Kết quả chọn lọc các dòng/giống cây ăn quả chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường

Thứ tư - 28/10/2020 07:11   6090
Biến đổi khí hậu đã gây những tác động tiêu cực đối với ngành cây ăn quả, vì vậy cần có giải pháp căn cơ, lâu dài hơn, việc khai thác hiệu quả vai trò của gốc ghép đối với khả năng chống chịu điều kiện bất lợi của môi trường (hạn, mặn, ngập, sâu bệnh,...) trên cây ăn quả cũng được xem là giải pháp có tính khả thi.
Kết quả chọn lọc các dòng/giống cây ăn quả chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường
Khả năng chịu mặn của một số cây ăn quả
      Tùy khả năng chống chịu mặn của từng loại cây trồng mà bố trí vùng trồng thích hợp hoặc các giải pháp đồng bộ giúp cây trồng ứng phó với hạn mặn.
Để tránh thiệt hại cho cây ăn quả khi tưới nguồn nước bị nhiễm mặn, người nông dân cần biết khả năng chịu mặn của chủng loại cây trồng trên vườn của mình để làm cơ sở nên hoặc không nên lấy nguồn nước tưới cho cây trồng. Sau đây là bảng tạm phân nhóm khả năng chịu mặn của một số giống cây ăn quả như sau:
- Nhóm cây mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn 0,5‰ - <1‰): bơ, chuối, khế, nhãn, đu đủ, chanh dây, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt.
- Nhóm cây chịu mặn trung bình (chống chịu được nồng độ mặn 1‰ - 2‰): sơri, ca cao, cây có múi, ổi, khóm, vú sữa.
- Nhóm cây chống chịu khá với mặn (chống chịu được nồng độ mặn 3‰ - 4‰): mít, xoài, mãng cầu xiêm, na.
- Nhóm cây chống chịu tốt với mặn (chống chịu được nồng độ mặn 5‰ - 6‰): dừa, sapô, me, nho (tùy theo giống).
 Chọn lọc gốc ghép chống chịu với điều kiện bất lợi
          Xu hướng hiện nay là khai thác hiệu quả vai trò của gốc ghép đối với tính chống chịu với những điều kiện bất lợi của môi trường như: mặn, hạn, ngập úng, lạnh, sâu bệnh,.. đồng thời gốc ghép có ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng, năng suất và phẩm chất quả cũng như tuổi thọ của mắt ghép cây có múi thương phẩm.
Việc thanh lọc mặn các nguồn gen đang có trong tự nhiên để tìm ra được những giống/dòng có khả năng chịu với điều kiện bất lợi của môi trường để làm gốc ghép cho các giống cây thương phẩm được xem là những giải pháp khả thi nhất.
Trong thời gian 2005- 2020, Viện Cây ăn quả miền Nam đã có một số nghiên cứu về gốc ghép chống chịu với điều kiện bất lợi với môi trường như sau: 
- Gốc ghép cây có múi chống chịu mặn: Đã chọn được các dòng/giống cây có múi gồm: Tắc (quất), Sảnh, Bòng, bưởi Bung, bưởi Lông Cổ Cò (Tiền Giang), bưởi Hồng Đường (Cần Thơ), bưởi Đường Hồng (Bình Dương) được đánh giá chống chịu mặn tốt ở nồng độ mặn NaCl 8‰ vào 56 ngày sau khi xử lý mặn. Kết quả đánh giá ngoài đồng cũng cho thấy các dòng/giống trên có khả năng chống chịu mặn tốt trong điều kiện thực tế.  
- Gốc ghép xoài chống chịu mặn: Các giống xoài Canh Nông (Khánh Hòa), xoài Châu Hạng Võ (Trà Vinh), xoài 13 -1 (Israel), xoài  Ghép Xanh (Tiền Giang), xoài Thơm (An Giang) được đánh giá chống chịu mặn tốt ở nồng độ mặn NaCl 13‰ (sau 60 ngày xử lý mặn). Kết quả đánh giá ngoài đồng cho thấy các giống xoài trên có khả năng chống chịu mặn tốt trong điều kiện thực tế.  
- Gốc ghép cây có múi chống chịu ngập úng: Các giống Bòng (Huế), bưởi Hồng Đường (Cần Thơ), bưởi Đường Hồng (Bình Dương) có khả năng chống chịu ngập sau 30 ngày xử lý trong điều kiện nhà lưới và có thể được sử dụng làm gốc ghép cho giống bưởi Da Xanh và bưởi Năm Roi.
- Gốc ghép xoài chống chịu ngập úng: Các giống xoài ghép Xanh (Tiền Giang, xoài Canh nông (Khánh Hòa) có khả năng chống chịu ngập sau 45 ngày xử lý trong điều kiện nhà lưới và có thể được sử dụng làm gốc ghép cho các giống xoài thương phẩm như: xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu,...
- Tổ hợp ghép cây có múi chịu phèn: Cam Mật không hạt ghép trên gốc ghép cam Mật cho chất lượng quả tốt, thích nghi tốt đối với vùng đất phèn nặng (3<pH<4) thuộc khu vực Đồng Tháp Mười và các vùng có điều kiện sinh thái tương tự.
- Tổ hợp ghép cây có múi chịu hạn: Cam Sành trên gốc ghép Trúc, tổ hợp này được Cục Trồng trọt công nhận là tiến bộ kỹ thuật (theo Quyết định số 651/QĐ-TT-CCN, ngày 31/12/2013). Tổ hợp cây ghép cam sành/trúc sinh trưởng và chịu hạn tốt, cho chất lượng quả tốt, thích nghi tốt đối với vùng bán khô hạn, thiếu nước tưới vào mùa nắng, vùng đất núi tại Tịnh Biên và Tri Tôn, An Giang và các vùng khác có điều kiện sinh thái tương tự.
- Gốc ghép vú sữa, mít chống chịu ngập úng: Vú sữa Bơ hồng và vú sữa Tím Cần Thơ có khả năng chống chịu ngập 30 ngày trong điều kiện nhà lưới. Giống mít ruột đỏ cũng chống chịu ngập tốt sau 15 ngày xử lý ngập trong nhà lưới.       

Tác giả bài viết: TS. Võ Hữu Thoại

Nguồn tin: SOFRI

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,847,184
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay1,956
  • Tháng hiện tại62,793
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây