KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU ĐÁNH GIÁ CÁC DÒNG/GIỐNG CHÔM CHÔM CHỐNG CHỊU MẶN TRONG ĐIỀU KIỆN NHÀ LƯỚI
Thứ tư - 10/02/2021 03:54 646
Cây chôm chôm là loại cây ăn quả nhiệt đới, có giá trị dinh dưỡng cao, phát triển khá mạnh và ít sâu bệnh nên rất được ưa chuộng cho ăn tươi và xuất khẩu tươi hoặc đóng hộp. Gần đây, ngành sản xuất rau quả ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với tình hình xâm nhập mặn, khô hạn khốc liệt đã gây thiệt hại nặng nề. Theo bảng tạm phân nhóm khả năng chịu mặn của một số cây ăn quả thì cây chôm chôm thuộc nhóm cây mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn 0,5‰ - <1‰). Ngoài ra, chưa có báo cáo về đánh giá gốc ghép chôm chôm trong điều kiện mặn tại vùng ĐBSCL.
Để thích ứng với điều kiện khí hậu biến đổi (hạn, mặn) thì việc chọn lọc được giống hoặc gốc ghép chống chịu được hạn mặn là rất cần thiết. Theo phương pháp thanh lọc mặn của Sykes (1985), Viện Cây ăn quả miền Nam đã đánh giá bước đầu khả năng chống chịu mặn cho 06 dòng/ giống chôm chôm (5 dòng con lai và giống Java làm đối chứng) ở điều kiện nhà lưới cho thấy sau 60 ngày xử lý liên tục các nồng độ muối khác nhau (1, 2, 3, 4‰ và đối chứng (không xử lý).
Kết quả cho thấy dòng con lai chôm chôm JV02 (chôm chôm Java x chôm chôm vỏ vàng) thể hiện khả năng chịu mặn tốt nhất: ở nồng độ muối 2‰ với tỷ lệ sống sót cao nhất 62,5% và sống sót 100% ở nồng độ muối 1‰. Trong khi đó, giống đối chứng (Java) chết hoàn toàn ở nồng độ muối 2‰ và tỷ lệ cây sống 37,5% ở nồng độ muối NaCl 1‰. Kế đó, các dòng con lai NJ25 (chôm chôm nhãn x chôm chôm Java) và VJ25 (chôm chôm vỏ vàng x chôm chôm Java) có biểu hiện chống chịu mặn khá so hơn với giống Java đối chứng nhưng chưa bằng dòng con lai JV02. Tất cả các cây của 5 dòng con lai và giống Java điều chết ở nồng độ muối NaCl cao (3‰ và 4‰).
Viện Cây ăn quả miền Nam đang sử dụng các dòng con lai chôm chôm này để đánh giá tiếp khả năng chống chịu mặn ở điều kiện ngoài đồng.