Báo nổi tiếng Mỹ viết về thanh long Việt Nam

Thứ tư - 09/02/2022 20:59   1018
Thanh long Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua do Trung Quốc có động thái mạnh tay đối với hàng hóa nhập khẩu ở biên giới.Tờ New York Times (Mỹ) mới đây đã đăng tải một bài viết về tình hình khó khăn của thanh long tại Việt Nam. Dưới đây là nội dung bài viết:
Ông Phạm Thanh Hồng đang cắt tỉa cây thanh long. Ảnh: Linh Pham/The New York Times

Thanh long Việt Nam thiệt hại nặng
Tại vườn thanh long của ông Phạm Thanh Hồng, hầu hết đèn đều đã tắt. Không gian xung quanh đều tĩnh lặng, ngoại trừ thỉnh thoảng có tiếng thanh long chín rơi bịch xuống đất.
Ông Hồng, 46 tuổi, không buồn thu hoạch chúng. Người nông dân này đã chứng kiến giá thanh long giảm mạnh 25% trong tuần cuối cùng của tháng 12, chủ yếu ảnh hưởng bởi chính sách Zero Covid của Trung Quốc.
Trung Quốc đã dùng mọi biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn virus vào trong lãnh thổ nước này. Trung Quốc sàng lọc và kiểm tra hàng nghìn gói trái cây và thực phẩm đông lạnh mặc dù có rất ít bằng chứng cho thấy virus có thể lây truyền qua các sản phẩm đó. Nhiều thành phố Trung Quốc tiếp tục bị phong tỏa trong thời gian dài.
Chính sách chống virus nghiêm ngặt đã gây ra những hậu quả đối với người nông dân trồng trái cây ở Đông Nam Á. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây từ Đông Nam Á sang Trung Quốc đạt khoảng 6 tỷ USD.
Trái thanh long bị thối rữa sau vụ thu hoạch gần đây do không tìm được người mua.
Ông Hồng nói: "Chúng tôi trồng thanh long, nhưng mà giống như đánh bạc vậy".
Hàng dài xe tải đến từ Việt Nam, Myanmar và Lào hiện đã được hỗ trợ trên các cửa khẩu biên giới của Trung Quốc. Nông dân trồng thanh long ở Việt Nam, vốn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, rơi vào tình cảnh khó khăn do không có đầu ra.
Tại Myanmar, các nhà xuất khẩu dưa hấu đang bán phá giá trái cây của họ ở biên giới vì các tài xế xe tải đã được yêu cầu kiểm dịch trong 15 ngày trước khi họ có thể đưa hàng vào Trung Quốc.
Tình hình phức tạp
Những quy định ngặt nghèo dường như đã làm nông dân trồng thanh long Việt Nam chịu tổn thất nghiêm trọng. Sau khi 9 thành phố ở Trung Quốc nói đã phát hiện virus corona trên thanh long nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc đã đóng cửa các siêu thị bán trái cây, buộc ít nhất 1.000 người tiếp xúc với trái cây phải cách ly và yêu cầu khách hàng đi xét nghiệm.
Hơn một triệu nông dân trồng thanh long, xoài và mít của Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế. Trung Quốc hiện chiếm hơn 55% trong 3,2 tỷ đô la xuất khẩu rau quả của Việt Nam, trong đó chủ yếu là trái thanh long.
Hiệu ứng lan tỏa của chính sách Zero Covid từ Trung Quốc đã làm dấy lên các cuộc thảo luận về sự phụ thuộc của Đông Nam Á vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong hơn một thập kỷ qua, nông dân trồng trái cây ở Đông Nam Á đã nhắm vào tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Trung Quốc - những người ngày càng chú ý hơn về vấn đề sức khỏe. Họ cũng được hưởng lợi từ một mạng lưới đường bộ và đường cao tốc nối các quốc gia với Trung Quốc.
Nhiều người nông dân đã đặt nhiều hy vọng vào Tết Nguyên đán, khi lượng tiêu thụ trái cây nhiệt đới tăng vọt do phong tục và các hoạt động văn hóa truyền thống tại Trung Quốc.
Người lao động phân loại thanh long xuất khẩu.
Trung Quốc đã mở lại biên giới với Việt Nam vào tháng trước, nhưng chưa nới lỏng các biện pháp kiểm tra.
Người nông dân Việt Nam đã nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, tìm ra thị trường thay thế, bao gồm chuyển hướng thanh long đến các siêu thị địa phương. Tuy nhiên, việc tìm nguồn xuất khẩu khác ngoài Trung Quốc vẫn là điều khó khăn.
Việc sử dụng máy bay và tàu để gửi trái cây đến các quốc gia khác sẽ khiến chi phí cao hơn. Một số vùng trồng cây ăn quả ở Đông Nam Á lại không gần các sân bay.
Các nước chịu ảnh hưởng
Tình hình nông sản ở các khu vực khác cũng phức tạp. Aye Myo Kyi, một nông dân trồng dưa hấu ở Myanmar, cho biết ông đã phải vứt bỏ dưa hấu khi Trung Quốc siết biên giới với Myanmar vào tháng 4/2021. Ông Aye Myo Kyi đã bán dưa hấu từ năm 2010 nhưng hiện tại đã chuyển sang bán đậu trong nước.
Các nhà xuất khẩu Thái Lan thường vận chuyển trái cây qua Việt Nam và Lào, những quốc gia có chung cửa khẩu với Trung Quốc. Tuy nhiên họ cũng gặp khó khăn.
Worakanya Panyaprasertkit, một nhà xuất khẩu nhãn ở Thái Lan, cho biết lô hàng trái cây của bà đã bị kẹt lại biên giới Việt Nam-Trung Quốc trong 60 ngày.
Khi Trung Quốc tuyên bố sẽ mở lại biên giới với Việt Nam, hầu hết trái cây đã bị hỏng.
Patchaya Khiaophan, phó chủ tịch tiếp thị của Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan, cho biết bà đoán rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục định kỳ mở và đóng cửa biên giới trong những tháng tới.
Thái Lan đang phát triển các chất khử trùng để phun vào các thùng chứa sầu riêng xuất khẩu và thắt chặt các tiêu chuẩn an toàn và đóng gói đối với trái sầu riêng để kịp thu hoạch vào tháng 4.

 

Nguồn tin: sohoa.vn

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,844,206
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay1,752
  • Tháng hiện tại59,815
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây