Bến Tre: Sâu đầu đen hại dừa lây lan cực nhanh

Thứ tư - 31/03/2021 22:14   1002
Đến nay, sâu đầu đen tấn công trên 160 ha dừa ở Bến Tre. Ngành chức năng đã khẩn trương vào cuộc phun thuốc BVTV nhưng vẫn chưa khống chế được dịch hại này.
Bến Tre: Sâu đầu đen hại dừa lây lan cực nhanh

Tốc độ lây lan cực nhanh

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, từ khi phát hiện dịch hại sâu đầu đen hại dừa hồi tháng 7/2020 đến nay, diện tích dừa bị nhiễm bệnh không ngừng tăng nhanh.

Đến cuối tháng 3/2021, toàn tỉnh Bến Tre đã có hơn 160 ha vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công. Trong đó, diện tích nhiễm nặng bị cháy lá là 51 ha. Đây là diện tích bị gây hại có trên 40% số tàu lá bị hại trên tổng số tàu lá điều tra, dựa vào hướng dẫn của Trung tâm BVTV Phía Nam (Cục BVTV).

Vườn dừa của ông Đặng Thanh Hải (ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) bị sâu đầu đen tấn công. Ảnh: Minh Đảm.
Vườn dừa của ông Đặng Thanh Hải (ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) bị sâu đầu đen tấn công. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ngành chức năng, diện tích nhiễm bệnh trong tháng 3/2021 đã tăng 14 ha so với tháng 2/2021. Hiện nay, sâu đầu đen đang gây hại ở các huyện Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, TP Bến Tre và Chợ Lách. Ổ dịch lớn nhất là ở xã Hữu Định của huyện Châu Thành với trên 66 ha vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại.

Tháng 7/2020, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam lấy mẫu sâu gây hại và gửi mẫu định danh. Trung tâm Giám định kiểm định thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) đã xác định là loại sâu có tên khoa học Opisina arenosella Walker (sâu đầu đen hại dừa). Đây là loài sâu hại nghiêm trọng có nguồn gốc từ miền nam Ấn Độ và Sri Lanka.

Ông Đặng Thanh Hải ở ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có 2.000 m2 vườn dừa hơn 40 năm tuổi cũng như nhiều hộ dân khác tại đây phải ngậm ngùi khi phá vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại. Ông Hải cho biết, do vườn dừa cao 30-40 mét nên không thể phun xịt thuốc diệt loại sâu hại này.

“Dừa trồng lâu năm và đã từng bị nhiều chứng bệnh nhưng không chết, bây giờ bị sâu đầu đen ăn khiến dừa chết hàng loạt, không cứu vãn được. Sâu đầu đen rất nguy hiểm vì nó ăn dừa rất nhanh, trong vòng 2 tháng nó ăn lan rộng không thể cứu chữa. Bây giờ cuộc sống khó khăn khiến nhiều gia đình phải đi làm mướn”, ông Hải nói.

Đến nay, các diện tích dừa bị gây hại nặng ở xã Phú Long và Định Trung (huyện Bình Đại, Bến Tre) cơ bản ngành chức năng đã kiểm soát được khả năng gây hại của dịch bệnh.

Tuy nhiên, việc áp dụng máy bay mini phun thuốc BVTV khống chế dịch bệnh chưa hiệu quả. Tại các địa điểm phát hiện sâu đầu đen gây hại khác, Sở NN-PTNT đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn để hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ. Đến nay, nông dân cơ bản đã nhận thức được mức độ gây hại cũng như các biện pháp phòng trừ cơ bản và đã tự xử lý và phun thuốc BVTV.

Sâu đầu đen càn quét nhiều vườn dừa ở Bến Tre với tốc độ cực nhanh. Ảnh: Minh Đảm.
Sâu đầu đen càn quét nhiều vườn dừa ở Bến Tre với tốc độ cực nhanh. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Phan Tấn Lộc, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết: Địa phương đã tổ chức phun xịt các loại thuốc theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhưng không hiệu quả nên huyện không tiếp tục triển khai.

Do đó, sâu đầu đen đã tấn công khoảng 80 ha vườn dừa của huyện. Vì vậy, huyện đề xuất UBND tỉnh trích kinh phí triển khai nghiên cứu loại thuốc đặc trị, sớm ra quân phun xịt đồng loạt để dập dịch tránh lây lan diện rộng; triển khai tuyên truyền sâu rộng đến người dân các biện pháp quản lý tạm thời để người dân biết và thực hiện.

Tìm giải pháp sinh học

Để phòng trừ sâu đầu đen hại dừa, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre đã biên soạn hoàn tất quy trình quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa dựa trên các tài liệu và hướng dẫn của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và một số ghi nhận thực tế tại Bến Tre.

Đồng thời, thực hiện tuyên truyền, tập huấn kiến thức phòng trừ sâu đầu đen cho bà con nông dân ở Bến Tre với 10 cuộc tập huấn.

Bên cạnh đó, Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện đã chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tích cực tuyên truyền thông qua đài phát thanh huyện, xã và tổ chức các lớp tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ cho các HTX/THT.

Tại huyện Mỏ Cày Nam, đã tổ chức 25 lớp, huyện Mỏ Cày Bắc tổ chức 2 lớp, huyện Châu Thành tổ chức 1 lớp với 850 cán bộ xã, ấp và nông dân tham gia. Phòng Kinh tế Thành phố Bến Tre phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông cũng đã tổ chức 07 buổi tập huấn hướng dẫn nông dân trồng dừa thành phố Bến Tre nhận biết và biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa.

Người dân đốn bỏ dừa bị sâu đầu đen tấn công. Ảnh: Minh Đảm.
Người dân đốn bỏ dừa bị sâu đầu đen tấn công. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết: Quan điểm phòng trừ sâu đầu đen hại dừa của ngành nông nghiệp Bến Tre là phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh áp dụng ngay các biện pháp dập dịch nhằm giảm mật độ sâu, hạn chế lây lan trong khi chờ kết quả nghiên cứu để có quy trình hoàn chỉnh.

Phòng trừ sâu với phương châm là bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng sản xuất dừa hữu cơ do các doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng thành công. Dập dịch nhưng phải đảm bảo môi trường sản xuất ổn định và đặc biệt là bảo vệ sức người dân, vật nuôi sinh sống dưới tán dừa…

Về lâu dài, quản lý sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học để đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ dừa đạt chất lượng về an toàn thực phẩm được các thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.

Cũng theo ông Huỳnh Quang Đức, hiện nay, Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM  tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài Nghiên cứu đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre để ứng dụng kết quả vào sản xuất.

Hiện Trường đã thiết lập một phòng nhân nuôi ong ký sinh tại Chi cục Trồng trọt và BVTV và mở rộng một phòng tại Trung tâm Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao để vừa nghiên cứu vừa phóng thích nhanh đối với các loài ong có khả năng ký sinh tốt trên nhộng và ấu trùng sâu đầu đen.


 

Tác giả bài viết: MINH ĐẢM

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam:

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,261,901
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay2,009
  • Tháng hiện tại72,835
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây