Ngành cây ăn quả ĐBSCL cần làm gì để tận dụng tốt EVFTA

Thứ sáu - 16/10/2020 09:28   712
EVFTA là gì và lợi thế ?
Sau gần 10 năm kể từ ngày khởi động đàm phán, ngày 1 tháng 8 năm 2020 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và cộng đồng châu Âu (27 nước), gọi tắt là EVFTA chính thức có hiệu lực.
Ngành cây ăn quả ĐBSCL cần làm gì để tận dụng tốt EVFTA
     Hiệp định EVFTA mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn, đây cũng là thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU. Trong khu vực châu Á, Việt Nam, Nhật Bản và Singapore có FTA với EU, trong khi đó EU đã rút các ưu đãi đơn phương như hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), chế độ ưu đãi thuế quan EBA của nhiều nước có cạnh tranh xuất khẩu vào EU. Đây là lợi thế lớn trong cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu rau quả nói riêng.
     EVFTA có hiệu lực tạo ra sự ổn định kinh tế quan trọng của các lĩnh vực, hiệp định tạo ra các điều kiện pháp lý và kỹ thuật, mặt khác là các điều kiện thị trường bao gồm những khía cạnh thương mại, bí quyết kinh doanh, bảo vệ thương hiệu. EVFTA thực sự tạo ra một cuộc chơi mới với nhiều hứa hẹn nhưng tiềm ẩn không ít thách thức mà hai bên phải khắc phục để có thể tận dụng hiệu quả EVFTA mang lại cho cả Việt Nam và các nước cộng đồng chung châu Âu (EU).
     Hiệp định có hiệu lực (từ 1/8/2020), EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Do vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó). Về xuất khẩu EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Về khía cạnh xuất khẩu, EVFTA góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của Việt Nam cho nhiều loại hàng hóa, trong đó có mặt hàng trái cây.
     EVFTA mở ra cơ hội cho các mặt hàng nông sản tại thị trường EU, nhất là rau quả. Trước khi EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi (GSP), nhưng vẫn ở mức khá cao (10 - 20%). Từ khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng rau, quả của Thái Lan, Trung Quốc, khi họ chưa có hiệp định thương mại tự do với EU. Đối với mặt hàng rau quả, EVFTA không hạn chế về mặt hàng và kim ngạch, Việt Nam có thể xuất khẩu bất cứ loại rau quả nào sang EU miễn là được sản xuất tại Việt Nam và đáp ứng đủ tiêu chuẩn của EU.
     Về mặt tiềm năng, năm 2019 Việt Nam xuất khẩu rau quả sang EU đạt kim ngạch 148 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng nhu cầu nhập khẩu rau quả của EU, với EUFTA các mặt hàng rau quả xuất khẩu sang EU sẽ tăng trong thời gian tới. Liên minh châu Âu (EU) hiện là thị trường xuất khẩu nông - lâm - thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thủy sản, cà phê, hạt điều, rau củ nhiệt đới sang EU và nhập khẩu trứng, sữa, mật ong, thịt bò và rau củ từ EU. Thời gian đầu chúng ta phải thích nghi với hàng rào kỹ thuật của EU, mặt khác vấn đề vận chuyển còn khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp do đó xuất khẩu rau quả vẫn có tăng trưởng nhưng chưa nhiều. Thời kỳ hậu Covid-19 sẽ là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành rau quả nói riêng của Việt Nam bứt phá, đẩy mạnh xuất khẩu. 
Việc cần làm đối với cây ăn quả ĐBSCL ?
     EVFTA mang lại nhiều lợi thế cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng trái cây sản xuất từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL), tuy nhiên hiệp định này cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là các yêu cầu về phi thuế quan, yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với trái cây hàng hóa. Trong điều kiện sản xuất cây ăn quả ở ĐBSCL vẫn đang trong tình trạng manh mún và phân bố hầu hết tại các nông hộ với qui mô nhỏ, thiếu liên kết và trình độ sản xuất hàng hóa thấp, việc ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, BVTV, thu hái, bảo quản, chế biến và phân phối còn hạn chế. Thực tế cho thấy, tại khu vực các tỉnh ĐBSCL đã hình thành mô hình nông dân liên kết thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để trồng cây ăn quả theo IPM, VietGAP, GlobalGAP, tuy nhiên qui mô còn nhỏ, thiếu liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh trái cây. Tình trạng nông dân sản xuất trái cây an toàn thiếu liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi doanh nghiệp thiếu nguyên liệu có chất lượng cao và an toàn thực phẩm đang xẩy ra ở nhiều địa phương. Do vậy, để ngành trái cây ĐBSCL tận dụng được lợi thế của EVFTA, nhà vườn và doanh nghiệp cần đổi mới tư duy hơn nữa, tăng cường liên kết trong sản xuất và cung ứng, áp dụng mạnh mẽ các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ để sản xuất trái cây theo hướng chất lượng cao, an toàn thực phẩm và đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn.

Tác giả bài viết: Hữu Tiến

Nguồn tin: SOFRI

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,847,267
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,956
  • Tháng hiện tại62,876
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây