PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG HỮU CƠ HƯỚNG ĐI PHÙ HỢP CHO CÂY MĂNG CỤT Ở QUẢNG NAM

Chủ nhật - 28/03/2021 23:39   685

Ở Quảng Nam cây măng cụt được trồng chủ yếu tại các huyện, gồm huyện Tiên Phước, huyện Nông Sơn, huyện Đông Giang … Diện tích măng cụt ở Quảng Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, chủ yếu là việc trồng mới diện tích măng cụt tại huyện Tiên Phước. Theo báo cáo số 41/BC-KTNN của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước, ngày 04 tháng 3 năm 2021 về kết quả rà soát, thống kê diện tích trồng cây măng cụt trên địa bàn huyện, cho thấy tổng diện tích trồng măng cụt của huyện Tiên Phước đã đạt 272,51 ha. Nhìn chung diện tích trồng măng cụt đang có xu hướng mở rộng ở nhiều hộ dân, nhất là tại huyện Tiên Phước, chủ yếu do cây măng cụt thích nghi điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và cho thu nhập khá tốt so với nhiều loại cây trồng khác.

Mùa vụ thu hoạch măng cụt ở Quảng Nam lệch so với vùng trồng măng cụt chủ lực ở Đông Nam Bộ và ĐBSCL, mặt khác trái măng cụt trồng ở Quảng Nam có chất lượng tốt hơn so với nhiều vùng trong nước nên việc tiêu thụ măng cụt của nhà vườn ở Quảng Nam khá thuận lợi. Điều đáng ghi nhận là măng cụt sản xuất ở Quảng Nam chủ yếu theo hướng hữu cơ, ít hoặc không sử dụng phân bón hóa học, đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao và an toàn thực phẩm của người tiêu dùng cao cấp. Nông dân trồng măng cụt đã có những kinh nghiệm nhất định trong khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch măng cụt, nhất là truyền thống canh tác măng cụt ít hoặc không sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV hóa học trên vườn cây là một trong những thuận lợi cơ bản cho việc sản xuất măng cụt theo hướng hữu cơ.

Trái măng cụt được mệnh danh là Nữ hoàng của trái cây (Queen of Fruit), có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe con người. Nhu cầu thị trường đối với trái măng cụt đang có xu hướng tăng trên phạm vi thế giới cũng như tại thị trường nội địa. Đối với thị trường nội địa, nhu cầu tiêu dùng trái cây chất lượng cao của người dân tăng do dân số gia tăng, thu nhập của người dân được cải thiện. Thị trường buôn bán trái măng cụt ở Việt Nam ngày càng phát triển, kể cả tại những siêu thị cao cấp, các cửa hàng (shop trái cây) ... Các hệ thống siêu thị ở Việt Nam có nhu cầu măng cụt phục vụ cho tiêu dùng nhưng hiện nay đang ở trong tình trạng cung chưa đủ cầu.

Thị trường xuất khẩu măng cụt rộng lớn khắp thế giới, trái măng cụt sản xuất theo hướng hữu cơ càng có nhu cầu cao, nhất là các thị trường như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản ... Các Hiệp định AFTA của Việt Nam với các nước, nhất là Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu trái cây nói chung và đối với trái măng cụt của Quảng Nam. Thuận lợi nữa cho trái măng cụt Quảng Nam là đã được Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch.

Sự giảm sút sản xuất măng cụt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long do tác động của biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập, sự cạnh tranh của một số loại cây trồng khác cũng như đô thị hóa ở khu vực Đông Nam Bộ cũng đang làm diện tích cây măng cụt giảm, theo đó sản lượng măng cụt cung ứng cho thị trường giảm theo, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho trái măng cụt của Quảng Nam rộng đường tiêu thụ. Tại Quảng Nam, cây măng cụt khá thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước, bên cạnh đó với lợi thế về mùa vụ thu hoạch và chất lượng trái tốt, việc lựa chọn cây măng cụt để đầu tư mở rộng diện tích là hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường. UBND tỉnh Quảng Nam đang hợp tác với Viện Cây ăn quả miền Nam xây dựng đề án Phát triển cây măng cụt theo hướng hữu cơ với qui mô 5.000 ha nhằm góp phần trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Quảng Nam theo hướng bền vững.

quang nam 1
TS. Hồ Quang Bửu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (bên phải) và TS. Võ Hữu Thoại – Viện Trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (bên trái) tại buổi họp bàn thỏa thuận hợp tác phát triển cây măng cụt theo hướng hữu cơ ở Quảng Nam ngày 27/3/2021


Tác giả bài viết: Hữu Tiến

Nguồn tin: SOFRI:

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,702,393
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay813
  • Tháng hiện tại40,442
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây