Giá sầu riêng tăng cao - Thực trạng và nhận định
Thứ ba - 24/11/2020 03:46 682
Giá sầu riêng tại khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 11 và 12 năm nay đạt ở mức rất cao so cùng kỳ năm ngoái.
Vào hạ tuần tháng 11 năm 2020 giá sầu riêng thu mua tại vườn ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre … giao động 100.000-110.000 đ/kg đối với sầu riêng Ri-6 (giống trồng chủ lực ở các tỉnh ĐBSCL); sang tháng 12 giá sầu riêng vẫn được duy trì ở mức cao và đạt 100.000-120.000 đ/kg. Tại thị trường bán lẻ, trong thời gian này người tiêu dùng phải chấp nhận giá sầu riêng 130.000-200.000đ/kg. Giới thương lái và các nhà xuất khẩu sầu riêng nhận định nguyên nhân dẫn đến việc giá sầu riêng tại khu vực các tỉnh ĐBSCL tăng cao chủ yếu do nguồn cung sầu riêng cho thị trường giảm hẵn so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với sản xuất trong nước, trong tháng 11 và 12, các tỉnh ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ hầu như không có sầu riêng cung cấp cho thị trường, có chăng chỉ một bộ phận sản lượng rất nhỏ. Sản lượng sầu riêng cung ứng cho thị trường trong tháng 11 và 12 hàng năm chỉ còn trông chờ vào các nhà vườn trồng sầu riêng ở khu vực các tỉnh ĐBSCL nhờ áp dụng các biện pháp sản xuất sầu riêng trái vụ. Tuy nhiên năm nay sản lượng sầu riêng của ĐBSCL cung ứng cho thị trường vào các tháng trái vụ đã không còn duy trì như những năm trước, chủ yếu do tác động của biến đổi khí hậu, rõ nét nhất là do hạn mặn xẩy ra nghiêm trọng vào các tháng đầu năm.
Trong các tỉnh trồng sầu riêng ở ĐBSCL, Tiền Giang là tỉnh có diện tích lớn nhất (13,8 ngàn ha, chiếm đến 63% tổng diện tích sầu riêng của cả vùng ĐBSCL), do hạn mặn trong các tháng đầu năm 2020, nhiều vườn sầu riêng ở Tiền Giang bị ảnh hưởng, việc xử lý sầu riêng ra trái nghịch vụ không còn thuận lợi như những năm trước (chủ yếu do sức khỏe cây sầu riêng không đảm bảo, nhà vườn lo ngại cây bị chết), sản lượng sầu riêng cung ứng cho thị trường giảm hẳn; tình trạng này cũng diễn ra tại các địa phương chịu ảnh hưởng của hạn mặn như Bến Tre, Vĩnh Long … khiến cho sản lượng sầu riêng cung ứng cho thị trường trong các tháng 11 và 12 của năm 2020 giảm đột ngột so với cùng kỳ những năm trước. Vào thời gian này của năm ngoái, sản lượng sầu riêng thu mua tại vựa ở Tiền Giang đạt 10-15 tấn/ngày nhưng năm nay chỉ còn 1-2 tấn/ngày, thậm chí một số vựa sầu riêng cho biết đôi khi không có sầu riêng để mua. Trong khu vực các nước Đông Nam Á (nơi cung ứng sầu riêng lớn nhất cho thị trường thế giới), sầu riêng của Thái Lan (là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu sầu riêng) cung ứng cho thị trường trong thời gian này cũng giảm mạnh (mùa vụ sầu riêng của Thái Lan thường bắt đầu từ tháng 3, thu hoạch nhiều vào các tháng 6-8 và giảm mạnh vào các tháng 11 và 12).
Nguồn cung giảm mạnh, trong khi nhu cầu tiêu dùng sầu riêng ở nội địa và xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao, nhất là nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của thị trường Trung Quốc, khiến giá sầu riêng tăng cao cũng là điều dễ hiểu. Theo nhận định của giới kinh doanh sầu riêng, trong thời gian tới (từ tháng 1-2, nhất là từ tháng 3) nguồn cung sầu riêng cho thị trường được cải thiện, sầu riêng Thái Lan cũng tăng sản lượng cung ứng cho thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng có thể hạ nhiệt.
Hạn mặn đã và đang làm ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất và cung ứng sầu riêng tại các tỉnh ĐBSCL. Thời gian qua, các chuyên gia ở Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã có những cố gắng trong nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật nhằm khắc phục thiệt hại và khôi phục sức khỏe cho vườn sầu riêng gồm 5 bước: Bước 1 (Rửa mặn cho đất); Bước 2 (Phục hồi bộ rễ và bộ lá); Bước 3 (Hỗ trợ bộ lá phát triển); Bước 4 (Hỗ trợ bộ rễ và hoàn thiện bộ lá); Bước 5 (Tăng cường hấp thu dinh dưỡng và quang hợp). |
Tác giả bài viết: Hữu Tiến
Nguồn tin: SOFRI