Hiện tượng này được tìm thấy trên cả vườn sầu riêng mới trồng và vườn cho trái thương phẩm, tỷ lệ xuất hiện khá thấp ở các năm trước (5 – 10% số cây trong vườn) nhưng tỷ lệ xuất hiện đạt kỷ lục trong năm nay (100%). Đầu tiên cây sinh trưởng chậm lại, lá bị cháy từ chóp lá vào hay mép lá bị khô và rụng sau đó, các chồi ngọn bị chết khô từ từ, cây trở nên còi cọc, trơ cành. Sau một thời gian, cây có thể ra chồi mới từ phía dưới các đoạn ngọn đã chết hoặc từ các ngọn trơ lá chưa chết. Sau đó, cây lại tiếp tục bị rụng lá, chết ngọn và chết dần xuống phía dưới hay vào trong thân chính (chết ngược) làm cho cây không sinh trưởng được.
Một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này:
- Do hạn mặn: Hàm lượng muối hòa tan cao làm cho áp suất thẩm thấu của dung dịch đất lớn hơn áp suất thẩm thấu của tế bào rễ. Bên cạnh đó, người dân thường dùng nước giếng khoang (thường là giếng tầng nông) bị nhiễm phèn rất nặng để tưới. Hạn mặn hoặc/và phèn nặng dẫn đến hệ thống rễ cây không hút được nước và dinh dưỡng như bình thường, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây dẫn đến lá bị cháy, rụng lá, chết ngọn...
- Ngoài nguyên nhân trên còn có một số nguyên nhân quan trọng khác đã được nhiều nhà khoa học trong nước và trên thế giới công bố như do nấm Rhizoctonia sp., hay nấm Colletotrichum sp., hay nấm Phytophthora sp. Tương ứng với mỗi loại tác nhân thì triệu chứng cháy lá khá là đặc trưng như: (1) Cháy lá do nấm Rhizoctonia sp. bắt đầu từ rìa hay chóp lá, màu xám với hình tổ ong; (2) Cháy lá do nấm Colletotrichum sp. bắt đầu từ rìa hay chóp lá, màu xám với hình tròn đồng tâm chồng lên nhau; (3) Cháy lá do nấm Phytophthora sp. thường hay bắt đầu từ giữa lá hay rìa lá, màu xám đen và cần có ẩm độ cao.
- Thực tế các vườn sầu riêng tại Tiền Giang cho thấy hạn mặn là nguyên nhân khởi phát và nấm gây bệnh là nguyên nhân thứ phát làm cháy lá. Đôi khi, còn có sự tấn công của các loại côn trùng chích hút (rầy xanh, rầy phấn, bọ trĩ) khi cây ra đọt non dẫn đến rụng lá.
Các biện pháp phục hồi hiện tượng rụng lá, chết ngọn:
- Triển khai các biện pháp kỹ thuật phục hồi vườn sầu riêng sau hạn mặn như rửa mặn cho đất, phục hồi phát triển rễ và lá và tăng cường dinh dưỡng và quang hợp cho cây (TS. Võ Hữu Thoại, Bản tin tháng 1 & 2/2020).
- Phun thuốc ngừa nấm gây cháy lá, chết ngọn bằng một trong các loại thuốc gốc đồng, mancozeb, propineb, … khi vườn đã có triệu chứng cháy lá cần phun thuốc đặc trị dạng thấm sâu như azoxystrobin, difenoconazole, …
- Ngoài ra, cần phun một trong các loại thuốc như Buprofezin, Clothianidin, Emamectin benzoate, Spirotetramat… phòng trừ côn trùng chích hút như rầy xanh, rầy phấn, bọ trĩ mỗi khi cây ra đọt non.
- Trong trường hợp cây bị chết ngọn nặng (đã chết xuống các cành lớn hay vào thân chính) cần phải cắt xuống phía dưới vị trí tiếp giáp giữa đoạn chết và không chết 1 đoạn ít nhất 10 cm, dán vết cắt bằng keo chống thấm. Thu gom tất cả cành, lá bị cắt mang ra khỏi vườn và tiêu hủy.