấn đề bản quyền giống.

Sầu riêng đang là cây trồng nhiều triển vọng xuất khẩu và rất cần được chú trọng về vấn đề bản quyền giống. Ảnh: Hữu Đức.

Thạc sĩ Nguyễn Nhật Trường, Phó trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây ăn quả (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết: Theo quy định của UPOV, cây trồng cần phải đáp ứng được 5 điều kiện mới được bảo hộ. Thứ nhất là tính khác biệt (Distinctness), là giống mới tạo thành phải phân biệt được với các giống đã được biết và phổ biến ít nhất một tính trạng đặc trưng.

Thứ hai là tính đồng nhất (Uniformity), các cây thuộc cùng giống đó cơ bản là đồng nhất về tính trạng đặc trưng, ngoại trừ sự biến dị có thể xảy ra. Thứ ba là tính dẫn định (Stability), các tính đặc trưng không thay đổi qua các thế hệ hoặc mỗi chu kỳ nhân giống.

Thứ tư là tính mới về thương mại (Commercial Novelty), giống mới chưa được bán với sự đồng ý của tác giả trước thời điểm nộp đơn trong một khoảng thời gian nhất định. Thứ năm là tên gọi thích hợp (Appropriate Denomination), tên gọi của giống mới không được trùng lặp với tên gọi của một giống khác thuộc cùng một loài cây.

Hiện tại, Thái Lan chưa là thành viên UPOV nên chưa thực hiện đăng ký bảo hộ giống cây trồng ở các nước thành viên của tổ chức này. Đối với giống sầu riêng Monthong, đây là giống đã được trồng thương mại tại Thái Lan và một số quốc gia khác từ rất lâu nên không bảo đảm được tính mới về thương mại để bảo hộ giống theo quy định của UPOV.

Mặc dù vậy trong tương lai, chưa biết điều gì sẽ xảy ra, hoặc vì lợi ích doanh nghiệp, lợi ích quốc gia, các hiệp hội ngành hàng của Thái Lan cũng có thể đăng ký bảo hộ nhãn mác, thương hiệu... cho giống sầu riêng Monthong - giống sầu riêng được trồng chủ lực tại Thái Lan.

Hiện nay, để tuân thủ theo điều kiện bảo hộ của UPOV, trong chương trình nghiên cứu lai tạo giống sầu riêng của Viện Cây ăn quả miền Nam, qua 15 năm nghiên cứu, Viện đã lai tạo, khảo nghiệm và chọn ra được 4 dòng sầu riêng có triển vọng mang mã số RM20, RM22, RM14, RM60.

Empty

Giống sầu riêng RM22 do Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo. Ảnh: TL.

Nói về các dòng sầu riêng triển vọng này, TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: Các dòng sầu riêng này đều có nguồn gốc từ tổ hợp lai Ri6 x Monthong. Chúng có ưu điểm từ bằng cho đến vượt trội hơn so với bố mẹ, đặc biệt là béo, tỷ lệ thịt quả cao, tỷ lệ hạt lép cao.

Đặc điểm chung của các dòng sầu riêng này là tán cây dạng hình tháp, mật độ cành trung bình. Cây ra hoa tự nhiên đều đặn, tập trung vào tháng 2 hàng năm. Nụ hoa mọc thành chùm, mật độ hoa trung bình. Tỷ lệ đậu trái trung bình. Thời gian từ khi hoa nở đến thu hoạch khoảng 105 - 110 ngày. Mùa thu hoạch chính vụ đầu tháng 6, tương tự như giống Cơm vàng hạt lép Chín Hóa và sớm hơn Monthong từ 1 - 2 tuần.

Với dòng sầu riêng lai RM22, TS Võ Hữu Thoại cho biết: Dòng sầu riêng này có tỷ lệ thịt cao, bình quân 34,9%. Đặc biệt, tỷ lệ hạt lép rất cao, cao nhất trong 3 dòng, đạt 85,3%. Thịt màu vàng trung bình, ráo, rất mịn, ngọt béo, không xơ, không sượng, rất thơm, vị hậu, không đắng trong điều kiện bình thường. Độ brix cao, đạt 25,7%. Chưa nhiễm các loài sâu bệnh hại nguy hiểm.

Đối với dòng sầu riêng lai RM60 có tỷ lệ thịt cao (32,4%). Tỷ lệ hạt lép rất cao 65,5%. Thịt màu vàng đậm, ráo, rất mịn, ngọt, béo, không xơ, không sượng, vị ngọt, rất thơm, vị hậu, không đắng trong điều kiện bình thường. Độ brix cao (24,7%). Chưa nhiễm các loài sâu bệnh hại nguy hiểm.

TS Võ Hữu Thoại cũng cho biết: Sắp tới, Viện Cây ăn quả miền Nam sẽ làm các bước thủ tục để được công nhận giống mới và phổ biến vào sản xuất.

Empty

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm vườn trồng 4 giống sầu riêng triển vọng của Viện Cây ăn quả miền Nam. Ảnh: Minh Đảm.

3 giống thanh long mới sắp được chuyển giao cho Newzealand

Bên cạnh giống sầu riêng, hiện nay, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng đang trong quá trình đàm phán với Newzealand để chuyển giao, nhượng quyền khai thác đối với 3 giống thanh long: DF02, DF14 và DF16. Ba giống giống thanh long này có năng suất khá cao, chống chịu tốt với bệnh đốm nâu (mức độ nhiễm từ 0 - 1 so với giống ruột trắng ở mức 2 - 3). Ba giống thanh long này ước cho hiệu quả kinh tế từ 500 – 600 triệu đồng/ha/năm.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm, tại Newzealand, giống cây trồng được bảo hộ đến 4 cấp. Thứ nhất là bảo hộ quyền tác giả, tức là khi được nhượng quyền khai thác từ Viện Cây ăn quả miền Nam, họ kiểm soát toàn bộ từ khâu sản xuất cây giống cho tới vùng trồng. Thí dụ, họ quy định chỉ sản xuất 100.000 cây giống là chỉ được sản xuất ra bấy nhiêu thôi, không được sản xuất thêm. Sau đó, họ còn kiểm soát về đại lý tiêu thụ cây giống, nông dân được cung cấp giống, thời gian cho thu hoạch, năng suất, sản lượng... 

"Vừa rồi, 3 giống thanh long của Viện Cây ăn quả miền Nam được đưa ra đấu giá chuyển nhượng bản quyền theo đúng quy định nhưng không có doanh nghiệp nào trong nước mua. Bây giờ đối tác phía Newzealand họ đã đồng ý mua bản quyền, bảo hộ giống. Tới đây, khi họ có bản quyền giống rồi, rất có khả năng là họ sẽ chỉ mua những diện tích thanh long được trồng giống có bản quyền của họ. Lúc ấy, những diện tích thanh long trồng giống không có bản quyền sẽ rất khó chen chân vào để xuất khẩu...", ông Lê Thanh Tùng ái ngại.

Empty

Thêm 3 giống thanh long mới của Viện Cây ăn quả miền Nam sắp được chuyển giao cho Newzealand.

Cũng theo ông Tùng, thanh long là cây trồng được nhân giống dễ dàng bằng phương pháp vô tính, giâm cành. Vì vậy để bảo vệ tuyệt đối bản quyền, nếu nông dân mua giống để lọt ra ngoài, doanh nghiệp sở hữu bản quyền nếu phát hiện ra họ sẽ huỷ hết cả vùng đó. Từ trước đến nay, nước ta chưa quản lý giống như thế này. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp nước ngoài mua giống và bảo hộ sản xuất tại Việt Nam, họ sẽ thực hiện vấn đề này. Vì vậy nông dân và doanh nghiệp nước ta cần lưu ý để tránh vi phạm. Cái này gọi là truy xuất nguồn gốc sổ tay mà trước giờ chúng ta chưa thực hiện.

“Trước nay, chúng ta không quản lý như vậy, chỉ bán giống thôi, ai muốn làm gì thì làm. Bây giờ họ kiểm soát bản quyền giống theo hình thức này, nông dân sẽ không còn đơn giản là trồng như thế nào thì trồng, muốn lấy giống ở đâu thì lấy, bán không được thì kêu giải cứu, mà doanh nghiệp được bảo hộ bản quyền giống và nông dân sẽ phải tự tính với nhau. Tới đây, chúng ta cũng sẽ phải nghiên cứu hình thức quản lý bản quyền giống cây trồng như vậy”, ông Tùng nêu quan điểm.

Để trái cây Việt Nam tiếp tục khai thác tốt hơn thị trường quốc tế, các khuyến cáo cho thấy cần chú trọng giải pháp khoa học giúp cây cho thu hoạch quả rải đều trong năm và sự đồng bộ về năng lực đóng gói, chế biến và mã số vùng trồng. Cần lưu ý kiểm soát về diện tích, sản lượng khi xuất khẩu cũng như bảo đảm về chất lượng, an toàn thực phẩm cho nông sản để đáp ứng yêu cầu của quốc gia nhập khẩu. Song song đó, chú trọng công tác bản quyền để bảo vệ nhãn hiệu nông sản Việt Nam.

Tác giả bài viết: Minh Đảm

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam:

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,915,352
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay1,579
  • Tháng hiện tại51,877
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây