Một nhà nhập khẩu thịt của Trung Quốc cho biết tờ khai này là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm lược bỏ công đoạn xét nghiệm thêm được thực hiện đối với thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc bắt đầu từ tuần trước đồng thời nhằm buộc các nhà xuất khẩu phải chịu trách nhiệm bảo đảm sản phẩm của họ an toàn. Người này không tiết lộ danh tính vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Một quan chức của Hiệp hội ngành công nghiệp thịt heo Pháp (Inaporc) cho biết đã nhận được thông báo về tờ khai trên.
Tờ khai có nội dung cam kết rằng nhà xuất khẩu sẵn sàng tuân thủ luật pháp Trung Quốc và hướng dẫn của Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm bảo đảm thực phẩm bán sang Trung Quốc không nhiễm virus gây ra bệnh dịch Covid-19.
“Trong trường hợp có một ca nhiễm hoặc ca nghi nhiễm Covid-19 mới được phát hiện ở bên phía xuất khẩu thực phẩm hoặc nếu có rủi ro thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc nhiễm virus SARS-CoV-2, chúng tôi sẵn sàng tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để loại bỏ các rủi ro an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, nội dung tờ khai nêu rõ.
Chính quyền TP. Bắc Kinh bắt đầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở mẫu thực phẩm nhập khẩu sau khi một ổ bùng phát Covid-19 bùng lên ở một chợ đầu mối nông sản vào tuần trước.
Tại Thiên Tân, cảng nhập khẩu hàng hóa chính vào Bắc Kinh, giới chức trách đang xét nghiệm tất cả các container thịt đông lạnh.
Hơn 30.000 mẫu thực phẩm thịt, hải sản, rau quả đã được xét nghiệm từ ngày 11 đến 17-6 và đều có kết quả âm tính, theo Tổng Cục Hải quan Trung Quốc. Việc xét nghiệm này được tiến hành sau khi một mẫu bệnh phẩm Covid-19 có nguồn gốc từ một tấm thớt chặt cá hồi nhập khẩu ở khu chợ đầu mối nông sản Tân Phát Địa ở Bắc Kinh.
Sau khi ngưng nhập khẩu cá hồi từ châu Âu vào tuần trước, Trung Quốc cũng tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm thịt từ Công ty chế biến thịt Toennies (Đức) vì hàng trăm công nhân ở một nhà máy của công ty này được phát hiện dương tính với Covid-19.
“Xét nghiệm tất cả thực phẩm sẽ rất tốn thời gian và chi phí nên họ yêu cầu các nhà cung cấp ký tờ khai này”, một nhà xuất khẩu thịt cho biết. Tuy nhiên, tác dụng của tờ khai này vẫn chưa rõ. Một nhà xuất khẩu thịt khác nói: “Nếu bất kỳ lô hàng nào bị phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2, chúng sẽ bị hủy cho dù có tờ khai hay không”.
Một số nhà xuất khẩu bao gồm các doanh nghiệp Canada xuất khẩu tôm hùm đang cảm thấy bối rối với tờ khai này.
Stewart Lamont, Giám đốc Công ty xuất khẩu tôm hùm Tangier Lobster ở tỉnh Nova Scotia, Canada, nói:
“Các nhà xuất khẩu Canada phải dũng cảm phản đối tờ khai này”
Công ty của Lamont xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc bằng đường hàng không nhưng ông từ chối ký tờ khai cam kết tôm hùm không nhiễm virus SARS-CoV-2 vì ông lo ngại nếu có vấn đề xảy ra, công ty ông sẽ bị quy trách nhiệm trước các tòa án Trung Quốc.
Ông khẳng định tôm hùm của công ty ông an toàn nhưng lại lo ngại rủi ro pháp lý nếu "vô phúc đáo tụng đình" ở hệ thống tòa án Trung Quốc. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Ottawa đang căng thẳng sau vụ Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc âm lưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính ở Mỹ để bán thiết bị cho Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Washington nhằm vào Tehran.
Theo Reuters, CBC