NHÂN GIỐNG IN VITRO CÂY KHOAI MỠ (Dioscorea alata L.) - GIẢI PHÁP HẠN CHẾ BỆNH HẠI

Thứ hai - 15/02/2021 04:02   483
Khoai mỡ cấy mô
Khoai mỡ cấy mô

      Khoai mỡ (Dioscorea alata L.), một loại dây leo cho củ, thân mềm, có sức sống tốt, được trồng nhiều ở Ấn Độ, Malaysia và Châu Phi. Khoai mỡ được xem là một trong những loại cây lương thực quan trọng và mang lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe  con người. Nó chứa nguồn kali dồi dào, giúp duy trì huyết áp ổn định. Vitamin B6 chứa trong khoai mỡ có thể giúp cơ thể phá vỡ homocysteine, ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ. Ngoài ra, trong khoai mỡ còn dồi dào nguồn mangan giúp hỗ trợ cho sự chuyển hóa carbohydrate, điều tiết sản xuất năng lượng cho cơ thể. Bên cạnh đó, khoai mỡ cũng giúp kiểm soát được đường huyết trong máu và trọng lượng cơ thể nhờ chứa nhiều chất xơ và cacbohydrat phức hợp. Khoai mỡ còn là thực phẩm lợi tiểu nên có tác dụng chống viêm nhiễm đường tiểu, bàng quang, giảm đau bụng, đau thần kinh, chống căng cơ, chuột rút… Khoai mỡ được dùng trong chế biến nhiều món ăn như nấu xôi, làm bánh, chiên giòn, nấu cháo, nhưng phổ biến nhất là nấu canh ăn trong bữa cơm hằng ngày.
        Ở Việt Nam, khoai mỡ là loại cây chịu phèn khá tốt, được xem là một trong những cây chủ lực ở vùng Đồng Tháp Mười, Long An, Tiền Giang nhờ phù hợp thổ nhưỡng, năng suất, sản lượng cao và đầu ra thuận lợi. Để nâng cao giá trị và năng suất khoai mỡ, nước ta hiện nay đã qui hoạch nhiều vùng sản xuất chuyên canh cho loại cây lương thực này. Các vùng có diện tích khoai mỡ lớn và tập trung là Thạnh Hóa- Long An và Tân Phước- Tiền Giang (các xã Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông, Hưng Thạnh...). Tuy nhiên, sản xuất khoai mỡ trên vùng đất phèn hiện đang đối phó với nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến nguồn giống và năng suất đặc biệt là sâu bệnh hại. Đối với khoai mỡ rệp sáp và bệnh mục đầu củ là hai loại dịch hại quan trọng. Trong đó, bệnh mục đầu củ làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng củ. Bệnh được cho rằng do một loại tuyến trùng gây ra. Một trong những giải pháp giúp nông dân đối phó với bệnh hại này là sử dụng cây giống sạch bệnh. Hiện nay, cây khoai mỡ nuôi cấy mô đã được nông dân biết đến và sử dụng làm nguồn cây giống sạch bệnh cho đồng ruộng của mình, góp phần hạn chế được bệnh hại lây nhiễm do nguồn giống không an toàn.Bên cạnh đó, phương pháp nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô được xem là tối ưu  đảm bảo cung cấp cây giống với số lượng lớn, cây sạch bệnh đáp ứng nhu cầu sản xuất trên quy mô lớn.
      Quy trình nhân giống khoai mỡ bằng kỹ thuật nuôi cấy mô gồm các giai đoạn sau: (1) Giai đoạn tái sinh chồi ban đầu từ đoạn thân: Môi trường thích hợp nhất cho việc tái sinh chồi là MS cơ bản có bổ sung BA ở nồng độ 2 mg/l Kinetin + 1 mg/l BA + 0.5 mg/l NAA; (2) Giai đoạn nhân nhanh chồi: Môi trường thích hợp cho quá trình nhân chồi là MS cơ bản bổ sung Kinetin ở nồng độ 1-2 mg/l + 2 mg/l IAA; (3) Giai đoạn phát triển cây hoàn chỉnh: Ở giai đoạn này môi trường được sử dụng là 1/2MS bổ sung IAA ở nồng độ 2.5 mg/l; (4) Giai đoạn thuần dưỡng cây con: cây khoai mỡ in vitro khi được trồng trên giá thể đất  và cát theo tỉ lệ 1:1 (có bổ sung phân hữu cơ) đạt tỉ lệ sống trên 80%, cây sinh trưởng và phát triển tốt.


Tác giả bài viết: Ngọc Hài

Nguồn tin: SOFRI:

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,264,899
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay2,123
  • Tháng hiện tại75,833
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây