Cơ hội cho Tiền Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây

Thứ tư - 29/04/2020 03:44   758
Theo thông tin từ UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) dự kiến đầu tư nhà máy chế biến rau quả tươi của DOVECO tại tỉnh Tiền Giang có tổng công suất thiết kế là 350.000 tấn sản phẩm mỗi năm, trong đó, có 150.000 tấn quả  chế biến và 200.000 tấn quả tươi xuất khẩu.
      Nhà máy chế biến rau quả DOVECO có quy mô diện tích xây dựng là 10 héc ta với tổng vốn đầu tư 500 tỉ đồng. Trong đó, có 5 héc ta xây dựng nhà máy chế biến và 5 héc ta xây dựng nhà máy sơ chế, bảo quản và đóng gói quả tươi xuất khẩu.
     Với hơn 62 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm với 40 dòng sản phẩm (nhóm quả tươi, đông lạnh, chế biến) đã được xuất khẩu sang 30 quốc gia trên thế giới, DOVECO sẽ phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật và cùng với người nông dân theo dõi, giám sát quá trình sản xuất cũng như liên kết thu mua sản phẩm trong thời gian tới.
     Ngoài ra, tổ chức IFC (thành viên của Ngân hàng Thế giới - WB) sẽ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật để tăng cường khả năng xuất khẩu của trái cây Việt Nam cho quả thanh long và chanh dây. Đây là những chủng loại có tốc độ tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu được đánh giá là nhanh nhất và có tiềm năng lớn khi tiếp cận các thị trường tiêu thụ giá trị cao. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất nhanh chóng trong thời gian dài, tuy nhiên việc xuất khẩu đối mặt với nhiều thách thức (cạnh tranh thị trường, chất lượng và yêu cầu, tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu,..) trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng. Để hỗ trợ giải quyết thách thức nói trên, IFC và Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp nhằm cải thiện khung pháp lý và các dịch vụ công để mở cửa các thị trường xuất khẩu mới. Hai bên cũng sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm của thanh long và chanh leo bằng cách cập nhật và thực hiện các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, truy nguyên nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm theo thông lệ quốc tế và yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu.
“Tiếp cận các thị trường mới và đa dạng không chỉ giúp tăng doanh thu xuất khẩu và mở rộng sản xuất, mà còn cải thiện khả năng chống chịu của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trước những sụt giảm đột ngột về nhu cầu ở một số thị trường do các cuộc khủng hoảng gây ra, như đại dịch Covid-19 hiện nay. Điều này sẽ giúp bảo vệ việc làm và sinh kế cho hàng triệu công nhân và nông dân trong ngành kinh doanh nông nghiệp, và xây dựng một ngành nông nghiệp bền vững theo định hướng xuất khẩu và có giá trị gia tăng cao hơn tại Việt Nam” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào phát biểu./.

Nguồn tin: SOFRI

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,346,297
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay4,336
  • Tháng hiện tại74,955
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây