Day dứt với đất chín rồng

Chủ nhật - 05/09/2021 07:59   950
Từ những trăn trở, day dứt đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có một con đường.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối với Bộ trưởng Lê Minh Hoan không chỉ sự am hiểu của rất nhiều năm gắn bó trực tiếp mà còn là nỗi trăn trở, đau đáu. Đặc biệt về đời sống người nông dân. Làm gì để tạo ra thu nhập bền vững cho khoảng 20 triệu người đồng bằng là điều mà ông nói mình luôn cảm thấy ray rứt. 

Đã đôi lần Bộ trưởng kể, trước thời điểm ra Hà Nội công tác, ông đã đi thăm một người nông dân trồng lúa ở Đồng Tháp. Đó là người từng viết thư gửi Thủ tướng đề nghị có chính sách hỗ trợ để người trồng lúa đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu 30%.

Gặp ông Lê Minh Hoan người nông dân đó lại tiếp tục gửi gắm, ra ngoài đó nhờ ông chuyển đến Trung ương, đến Chính phủ quan điểm của chúng tôi như vầy, nếu người trồng lúa có lợi nhuận nông dân đồng bằng sẵn sàng mang mùng mang chiếu ra ngủ ngoài ruộng đồng để giữ đất lúa, để góp phần với đảm bảo an ninh lương thực với Chính phủ. Ngược lại, nếu lợi nhuận thấp, trồng lúa rủi ro chúng tôi sẽ bỏ ruộng và để câu chuyện an ninh lương thực cho Chính phủ.

Nhắc lại câu chuyện này Bộ trưởng muốn cùng nhau suy nghĩ về thực tiễn đời sống xã hội của người nông dân ĐBSCL, bàn và tìm cách tháo gỡ. Rằng chúng ta không chỉ định hướng vấn đề an ninh lương thực quốc gia mà phải làm sao giải quyết được bài toán thu nhập, đời sống của hàng chục triệu hộ nông dân trồng lúa đã và đang tâm tư, khắc khoải trước những bấp bênh của mùa vụ. Rằng chúng ta phải xác định song hành hai mục tiêu đó, trả lời được câu hỏi kép đó để cùng với người nông dân tạo ra những bước phát triển mang tính bền vững.

Những ngành hàng khác cũng vậy. Không thể dừng lại ở lối tư duy theo kiểu ĐBSCL phải có chừng này lúa gạo, chừng này tôm cá, chừng này trái cây... Tư duy theo lối đó có thể giúp chúng ta hướng đến những mục tiêu xuất khẩu để thu ngoại tệ, mục tiêu tăng trưởng của ngành hàng này ngành hàng khác nhưng liệu đã giải được bài toán thu nhập của người nông dân đồng bằng hay chưa? Tôi nghĩ là chưa.

Chính vì vậy ĐBSCL phải thay đổi, phải tư duy xem thu nhập của người dân là bao nhiêu, đó mới là yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của vùng đất này.

Thưa Bộ trưởng, từ câu chuyện của người nông dân trồng lúa và vấn đề thu nhập của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long như Bộ trưởng nói liệu có mối liên quan đến con số thống kê khoảng 1,1 triệu người đồng bằng phải rời quê hương trong một thập kỷ qua hay không?

Trước hết phải khẳng định, sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từ nông thôn ra đô thị là một dòng chảy, là quy luật của tất cả các nước phát triển.

Đất nước nào cũng vậy, muốn phát triển thì phải có dòng chảy đó, phải có quy luật đó. Các đô thị là những trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại tạo ra rất nhiều việc làm, đem lại thu nhập lớn hơn cho người lao động so với khu vực nông thôn. Cho nên chúng ta vẫn thường thấy mỗi quốc gia đều có chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa bao nhiêu, tốc độ đô thị hóa như thế nào để chứng minh sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quốc gia đó.

Cho nên tôi nghĩ rằng để phân tích vấn đề này cần phải nhìn nhận ở khía cạnh lực hút và lực đẩy của dòng chảy.  

Lực hút ở đây là công ăn việc làm, là thu nhập ở các đô thị tốt hơn so với khu vực nông thôn đã hút người nông dân đến đó. Còn lực đẩy, thực tiễn cho thấy đôi khi người nông dân chưa muốn rời nông thôn, rời quê hương, rời đồng ruộng của mình do không ở lại được. Đầu vụ xuống giống xong chờ đến cuối vụ thu hoạch, thương lái đến chở đi. Không có việc làm, không có thu nhập đã đẩy người nông dân khỏi nông thôn đến với thành phố. 

Bộ trưởng suy nghĩ gì về quy luật của dòng chảy này?

Tôi nghĩ ở góc độ tích cực và chúng ta cũng phải có cái nhìn khác về dòng chảy. Hãy xem đó là quy luật thực tiễn. Mà đã là quy luật thì chắc chắn chúng ta sẽ không thay đổi được nó, chỉ có thể tác động vào nó bằng cách tự mình thay đổi.

Hãy nhìn Nhật Bản, nông thôn của họ cũng chỉ toàn những người già và họ quan niệm về dòng chảy rời quê ra thành phố hết sức bình thường. Thậm chí còn có sự khuyến khích bì họ nhận thức được lứa tuổi nào, công việc gì, làm ở đâu không quan trọng. Miễn sao tạo ra được giá trị cho xã hội nhiều nhất. Giá trị của mỗi cá nhân tạo ra lớn hơn cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ đóng góp vào “chiếc bánh” thu nhập của quốc gia lớn theo.

Chúng ta cũng phải tư duy như thế chứ đừng ngồi than thở với nhau mãi để cuối cùng không giải quyết được vấn đề gì.

Tôi từng nói với một chuyên gia khi ông ấy bi lụy hóa con số 1,1 triệu người rời khỏi ĐBSCL rằng, nghe anh nói có thể người dân sẽ thương nhưng thực tế anh không giúp được gì cho dân cả. Tôi không nói, tôi cố gắng thuyết phục người dân, đưa các chương trình đào tạo, kết nối thị trường cho người nông dân… và xác định ai đi cứ đi, ai ở lại cũng sẽ có việc ở lại, đều có thể tạo ra được những giá trị tốt hơn cho xã hội.

Tư duy làm gì để cân bằng dòng chảy, cân bằng lực hút và lực đẩy, từ đó có phương án, giải pháp cho người đi kẻ ở mới đáng để bàn.

Với người đi, thay vì để tự do theo lực hút về các trung tâm đô thị với hành trang là làm nghề gì cũng được thì mình tổ chức đào tạo nghề, cấp chứng chỉ nghề nghiệp giúp bà con có cơ hội thu nhập cao hơn. Tổ chức đi đàng hoàng, bài bản, mang tính chất bền vững chứ không phải vá víu như hiện nay.

Thực ra ở ĐBSCL đã có những trung tâm xúc tiến việc làm, kết nối việc làm từ đô thị về với nông thôn, hàng năm đều mời các doanh nghiệp từ Thành phố Hồ Chí Minh, các đô thị lớn khác xuống đồng bằng để tuyển dụng lao động. Tuy nhiên bà con vẫn đi tự do nhiều hơn, đó là chỉ dấu cho thấy chưa có được tổ chức, chuẩn bị tốt để bà con đi.

Với người ở, đừng thấy cám cảnh, đừng buồn khi người trẻ đi hết, nông thôn gì chỉ toàn người già. Không sao cả nếu ở tầm quản trị nhìn nhận được người trẻ tạo ra được nhiều giá trị hơn, họ vào công nghiệp vào dịch vụ là đúng quá. Người già làm ruộng thì đã làm sao. Làm nông bây giờ đâu cần phải sức lực, phải xuống ruộng cày bừa nữa, điện thoại thông minh điều khiển máy móc thiết bị cơ bản rồi còn gì.

Vì thế chúng ta hãy bàn, hãy tìm cách hỗ trợ người nông dân ngày càng nâng cao kiến thức, tiếp cận tri thức làm nông nghiệp mới để họ có thể tạo ra năng suất cao hơn, giá trị hơn. Những nhà quản trị của địa phương, của đất nước phải dự báo được năm năm sau, mười năm sau dòng chảy kẻ ở, người đi như thế nào để có giải pháp.

Thưa Bộ trưởng, dù là vấn đề của kẻ ở hay người đi thì suy cho cùng mấu chốt vẫn là thu nhập của người nông dân như Bộ trưởng đã nói. Đau đáu với ĐBSCL như thế, xin hỏi, giải pháp của Bộ trưởng để nâng cao thu nhập người nông dân đồng bằng là gì?  

Tôi luôn nghĩ phải tạo thêm thật nhiều ngành nghề hơn nữa ở khu vực nông thôn ĐBSCL và nông thôn ở những khu vực khác cũng phải như vậy, bởi làm ruộng đơn thuần thì không chỉ lợi nhuận 30% như nông dân trồng lúa kiến nghị Chính phủ, kể cả có 50% cũng không đáng bao nhiêu so với làm công việc khác.

Xưa giờ mình vẫn có lối tư duy làm nông là thu nhập từ nông nghiệp. Không đúng. Đừng nghĩ thu nhập của người nông dân là chỉ ở trên đơn vị diện tích, trên sản lượng nông nghiệp họ làm ra nữa, thậm chí có thể xem đó sẽ là nguồn thu nhập phụ khi chúng ta tổ chức thêm được những nghề mới cho nông thôn. Làm du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm OCOP, làm dịch vụ nông nghiệp… chẳng hạn. Phải phát triển nông thôn, nâng cao thu nhập người nông dân bằng kinh tế nông thôn.

Nhìn vào thực tiễn, chỉ làm nông thì nông dân rất nhàn rỗi, trong khi đó phát triển theo chuỗi ngành hàng nông sản hiện nay nếu tổ chức tốt có thể tạo ra rất nhiều việc làm cho bà con tận dụng quỹ thời gian nhàn rỗi đó. Phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến, đóng gói, bao bì nông sản… đa dạng hóa nghề nghiệp ở nông thôn bằng tư duy phát triển nông thôn bà con sẽ có nhiều nguồn thu nhập, từ đó cũng giảm thiểu được rủi ro mùa vụ.

Có người nói đó là việc khó nhưng đã tư duy bắt buộc phải làm thì sẽ có giải pháp. Bộ NN-PTNT cũng đã đưa vấn đề này vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đó là nâng cao năng lực cộng đồng để hình thành hệ sinh thái phát triển kinh tế nông thôn.

Tôi cho rằng để đa dạng hóa nghề nghiệp ở nông thôn, tích hợp được đa giá trị vào nông thôn cần phải có những sự thay đổi.

Thay đổi trước tiên là đào tạo nghề. Phải đào tạo, huấn luyện người nông dân hướng tới đa giá trị, tri thức hóa người nông dân để bà con từ quyết định số phận của mình, hướng đến xây dựng người nông dân thông minh.

Đã có giai đoạn mình đào tạo nông dân theo kiểu dạy nuôi vịt nuôi gà, trồng na trồng quýt... Những cái đó người nông dân làm giỏi hơn mình, sao phải dạy người ta. Cái cần, cái quan trọng là huấn luyện người nông dân sử dụng công nghệ thông tin, cung cấp kiến thức để tối ưu hóa sản phẩm, kết nối thị trường, công nghệ bảo quản, chế biến... Tư duy thị trường sẽ giúp người nông dân có kiến thức chứ không cần cầm tay chỉ việc.

Phải làm được như thế, để bà con không phải kêu sao tui làm lúa mà tui nghèo quá được nữa. Chúng tôi đã tạo ra nhiều nghề khác để bà con làm rồi còn gì. Tất nhiên, có thể những nguồn thu không bằng so với bà con đi lao động tự do, nhưng cái gì cũng có giá của nó. Được ở quê hương, trăng thanh gió mát, gần gũi gia đình, bà con chòm xóm.

Tôi vẫn luôn tin rằng một ngày nào đó người ở hay người đi cũng sẽ tụ lại với nhau, bổ sung cho nhau ở trong một hệ sinh thái. Chính dòng chảy mà chúng ta nói sẽ là sợi dây kết nối nông thôn và thành thị. Bằng những con người trong dòng chảy đó, nếu chính quyền địa phương biết vận dụng sẽ góp phần phát triển thị trường. Mỗi người xa quê có thể là một người bán hàng, một shipper của nông sản quê hương đó. Cần tạo ra một xã hội thực sự năng động, để biến được điều tưởng chừng như bi kịch trở thành tích cực.

Phải mở rộng không gian, thưa Bộ trưởng, thực tiễn ở Đồng bằng sông Cửu Long hay kể cả nhiều vùng kinh tế khác của đất nước chúng ta cũng đã nhìn ra thực hiện liên kết vùng đó thôi. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế nông thôn như giải pháp của Bộ trưởng chắc có lẽ không chỉ người nông dân hay địa phương phải thay đổi mà cả những người hoạch định, đầu tư về mặt chính sách cũng phải thay đổi. Bộ trưởng nghĩ sao?

Như tôi đã nói, không gian phát triển của chúng ta vẫn đang còn gói gọn, bị giới hạn quá. Anh và tôi cùng trồng cam, trồng xoài nhưng anh biết tỉnh anh, huyện anh, xã anh, tôi cũng thế. Cả một vùng nguyên liệu rộng lớn bị chia cắt. Không gian phát triển càng nhỏ thì tư duy càng nhỏ, càng khó phát triển. Rộng lớn sẽ dễ tính toán hơn, dễ đa dạng hóa giá trị, đa dạng hóa nghề nghiệp, nguồn thu nhập cho bà con hơn.

Lấy ví dụ về chủ trương làm cánh đồng mẫu lớn. Muốn phát triển kinh tế nông thôn phải tích hợp được đa giá trị trên cánh đồng lớn chứ nhỏ sao làm nhà máy chế biến, sao làm kho lưu trữ... Mặc dù đã nhìn ra được như thế nhưng liên kết vùng ở ĐBSCL cũng đang bị địa giới hành chính giới hạn nên cứ bàn hoài.

Cho nên, thay đổi tiếp theo là lãnh đạo cũng phải mở không gian tư duy ra, hướng tới quy hoạch không gian phát triển rộng lớn, trở thành một hệ sinh thái tích hợp nhiều giá trị. Ở đó, lớp này trồng lúa, lớp này chế biến, lớp này du lịch... nhiều giá trị cùng ở trên một đơn vị diện tích, có như thế thì bà con mình mới giàu được.

Ngoài ra cũng cần phải hiểu là bà con mình rời quê không chỉ đơn thuần là vấn đề việc làm, thu nhập mà còn là cơ hội phát triển của họ và con cái họ. Còn là những dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế, văn hóa đời sống, ở đô thị hơn ở nông thôn. Muốn cân bằng lại dòng chảy thì cũng phải đầu tư để đưa những dịch vụ đó về nông thôn, nâng cao mức sống ở nông thôn. Vì vậy, một mục tiêu quan trọng của xây dựng nông thôn mới là đưa những tiện ích tối thiểu của xã hội về với nông thôn, để khoảng cách giữa nông thôn và thành thị không bị doãng thêm.

Mình cứ hay nói thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng cách biệt, là vì đầu tư chưa đúng mức. Đầu tư cho nông thôn đâu chỉ phần cứng, chỉ đường sá, hạ tầng mà còn giáo dục, y tế, văn hoá... Đầu tư để tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đầu tư dịch vụ thiết yếu để người nông dân thấy miền quê thật đáng sống.

Gói gọn lại thì vẫn phải phát triển không gian kinh tế nông thôn vì đó mới là yếu tố quyết định thu nhập của nông dân. 

Thưa Bộ trưởng, nói đến đầu tư, vốn dĩ đầu tư cho khu vực nông thôn đã là đặc thù, đòi hỏi chính sách đặc thù, dài hơi. Đặc biệt với Đồng bằng sông Cửu Long cũng là một vùng kinh tế đặc thù, chính vì vậy, để xây dựng được không gian, hệ sinh thái như Bộ trưởng đã phân tích chắc chắn càng phải giải quyết được nhiều nút thắt, rào cản. Theo Bộ trưởng, những nút thắt, rào cản đó là gì?

Có nhiều khi phải xuất phát từ nhận thức mới ra được chính sách. Tôi vẫn phải nói lại, nếu anh cứ ngồi đó bi lụy hóa nông thôn, đặc biệt là nông thôn ĐBSCL thì chắc chắn anh sẽ không có giải pháp để cụ thể hóa chính sách vào thực tiễn. Anh phải có giải pháp để tác động. Tất nhiên muốn có giải pháp thì phải có chính sách, có đầu tư và trước tiên cần thay đổi suy nghĩ, cách nhìn cho rằng những giá trị nông thôn tạo ra đang còn hạn chế.

Đồng ý, nếu tính đóng góp GDP lĩnh vực nông nghiệp sẽ không đáng bao nhiêu so với xây dựng nhà máy, công nghiệp, nhưng cần phải phân tích được là phát triển nông nghiệp không thể nào đi theo chiều thẳng đứng. Nếu chúng ta quan niệm làm nông nghiệp không giàu bằng lĩnh vực khác thì sẽ thiếu những chính sách để đầu tư cho đúng.

Ví dụ, trong một gia đình có 4 đứa con, có đứa giàu có đứa nghèo, nếu mình cứ chăm bẵm đứa giàu thì có thể đứa nghèo nó sẽ quậy. Một đàn chim bay cũng sẽ như vậy. Chúng ta hay dùng những khái niệm cánh chim đầu đàn mà không nghĩ đến giải quyết vấn đề những cánh chim cuối đàn. Đàn chim vốn bay theo hình chữ V, đầu đàn bao giờ cũng ít hơn cuối, nếu không đầu tư vào cuối đàn thì những cánh chim đầu đàn liệu có kéo nổi không?

Tôi hay dùng khái niệm đại bàng và chim sẻ để phân tích là thế. Phải cân bằng được đại bàng và chim sẻ vì cả hai đều ở trong một hệ sinh thái tự nhiên. Mỗi loài đều có những đóng góp, đại bàng như chim sẻ, kiến cũng như voi và cây cổ thụ cũng không thể đứng một mình trên núi cao. Mất đi một loài là mất sự cân bằng, tạo ra những hiệu ứng khiến hệ sinh thái không vận hành theo quy luật tự nhiên.

Thực tiễn cho thấy, sẽ không còn con đường nào khác, nông dân ĐBSCL phải đi lên từ tích hợp giá trị, phải tạo thêm nhiều ngành nghề, đa dạng hóa nguồn thu nhập, phải phát triển kinh tế nông thôn.

Cho nên, đầu tư vào đồng bằng phải bằng tư duy đó. Đất đai sản xuất ngày càng bị thu hẹp, thâm canh tăng năng suất, sản lượng cũng đến lúc tới trần, vậy thì dựa vào đâu để tạo ra nhiều giá trị, để tăng thu nhập cho người nông dân?

Chắc chắn là phải đi lên từ tích hợp các giá trị để tạo thành một chuỗi ngành hàng, đủ năng lực, hiểu biết, đủ khả năng để hạn chế những rủi ro.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tác giả bài viết: Hoàng Anh - Minh Phúc - Bá Thắng

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,845,999
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay1,863
  • Tháng hiện tại61,608
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây