Một con ong đang thu phấn hoa từ cây hoa hướng dương. Ảnh: Reuters
EPA đã trưng ra bằng chứng về hàm lượng imidacloprid có trong mật hoa ở mức 25 phần tỷ hoặc cao hơn- nguyên nhân khiến các loài thụ phấn bị sụt giảm đáng báo động trong nhiều năm qua.
Một nghiên cứu quốc tế vừa công bố trong tuần này tái khẳng định, ong và các loài thụ phấn khác có vai trò rất quan trọng đối với cây trồng và môi trường sống tự nhiên. Và bằng chứng về sự sụt giảm mạnh của quần thể côn trùng trên toàn thế giới đang làm dấy lên lo ngại về những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh lương thực và hệ sinh thái tự nhiên.
Dữ liệu phân tích, tổng hợp mới của hàng chục báo cáo khoa học được thu thập trong 20 năm qua đã xem xét, đánh giá mối liên quan giữa hóa chất nông nghiệp, các loài ký sinh và độ yếu ớt trong các hành vi của loài ong - chẳng hạn như sự biếng ăn, suy giảm trí nhớ, sinh sản kém và tình trạng sức khỏe nói chung.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi những tác nhân gây căng thẳng khác nhau này tương tác với nhau, chúng có tác động tiêu cực đến loài ong, làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cũng cho rằng, việc phun xịt nhiều loại thuốc trừ sâu gối nhau trên đồng ruộng có khả năng là "đồng phạm", có nghĩa là sự tác động tổng hợp của chúng lớn hơn tổng các tác động riêng lẻ.
Đồng tác giả Harry Siviter, thuộc Đại học Texas tại Austin nói: “Sự tương tác giữa nhiều loại hóa chất nông nghiệp này làm tăng đáng kể tỷ lệ chết của loài ong”.
Các nhà nghiên cứu cho biết, kết quả của họ “chứng minh rằng quy trình quản lý môi trường hiện tại không bảo vệ loài ong khỏi những hậu quả không mong muốn do sự tiếp xúc, phơi nhiễm với quá nhiều hóa chất nông nghiệp phức hợp”.
Nghiên cứu kết luận: “Nếu không giải quyết được vấn đề này và tiếp tục để ong cũng như nhiều loài thụ phấn, thiên địch có ích tiếp xúc với nhiều tác nhân gây căng thẳng do con người gây ra trong hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ dẫn đến sự suy giảm nhanh của quần thể ong và các loài thụ phấn, gây phương hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái”.
Trong một bài bình luận cũng được đăng trên tạp chí Nature, Adam Vanbergen thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Pháp cho biết, côn trùng thụ phấn đang ngày càng phải đối mặt với các mối đe dọa từ nông nghiệp thâm canh, bao gồm các hóa chất như thuốc diệt nấm và thuốc trừ sâu, cũng như làm giảm lượng phấn hoa và mật hoa trong môi trường tự nhiên.
Ngoài ra, hoạt động chăn nuôi, khai thác ong mật được quản lý ở quy mô công nghiệp cũng làm tăng thêm các nguy cơ lây nhiễm ký sinh trùng và bệnh tật cho nhiều loài thụ phấn.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp thâm canh, sử dụng các hóa chất như thuốc diệt nấm và thuốc trừ sâu đang khiến cho nhiều loài thụ phần đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: The Conversation
Trong khi các nghiên cứu riêng rẽ trước đây đã xem xét cách các yếu tố gây căng thẳng này tác động lẫn nhau, thì phân tích tổng hợp mới "xác nhận rằng hỗn hợp hóa chất nông nghiệp mà loài ong gặp phải trong môi trường sản xuất thâm canh có thể tạo ra rủi ro cho nhiều quần thể thụ phấn khác”.
Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp quốc, khoảng 75% các loại cây trồng trên thế giới sản xuất trái cây và các loại hạt cho con người dựa vào các loài thụ phấn, bao gồm cả ca cao, cà phê, hạnh nhân và anh đào.
Trước đó, vào năm 2019, các nhà khoa học kết luận rằng gần một nửa các loài côn trùng trên toàn thế giới đang suy giảm mật số và một phần ba có thể sẽ biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ này.
Tính đến nay, cứ sáu loài ong thì có một loài đã tuyệt chủng. Các nguyên nhân chính dẫn đến sự biến mất của các loài thụ phấn được cho là mất môi trường sống và do hoạt động sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi của con người.
Theo tờ The Guardian, trước đó một đánh giá rủi ro sơ bộ do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) công bố cho thấy, imidacloprid- một trong những loại thuốc trừ sâu phổ biến nhất trên thế giới hiện nay có thể khiến quần thể đàn ong mật giảm trong một số trường hợp.
Hai loại cây trồng chính bao gồm cây có múi (cam, quýt) và bông vải được ghi nhận bị lạm dụng imidacloprid một cách thái quá. Imidacloprid thuộc nhóm thuốc trừ sâu neonicotinoid, một loại thuốc trừ sâu tổng hợp, được cho là ít gây hại cho con người nhưng lại gây độc cho nhiều loại côn trùng và động vật khác. Loại thuốc trừ sâu này ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của côn trùng, dẫn đến tê liệt và tử vong.
Tác giả bài viết: Kim Long
Nguồn tin: The Guardian