Kết quả đề tài “Hỗ trợ áp dụng hệ thống và công cụ quản lý chất lượng cho trang trại, hợp tác xã hoặc hội nghề nghiệp về rau và cây ăn quả quan trọng”

Thứ ba - 17/12/2019 03:21   683
Đề tài được phối hợp thực hiện giữa Viện Cây ăn quả miền Nam (ThS. Trần Thị Mỹ Hạnh chủ nhiệm đề tài) với Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long; Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long.
Kết quả đề tài “Hỗ trợ áp dụng hệ thống và công cụ quản lý chất lượng cho trang trại, hợp tác xã hoặc hội nghề nghiệp về rau và cây ăn quả quan trọng”

Qua thời gian triển khai 3 năm, đề tài đã xây dựng thành công 03 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là ba trong bốn mô hình đạt chứng nhận GlobalGAP của toàn tỉnh Vĩnh Long trên lĩnh vực cây ăn quả và rau màu
Hiện nay nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước về sản phẩm cây ăn quả và rau màu đang hướng tới chất lượng cao và an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, những đòi hỏi của nhà nhập khẩu về truy nguyên nguồn gốc sản phẩm và  sản xuất đạt GlobalGAP là đảm bảo những nguyên tắc về môi trường sản xuất an toàn, không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus,...) và hóa chất (dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV), hàm lượng nitrat, kim loại nặng). Người trồng cây ăn quả phải lựa chọn loại phân bón, thuốc BVTV, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm, đạt yêu cầu an toàn thực phẩm và không ngừng cải tiến về hệ thống quản lý và hoạt động sản xuất, giúp tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập.

Chôm chôm và khoai lang là hai chủng loại cây có quy mô sản xuất khá lớn ở tỉnh Vĩnh Long, đến năm 2011 toàn tỉnh có diện tích chôm chôm là 1267,7 ha với sản lượng 19.154,6 tấn (Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, 2011). Sản xuất chôm chôm và khoai lang đã và đang góp phần giải quyết công ăn việc làm vào tạo thu nhập cho nhiều hộ nông dân tại huyện trồng tập trung như Long Hồ, Bình Tân và đem lại nguồn thu cho đất nước thông qua hoạt động xuất khẩu.

       Trung Quốc vốn là thị trường lớn và dễ tính cho trái cây Việt Nam nhất là đối với nhãn, chôm chôm Java, vải,.. Nhưng từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2003, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống một cách đột ngột. Họ đòi hỏi trái cây phải được xác nhận an toàn, đóng gói đẹp, được dán nhãn xuất xứ hàng hoá. Trái cây Việt Nam chưa đạt những yêu cầu này, do sản xuất nhỏ, manh mún. Việc nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tổng hợp để sản xuất quả chôm chôm Java và khoai lang Tím Nhật chất lượng và an toàn, kết hợp xây dựng thương hiệu, xây dựng các Hợp tác xã (HTX) sản xuất theo một quy trình thống nhất tại các vùng sản xuất chủ yếu tại tỉnh Vĩnh Long và đạt chứng nhận GlobalGAP là rất cần thiết. Thị trường Mỹ có nhu cầu nhập khẩu trái cây từ Việt Nam như nhãn, chôm chôm Java,.. nhưng họ đòi hỏi trái cây phải sản xuất theo tiêu chuẩn hàng hóa (GlobalGAP).

      Do đó, việc nghiên cứu hoàn thiện các qui trình sản xuất của chôm chôm Java và khoai lang Tím Nhật là rất cần thiết, từ đó hướng dẫn các HTX sản xuất theo một qui trình thống nhất các sản phẩm, quản lý chất lượng an toàn theo GlobalGAP để giúp sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường trong nước và thế giới.

 Mục tiêu của đề tài

Đánh giá hiện trạng kỹ thuật canh tác, BVTV và công nghệ sau thu hoạch của nhà vườn trên địa bàn thực hiện mô hình (Bình Hòa Phước-Long Hồ, Tích Thiện-Trà Ôn, Thành Đông-Bình Tân). Tổng hợp và đề xuất các qui trình sản xuất phù hợp tiêu chuẩn GlobalGAP để áp dụng cho mô hình.

Xây dựng 03 mô hình sản xuất cho chôm chôm Java và khoai lang Tím Nhật đạt tiêu chuẩn GlobalGAP giai đoạn tiền thu hoạch.

Đánh giá và cấp giấy chứng nhận GlobalGAP cho các mô hình.

 Tóm tắt kết quả thực hiện đề tài

Đề tài đã đánh giá hiện trạng kỹ thuật canh tác, BVTV và công nghệ sau thu hoạch của nhà vườn tại HTX chôm chôm Tân Khánh, HTX chôm chôm Bình Hòa Phước, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Thành Đông với 120 phiếu điều tra từ đó   ghi nhận được tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, những thuận lợi và khó khăn trong việc xây dựng mô hình sản xuất theo GlobalGAP. Trên cơ sở điều tra tình hình canh tác chôm chôm Java và khoai lang Tím Nhật tại các địa điểm thực hiện của đề tài, đồng thời tham khảo kết quả nghiên cứu từ Viện, Trường và từ các mô hình sản xuất GlobalGAP, tiến hành tổng hợp và đề xuất 07 quy trình sản xuất chôm chôm Java và khoai lang Tím Nhật theo tiêu chuẩn GlobalGAP và 02 sổ tay nhận dạng và phòng trừ côn trùng trên chôm chôm Java và khoai lang Tím Nhật để áp dụng vào sản xuất chôm chôm và khoai lang tại 3 HTX. Ngoài ra, đề tài đã xây dựng hoàn chỉnh hai tiêu chuẩn cơ sở cho chôm chôm Java chất lượng quả tươi và tiêu chuẩn cơ sở khoai lang Tím Nhật chất lượng củ tươi, để từ đó giúp việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi  hơn.

Trong quá trình xây dựng mô hình sản xuất chôm chôm Java và khoang lang Tím Nhật theo GlobalGAP, đề tài đã tổ chức 24 lớp tập huấn với 943 lượt người tham dự, trong đó có 36 lượt là cán bộ khuyến nông, trạm BVTV huyện Trà Ôn, Long Hồ và Bình Tân và 672 lượt là nông hộ tham gia mô hình. Đặc biệt, nhằm đào tạo chuyên môn cho cán bộ địa phương để có thể duy trì hoạt động sản xuất đạt tiêu chuẩn
GlobalGAP sau khi đề tài kết thúc, đề tài đã tỗ chức một khóa đào tạo thanh tra nội bộ cho 12 cán bộ địa phương tại ba HTX tham dự, khóa đào tạo do Công ty Cafecontrol giảng dạy và cấp giấy chứng nhận Thanh tra viên nội bộ cho từng thành viên.

Để kiểm tra hoạt động của nông hộ và trao đổi những kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đề tài đã thực hiện 10 cuộc kiểm tra nội bộ và tổ chức 24 buổi hội thảo đầu bờ với 490 lượt người tham dự.

Qua thời gian triển khai 3 năm, đề tài đãxây dựng thành công 03 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, mô hình được chứng nhận đầu tiên tại HTX chôm chôm Tân Khánh đạt chứng nhận GlobalGAP Version 3.0-1_Mar2011 với tổng diện tích là 26,28 ha và 41 hộ tham gia do tổ chức chứng nhận Công ty Cafecontrol cấp ngày 19/12/2011. HTX đã đượcTrung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 tại TP HCM cấp mã code xuất khẩu đi Mỹ. Sau đó, công ty Control Union Việt Nam đã giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho cây chôm chôm tại HTX chôm chôm Bình Hòa Phước ngày 04/12/2013 với diện tích 17,28 ha và 31 hộ tham gia và mô hình sản xuất khoai lang Tím Nhật tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ Thành Đông cấp giấy chứng nhận ngày 11/10/2013 với diện tích 14,88 ha và 09 hộ  tham gia. Đây là ba trong bốn mô hình đạt chứng nhận GlobalGAP của toàn tỉnh Vĩnh Long trên lĩnh vực cây ăn quả và rau màu.

Ngoài ra, với mục đích đánh giá tổng thể hoạt động của đề tài và ghi nhận ý kiến đóng góp từ các cơ quan ban, ngành có liên quan, đề tài đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học cấp tỉnh tại Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Long với 58 đại biểu tham dự. Sau quá trình thực hiện sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đề tài cũng đánh giá hiệu quả của mô hình trước và sau áp dụng GlobalGAP cho chôm chôm Java và khoai lang Tím Nhật. Nhìn chung, tại ba HTX cho thấy các hộ sản xuất GlobalGAP có cơ sở vật chất sản xuất đảm bảo an toàn cho người sản xuất và mội trường. Mức độ hiểu biết cao về  qui trình sản xuất. Năng suất của chôm chôm Java và khoai lang Tím Nhật sản xuất theo GlobalGAP đạt cao hơn so với sản xuất truyền thống. Sản xuất GlobalGAP được tiêu thụ thuận lợi hơn so với sản xuất truyền thống.

Kết quả của đề tài đã giúp cho xã viên thay đổi tập quán sản xuất truyền thống bằng sản xuất tiên tiến, an toàn, giúp bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của chôm chôm Java và khoai lang Tím Nhật ở thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo thương hiệu cho hai chủng loại cây trồng này của tỉnh Vĩnh Long.

Tác giả bài viết: ThS. Trần Thị Mỹ Hạnh - Viện Cây ăn quả miền Nam

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,312,925
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay2,113
  • Tháng hiện tại41,583
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây