TÂY BAN NHA ĐẨY MẠNH CANH TÁC NÔNG NGHIỆP TÁI SINH

Thứ năm - 16/09/2021 03:44   650
Tây Ban Nha đẩy mạnh mô hình canh tác nông nghiệp tái sinh. Nhiều loại cây địa phương được trồng ghép, lắp các hộp làm tổ chim, đào ao để thu hút côn trùng và chim chóc… Hệ thống tưới tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt tự động được áp dụng rộng rãi.

Từ năm 2016, 20 trang trại ô liu ở tỉnh Jaén (miền Nam Tây Ban Nha) được chọn để áp dụng mô hình nông nghiệp vừa nêu. Kết quả, các nhà nghiên cứu từ Trường ĐH Jaén nhận thấy trong 3 năm, số lượng ong trong rừng ô liu tái sinh tăng lên 47%, chim và động vật tăng 10%, cây bụi thân gỗ tăng 172%. Paco Montabes, người trồng 650 ha ô liu nói với tờ The Guardian: "Những gì chúng tôi đang làm là quay trở lại với những cách canh tác truyền thống hơn. Việc không cày xới giữa các cây giúp giữ nước tốt hơn, ít bị xói mòn và trôi sau mưa lớn. Lớp phủ thực vật làm cho mặt đất giống như bọt biển và hấp thụ nước mưa".

Chuyên gia kiểm tra cây trồng sau khi treo túi chứa đầy ve trong nhà kính Ảnh: BIOLINE

Nông dân Tây Ban Nha ngày càng hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu trong trồng trọt. Họ trồng rau quả trong nhà kính, nuôi ve và các loại côn trùng có ích để tiêu diệt ký sinh trùng bám trên cây. Điển hình, những người trồng ớt tại tỉnh Almeria (Đông Nam Tây Ban Nha) thay thế thuốc trừ sâu bằng biện pháp kiểm soát sinh học dùng côn trùng. Hiện có khoảng 60% người trồng cà chua và 25% người trồng bí cũng áp dụng biện pháp tương tự. Tập đoàn Nông nghiệp Pháp InVivo mở một "nhà máy sinh học" với tên gọi Bioline Iberia. Bên trong những căn phòng kín với nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát chặt chẽ, các nhân viên đang nuôi 4 loài ve để bán ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Morroco. Tính riêng tỉnh Almeria, có khoảng 30 doanh nghiệp bán côn trùng tương tự.

Nông dân Tây Ban Nha treo túi chứa đầy ve để thay thế thuốc trừ sâu Ảnh: BIOLINE

Những đợt nắng nóng và cháy rừng quét qua Địa Trung Hải vào mùa hè này đã cho người châu Âu một bài học nghiệt ngã về mối nguy hiểm của biến đổi khí hậu. Nhiều chuyên gia cũng lo lắng về tình trạng sa mạc hóa, đặc biệt là ở Tây Ban Nha.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo miền Nam Tây Ban Nha sẽ biến thành sa mạc vào cuối thế kỷ này nếu mức độ phát thải khí nhà kính tiếp tục ngoài tầm kiểm soát. Vùng Địa Trung Hải (trong đó có miền Nam Tây Ban Nha) sẽ có sự biến đổi khí hậu chưa từng có trong 10.000 năm qua, trừ khi nhiệt độ trái đất tăng lên được khống chế ở mức 1,5 độ C. Nếu không cắt giảm được lượng khí thải CO2, khu vực này sẽ rơi vào trạng thái tồi tệ chưa từng có trong 10 thiên niên kỷ qua. Bên cạnh đó, theo trang Financial Times, trồng trọt quá nhiều và tưới tiêu quá mức làm xói mòn đất cũng như làm cạn kiệt các tầng chứa nước. Tình hình này khiến giới chức Tây Ban Nha phải tìm lời giải cho bài toán phát triển nông nghiệp giữa lúc tình trạng sa mạc hóa gia tăng, đảo ngược những mất mát về đa dạng sinh học.

Để ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa, Tây Ban Nha xúc tiến song song dự án vành đai xanh, được khởi động từ năm 2016, tạo ra các khu rừng liền kề chạy dài hàng trăm km trên khắp phía Nam của Tây Ban Nha.

Tác giả bài viết: Huệ Bình

Nguồn tin: nld.com.vn

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,841,536
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay2,394
  • Tháng hiện tại57,145
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây