Giải pháp quản lý hiệu quả mã số vùng trồng

Thứ hai - 12/10/2020 00:41   968
Nếu không được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản Việt Nam sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Ảnh: TL.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Ảnh: TL.
Mã số vùng trồng là gì?

Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần đây nhất là Trung Quốc.

Đối với từng thị trường khác nhau, các quy định liên quan đến cấp mã số vùng trồng có thể khác nhau nhưng tựu chung lại mục tiêu của việc cấp, quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số là để đảm bảo truy xuất được đến từng vườn trồng, cơ sở đóng gói về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng, các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vườn trồng đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng.

Đồng thời, mỗi mã số vùng trồng được cấp không phải là không có thời hạn mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số sẽ bị thu hồi.

Đối với thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như: EU, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc... các quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói được thể hiện trong các bản điều kiện nhập khẩu nhập khẩu hoặc kế hoạch thực hiện (Workplan) đối với từng loại nông sản cụ thể. Cũng có một số loại sản phẩm thì thực hiện theo một văn bản quy định chung của nước nhập khẩu.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc  yêu cầu về việc trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này phải xuất phát từ vùng trồng, cơ sở đóng gói được Bộ NN-PTNT cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt được thông báo từ năm 2018 và bắt đầu chính thức áp dụng từ 2019.

Do lượng trái cây xuất khẩu sang thị trường này rất lớn, lên tới 3-4 triệu tấn/năm, chủng loại đa dạng nên để không làm gián đoạn việc xuất khẩu ảnh hưởng đến người nông dân, ngay từ năm 2018, Bộ NN-PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương rà soát, đăng ký các vùng sản xuất và cơ sở đóng gói tại địa phương có nhu cầu được cấp mã số theo các yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Các địa phương đã tiến hành rà soát kiểm tra và lập hồ sơ gửi về Bộ NN-PTNT (Cục Bảo vệ thực vật) để đề nghị cấp mã số. Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mã số cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói và gửi danh sách này để Tổng cục Hải quan xác nhận và đồng ý.

Các quy định cụ thể về yêu cầu với vùng trồng được cấp mã số vùng trồng của các nước đã được đăng tải đầy đủ trên website của Cục Bảo vệ thực vật tựu chung lại các vùng trồng được cấp mã số phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Nhận diện được vùng trồng (thường sử dụng GPS).

- Áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong đó chú trọng đến công tác ghi chép nhật ký canh tác. Nhật ký canh tác phải được lưu trữ, bảo quản tốt để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.

- Theo dõi thường xuyên tình hình sinh vật gây hại.

- Thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng.

- Thực hiện tốt các biện pháp canh tác, phòng trừ sinh vật gây hại và thu hoạch để đảm bảo mật độ sinh vật gây hại luôn ở mức thấp.

- Đảm bảo không có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước nhập khẩu.

- Ngoài ra, còn một số yêu cầu khác tùy thuộc vào thị trường nhập khẩu và loại sản phẩm nông sản mục tiêu.

Việt Nam cũng đã đưa quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng vào Luật trồng trọt(Điều 64). Theo đó, giao Bộ NN-PTNT hướng dẫn về việc cấp mã số vùng trồng này. Bộ NN-PTNT đã giao cho Cục Bảo vệ thực vật xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam về viêc thiết lập và giám sát vùng trồng phục vụ xuất khẩu, dự kiến sẽ trình ban hành trong năm 2020.

Tình hình cấp và quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Đến nay, đối với các thị trường “khó tính”, đã cấp được 998 mã số vùng trồng, trong đó các mã số được cấp nhiều nhất là cho thị trường Hoa Kỳ (471), tiếp đó là Úc và New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và cuối cùng là các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

Đối với thị trường Trung Quốc, tính đến tháng 8/2020 đã có 47 tỉnh gửi văn bản đề nghị và đã cấp được 1.735 mã số vùng trồng với diện tích trên 180 000 ha cho 9 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt) đã được xuất khẩu chính ngạch và 1.832 mã số cơ sở đóng gói. Trong số này, xoài, nhãn, thanh long là các sản phẩm có nhiều mã số vùng trồng được cấp nhất. Riêng đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện đã cấp 628 mã vùng trồng và 924 cơ sở đóng gói phục xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp

Các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp để xuất khẩu đi các thị trường “khó tính” đang được quản lý, giám sát rất chặt chẽ. Theo đó, các cán bộ kỹ thuật của sẽ tiến hành kiểm tra thực địa, thu mẫu về để phân tích giám định trong phòng thí nghiệm, nếu đạt yêu cầu sẽ cấp mã số. Đồng thời, sau khi cấp mã số, hàng năm khi vào vụ sản xuất, thu hoạch, cán bộ kỹ thuật sẽ tiến hành giám sát tại vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Trường hợp phát hiện các mã số này không đạt yêu cầu quy định của nước nhập khẩu sẽ yêu cầu phải khắc phục hoặc tạm ngừng không đồng ý cho sử dụng mã số đó. Cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu cũng sẽ định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số ở Việt Nam.

Việc kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói để đề nghị cấp mã số và giám sát các mã số đã được cấp chủ yếu do các địa phương thực hiện. Sau khi kiểm tra, giám sát sẽ báo cáo kết quả về Cục Bảo vệ thực vật là cơ quan đầu mối của Bộ NN-PTNT để được cấp mã số và gửi thông tin sang nước nhập khẩu.

Trong thời gian qua, việc kiểm tra và giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói tại các địa phương được thực hiện về cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, tháng 6/2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho cơ quan Kiểm dịch thực vật Việt Nam về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020, chiếm khoảng 0,43% tổng lượng xuất khẩu) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý, trong đó nhiều nhất là Tiền Giang (có 15 mã số nhà đóng gói và vùng trồng), tiếp đó là An Giang (7 mã) và thấp nhất là Vĩnh Long (2 mã).

Mặc dù tỷ lệ số mã số cơ sở đóng gói và vùng trồng đang bị phía Trung Quốc tạm ngưng xuất khẩu là không lớn, nhưng đây là một tín hiệu cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời.

Nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân. Thậm chí nguy cơ mất thị trường, không thể xuất khẩu được nữa là rất cao nếu thường xuyên có các vùng trồng, cơ sở đóng gói vi phạm quy định của nước nhập khẩu.

Qua quá trình kiểm tra, rà soát, có thể thấy vẫn còn một số vấn đề tồn tại liên quan đến việc quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cần phải được chấn chỉnh để đảm bảo chất lượng và uy tín của hàng nông sản xuất khẩu, cụ thể:

Việc quản lý mã số tại các một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo, chưa được chú trọng, chưa xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số. Sự liên kết giữa vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã với các cơ quản lý ở địa phương, trung ương để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu còn chưa được chặt chẽ.

Đặc biệt, rất nhiều địa phương chưa phân công cho một cơ quan chuyên môn làm đầu mối để thực hiện quản lý, giám sát và hướng dẫn đối với việc kiểm tra và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói. Điều này dẫn tới việc không thống nhất trong quá trình xử lý công việc.

Về phía doanh nghiệp xuất khẩu đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, mạo danh mã số của nhau để xuất khẩu. Điều này không những gây ảnh hưởng đến uy tín hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số.

Giải pháp quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu

Theo Cục Bảo vệ thực vật, thời gian qua một số địa phương còn chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng. Cá biệt có những tỉnh sau khi đề nghị cấp mã số xong không còn quan tâm đến thực tế đang diễn ra thế nào ở các vùng được cấp mã số này.

Nhận thức và năng lực kiểm tra, giám sát của cán bộ kỹ thuật ở một vài địa phương còn chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nhận thức của người dân ở nhiều vùng được cấp mã số còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.

Do đó, trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục chỉ đạo hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn tình trạng đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khẩu xuất khẩu.

Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát lại hiện trạng cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và việc sử dụng mã số tại các địa phương để làm cơ sở đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng các mã số vùng trồng đã cấp.

Cục Bảo vệ thực vật chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin trong quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói khi tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát.

Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các quy định của các nước nhập khẩu để chủ động triển khai kế hoạch sản xuất.

Tại địa phương, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị phân công cụ thể cán bộ và cơ quan đầu mối trong quản lý, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số. Đây chính là đơn vị để Bộ NN-PTNT triển khai các hoạt động kỹ thuật cụ thể có liên quan.

Chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra đề nghị cấp mã số hoặc giám sát các đơn vị đã được cấp mã số và báo cáo kịp thời về cơ quan đầu mối là Cục Bảo vệ thực vật để có các biện pháp xử lý kịp thời nếu có vấn đề xảy ra.

Tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, các cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói để tránh việc mạo danh mã số, cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số.

Chủ động tập huấn cho cán bộ kỹ thuật địa phương về các tiêu chí liên quan đến kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ cấp và quản lý mã số.

Đối với các doanh nghiệp, chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo có các cơ quan quản lý khi phát hiện các vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có phối hợp xử lý.

Thông tin thường xuyên với các cơ quan quản lý về vùng trồng, nhà đóng gói cũng như quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình.

Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.

Tác giả bài viết: Nguyên Huân

Nguồn tin: nongnghiep.vn

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,847,229
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay1,956
  • Tháng hiện tại62,838
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây