Tìm giống cây ăn quả chống chịu hạn, mặn

Thứ hai - 30/12/2019 04:13   1453
ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử. Hầu hết các cửa sông mặn đã xâm nhập sâu 50-70km, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.

PV NNVN đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) về những giải pháp chống hạn, mặn cho cây ăn quả vùng ĐBSCL…
TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI)

Diễn biến của hạn hán và xâm nhập mặn năm nay ở ĐBSCL được xem là nghiêm trọng nhất trong khoảng 100 năm qua. Vậy nhận định của ông về mức độ thiệt hại đối với sản xuất cây ăn trái như thế nào?

Đúng vậy, hầu như năm nào các tỉnh ĐBSCL cũng xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn, nhưng đây là đợt hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và khốc liệt nhất. Những tháng đầu năm 2016, lượng dòng chảy về sông Cửu Long giảm mạnh, đây cũng chính là một trong những biểu hiện khắc nghiệt của tình trạng biến đổi khí hậu.

Dự báo, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt ở ĐBSCL và có thể kéo dài tới tháng 6/2016. Việc xâm nhập mặn của nước biển đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp nói chung và cây ăn trái nói riêng, trường hợp bị nặng có thể gây chết cây. Hiện nước mặn đã xâm nhập đến những vùng trồng cây ăn quả tập trung của các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng...

Do đó nhà vườn cần đề cao cảnh giác và theo dõi chặt diễn biến độ mặn, nếu độ mặn từ 4‰ trở lên thì ngưng ngay không tưới cho cây có múi để tránh thiệt hại.

Theo ông, tình hình hạn hán và nhiễm mặn ở vùng ĐBSCL có diễn biến gì bất thường hơn so với trước đây?

Những năm gần đây, nước mặn theo sông xâm nhập sâu vào đất liền ngày một trầm trọng nhất là những tháng mùa khô với tốc độ là 0,5 - 1km/năm, kéo dài từ 1 – 4 tháng/năm. Việc xâm nhập mặn trên các sông chính sẽ từ mức độ xâm nhập sâu đến rất sâu, dẫn đền tình trạng diện tích đất trồng trọt và nguồn nước sử dụng trong nông nghiệp bị nhiễm mặn ngày càng tăng.

Tại Bến Tre, rãnh mặn trên 2‰ đã xâm nhập sâu vào các sông chính lên đến trên 60 km. Thực tế đo trên sông Hàm Luông (ngày 8/3/2016) cho thấy nước mặn đã lên đến huyện Chợ Lách với độ mặn 2,4 ‰, gây nguy hại vì đây là vùng sản xuất cây giống và cây ăn quả lớn của tỉnh Bến Tre gồm sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, cây có múi.

Qua theo dõi trong vòng 6 năm gần đây tại Trạm Mỹ Tho (Tiền Giang), mức độ xâm nhập mặn trên sông Tiền rất khác nhau, tùy thuộc mùa mưa kết thúc sớm hay muộn và cường độ của gió chướng, mực nước đầu nguồn.

Tuy nhiên, đến tháng 3 và 4 thường có mức độ xâm nhập mặn cao nhất trong năm. Lo ngại hơn khi độ mặn trên sông Hàm Luông (Bến Tre) ở mức cao chảy sang sông Tiền sẽ ảnh hưởng đến vùng trồng tập trung sapô, vú sữa… của tỉnh Tiền Giang.

Trong điều kiện phải sống chung thiên tai thì những loại cây trái nào được cho là có thể thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất hạn mặn này. Đến nay Viện có những nghiên cứu gì về công tác phát triển giống mới không, thưa ông?

Mặn đã làm cháy lá, làm giảm sinh trưởng, phát triển, ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng, trường hợp bị nặng có thể gây chết cây, thiệt hại lớn cho người trồng. Qua khảo sát cho thấy xoài chống chịu mặn khá hơn so với cây có múi, vì vậy nông dân thường trồng xoài gần vùng đất nhiễm mặn như Bình Đại (Bến Tre), Gò Công Đông (Tiền Giang).

Tuy nhiên, với diện tích nhỏ thì hiệu quả không cao, phản ứng với mặn của cây ăn quả khác biệt giữa các loài, giống và trong đó cam, quýt thuộc nhóm cây mẫn cảm với mặn hoặc chịu mặn kém. Còn với bưởi và chanh có khả năng chống chịu được điều kiện độ mặn từ 2 đến 3‰, trong đó giống bưởi da xanh chịu mặn khá hơn bưởi Năm Roi. 

xoai
          Vùng ĐBSCL cần có những giống cây ăn trái chống chịu tốt với hạn mặn

Cây có múi là loại cây trồng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, được phát triển nhiều ở các tỉnh ĐBSCL (Tiền Giang có 11.200 ha trồng cây có múi) nhưng lại là loại cây rất mẫn cảm với mặn.

Do vậy, từ năm 1999, Viện Cây ăn quả miền Nam đã bắt đầu có những nghiên cứu về thanh lọc những dòng, giống cây có múi địa phương chống chịu được điều kiện mặn để làm gốc ghép cho những giống cây thương phẩm. Kết quả nghiên cứu được 5 dòng, giống cây có múi chịu mặn như sảnh, bòng, bưởi Bung, bưởi Hồng Đường, bưởi Đường Hồng đã tiếp hợp tốt với các giống bưởi da xanh và bưởi Năm Roi.

Trong đó nổi bật là bưởi da xanh ghép trên gốc ghép sảnh và bòng có sức sinh trưởng mạnh, đồng thời thể hiện chống chịu mặn tốt trong điều kiện thực tế, cho năng suất và phẩm chất tương tự như trái bưởi da xanh trồng bằng nhánh chiết. Bên cạnh đó, Viện còn nghiên cứu tuyển chọn các giống gốc ghép xoài, cây có múi chống chịu hạn, phèn và ngập úng.
Nước mặn đang theo sông xâm nhập sâu vào đất liền dẫn đến tình trạng đất và nguồn nước sử dụng trong nông nghiệp bị nhiễm mặn ngày càng tăng, làm suy thoái nguồn tài nguyên nước và đất của vùng ĐBSCL. Vậy Viện có những giải pháp phòng chống hạn và mặn nào cho cây ăn quả vùng ĐBSCL?

Để hạn chế ảnh hưởng của nước tưới bị nhiễm mặn cho các vườn cây ăn trái khi nước mặn bắt đầu xâm nhập, giải pháp đối phó cần làm là: Củng cố hệ thống đê bao của mỗi vườn cho chắc chắn để tránh nước mặn xâm nhập vào vườn. Dự trữ nước ngọt trong mương, hoặc dự trữ trong những túi nilon dày và đặt dưới gốc để tưới cho cây ăn quả trong những tháng nước mặn. Hạn chế tối đa việc tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng khi độ mặn > 2%o. Đồng thời, để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây nhà vườn nên tỉa bớt cành và quả, không nên xử lý cho cây ra hoa trong giai đoạn này nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển. Tủ gốc giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô…

Thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo tình hình xâm nhập mặn, nồng độ mặn trên các sông, rạch để có hướng xử lý kịp thời ngăn chặn hoặc lấy nước vào vườn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chọn lọc dòng/giống cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng chống chịu những điều kiện bất lợi của môi trường như hạn, mặn, ngập nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL mới là cần thiết.

Xin cám ơn ông!

Tác giả bài viết: Minh Sáng

Nguồn tin: NNVN

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,848,856
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay2,764
  • Tháng hiện tại64,465
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây