Phát triển trái cây Việt Nam: Không thể nói suông!

Chủ nhật - 29/12/2019 21:48   615
Việt Nam có nhiều chủng loại trái cây ngon, có lợi thế sản xuất rải vụ quanh năm, nhưng bao năm qua chỉ quanh quẩn thị trường trong nước hay cố “bám víu” thị trường dễ tính để rồi bấp bênh, “trúng mùa mất giá”. Bao nhiêu hội thảo từ cấp bộ, ngành với bao nhiêu đề xuất, kiến nghị để rồi người sản xuất vẫn lao đao. Không ít lần các nhà khoa học, các địa phương đề xuất lập “nhạc trưởng” cấp bộ chuyên lo mọi việc cho ngành trái cây, thế nhưng rơi vào quên lãng, chỉ là lời nói suông!
hinh thi truong
            Nhà vườn vùng ĐBSCL rất mong có được thị trường trái cây ổn định (Ảnh: L.H.V)

Trái cây Việt đang ở đâu?

TS. Lương Ngọc Trung Lập (Sofri) cho biết, năm 2010, Việt Nam có sản lượng trái cây đạt gần 6,1 triệu tấn, chiếm khoảng 1% tổng sản lượng trái cây trên toàn thế giới, đứng hàng thứ 22 trên thế giới và thứ 8 ở khu vực châu Á, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Iran, Thái Lan và Pakistan. Hầu hết sản phẩm trái cây của nước ta được tiêu thụ dưới dạng tươi và ở thị trường nội địa là chủ yếu (chiếm 90% tổng sản lượng). Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu rau quả chính ngạch đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 631 triệu USD, trong đó trái cây chỉ đạt 260 triệu USD. Thị trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam dù mở rộng (71 thị trường) nhưng Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu, đạt 139,7 triệu USD, chiếm 53,7% tổng kim ngạch. Tiếp theo là Hà Lan (6,1%), Nga (5,4%), Mỹ (4,1%), Thái Lan (3,5%), Nhật (3,2%), Indonesia (3,2%), Hàn Quốc (2,4%) và Singapore (2,0%). Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang các thị trường Nam Phi, Rumani, Hy Lạp tăng, tuy nhiên cũng có nhiều thị trường giảm mạnh về kim ngạch như: Jamaica và Ai Cập (giảm 100%), Philippines (giảm 90%) và Iran (giảm 88%). Có đến 40 loại trái cây được xuất khẩu, thanh long là mặt hàng luôn đứng đầu, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu trái (năm 2011, 107 triệu USD).

Định hướng thị trường xuất khẩu

Mỹ là thị trường khó tính, chấp nhận trả giá cao nhưng luôn đòi hỏi rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là thị trường rộng lớn và có nhu cầu cao, đặc biệt là trái cây nhiệt đới. Năm 2011, Mỹ nhập khẩu trái cây khoảng 10,92 tỷ USD, các chủng loại trái cây chủ yếu là chuối (21,3%), nho (11,3%) và các loại trái cây nhiệt đới (35,2%) như dứa, xoài, đu đủ, bơ, ổi, nhãn, sầu riêng, chôm chôm và thanh long. Châu Âu là thị trường tiêu thụ rau quả lớn trên thế giới, mỗi năm nhập khẩu khoảng 12 - 13 triệu tấn rau quả. Năm 2011, kim ngạch nhập khẩu trái cây khoảng 51,78 tỷ USD. Các chủng loại trái cây nhập khẩu chủ yếu là chuối (4,5 triệu tấn), cam (1,1 triệu tấn), dứa (1 triệu tấn), táo (0,9 triệu tấn), nho (0,7 triệu tấn) và các loại trái cây nhiệt đới khác (2,5 triệu tấn) như xoài, đu đủ, bơ, ổi, nhãn, sầu riêng, chôm chôm và thanh long.

Nhật Bản cũng là thị trường khó tính, người tiêu dùng chấp nhận trả giá cao nhưng đòi hỏi rất nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2011, Nhật Bản nhập 2,52 tỷ USD, các chủng loại chủ yếu là chuối, cam, nho, và các loại trái cây nhiệt đới khác như xoài, đu đủ, bơ, ổi, nhãn, sầu riêng, chôm chôm và thanh long. Nhu cầu của thị trường Trung Quốc khá đa dạng và có thể được xem là thị trường tương đối dễ tính do có nhiều tầng lớp dân cư khác nhau. Trung Quốc nhập trái cây nhiệt đới như nhãn, măng cụt, sầu riêng, vải, chôm chôm có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Đặc biệt, mặt hàng thanh long có tỷ lệ gia tăng đáng kể.

Giải quyết những tồn tại

TS. Lương Ngọc Trung Lập lưu ý, dù kim ngạch xuất khẩu trái cây có mức tăng trưởng nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với nông sản khác. Các doanh nghiệp xuất khẩu chưa liên kết với các nhà vườn, tổ hợp tác, HTX xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu khách hàng với số lượng lớn, ổn định và thường xuyên. Chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về kiểm dịch thực vật và các rào cản kỹ thuật chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Điển hình là cuối năm 2011, nhiều lô hàng rau quả của Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu bị thông báo nhiễm vi sinh và một số dịch hại. Lô hàng thanh long Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã bị FDA giữ lại do phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ cao hơn mức cho phép theo Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA).

Các loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam có giá thành cao hơn trái cây cùng loại của các nước trong khu vực do chưa có vùng chuyên canh và phải qua nhiều khâu trung gian, làm tăng giá. Chi phí vận chuyển đường biển và đường hàng không cao hơn so với các nước... làm giảm khả năng cạnh tranh. Công nghệ sau thu hoạch và bảo quản còn lạc hậu gây cản trở xuất khẩu đến các thị trường xa (Mỹ, Canada, Chi lê, Úc, New Zealand). Vẫn còn tình trạng xuất khẩu trái cây dưới nhãn mác và bao bì của khách hàng nước ngoài. Chưa chú trọng xây dựng thương hiệu và quảng bá trái cây Việt Nam đến người tiêu dùng thế giới.

Nguồn tin: KHPT

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,849,388
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay2,939
  • Tháng hiện tại64,997
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây