FAO đẩy mạnh quan hệ đối tác công - tư trong nông nghiệp

Thứ hai - 13/07/2020 22:25   566
Hiện tại FAO đang hợp tác với Ai-len và Ủy ban Liên minh châu Phi thực hiện dự án nhằm trao đổi và đưa ra các giải pháp hữu ích cho lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt tập trung vào tầm quan trọng của quan hệ đối tác với khu vực tư nhân.
Máy bay không người lái có thể giúp nông dân Ai-len tối ưu hóa việc sử dụng đầu vào trong sản xuất nông nghiệp
Máy bay không người lái có thể giúp nông dân Ai-len tối ưu hóa việc sử dụng đầu vào trong sản xuất nông nghiệp
Những năm 1970, ngành nông nghiệp Ailen có nhiều điểm tương đồng với nhiều ngành nông nghiệp đang phát triển ngày nay. Hơn một phần tư dân số làm việc trong các trang trại nhỏ với rất ít cơ hội gia tăng giá trị và sự di cư hàng loạt từ các vùng nông thôn.
Cho đến những năm 1990, ngành thực phẩm Ailen bắt đầu một quá trình chuyển đổi nhanh chóng và cho đến nay, trong khối Liên minh châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ, Ai-len là một trong những quốc gia đứng đầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sự bền vững môi trường và tiếp cận thị trường thực phẩm có giá trị cao.
Tầm quan trọng của quan hệ đối tác công - tư
Trong bối cảnh nguồn lực chính phủ hạn chế, quan hệ đối tác công tư giữa các doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự ngày càng quan trọng để cải thiện năng suất và thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm trên toàn thế giới.
Quan hệ đối tác công - tư (PPP) trong nông nghiệp có khả năng tạo ra tác động thực sự. Sự kết hợp hiệu quả kinh tế và hoạt động của khu vực tư nhân với khu vực công cho phép điều tiết và đảm bảo lợi ích xã hội. Quan hệ đối tác công - tư có tiềm năng hiện đại hóa ngành nông nghiệp và có thể đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp toàn diện và bền vững.
FAO, Ai-len và Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC)
Với diện tích đất trồng trọt rộng lớn và dân số trẻ nhất thế giới, Châu Phi có tiềm năng nuôi sống không chỉ lục địa của mình mà phần lớn thế giới. Dân số ngày càng tăng, đô thị hóa ngày càng tăng và áp lực lên sản xuất thực phẩm bền vững đòi hỏi phải xem xét những thay đổi này và tìm ra những cách sáng tạo để thích nghi. Hợp tác công - tư trong nông nghiệp có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi kinh tế, từ đó giảm nghèo ở nông thôn, cung cấp thực phẩm bổ dưỡng và việc làm cho hàng triệu thanh niên châu Phi tham gia khởi nghiệp.
Thông qua Chương trình hợp tác ba bên (chính phủ Ai-len, FAO và Ủy ban Liên minh châu Phi) và sáng kiến tay trong tay của FAO, năm 2017, một hội thảo tại Ai-len đã được tổ chức với sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ khu vực công và tư nhân của 10 quốc gia đại diện cho lục địa châu Phi để chia sẻ kinh nghiệm và tìm hiểu về những bài học thành công trong ngành thực phẩm nông nghiệp Ai-len.
Tiếp đó, tháng 7 năm 2019, trong thời gian 4 ngày tại thủ đô Kigali của Ru-an-da; với sự hỗ trợ của tổ chức FAO, AUC, chính phủ Ai-len và chính phủ Ru-an-da, khóa huấn luyện với sự tham gia của đại diện ngành công nghiệp thực phẩm các nước, đại diện của các Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại và kế hoạch đã thảo luận về sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển hệ thống thực phẩm bền vững, xác định các điểm chính cần thiết để chuyển đổi ngành thực phẩm nông nghiệp và xây dựng các chiến lược hành động cho các quốc gia. Chia sẻ về vấn đề này, thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp Kê-ni-a cho biết hai năm tới sẽ tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp để góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi nông nghiệp của đất nước.
Tại U-gan-đa, cuộc họp giữa tổ chức FAO và chính phủ U-gan-đa đã thống nhất xây dựng một chiến lược nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào kế hoạch quốc gia về đầu tư nông nghiệp mới của U-gan-đa. Tháng 12/2019, FAO và AUC hỗ trợ một khóa đào tạo phù hợp cho các quan chức của U-gan-đa để giúp họ khởi động Kế hoạch chiến lược ngành nông nghiệp vào năm 2020. Sự kiện này sẽ bao gồm trao đổi ngang hàng với đại diện khu vực công và tư nhân từ Kê-ni-a và Cộng hòa Ailen.
Kinh nghiệm của Ai-len cho thấy để đạt được mục tiêu chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thành công cần có một chiến lược nông nghiệp rõ ràng và có sự tham gia của tất cả các bên liên quan đặc biệt là sự hợp tác giữa khu vực tư nhân và khối công. Hợp tác Bắc-Nam cho phép các nước chia sẻ, trao đổi bài học kinh nghiệm về xây dựng các ngành thực phẩm nông nghiệp bổ dưỡng và bền vững.
Nhận thấy rằng các mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể được đáp ứng với các đối tác ở mọi cấp độ, FAO tích cực tạo điều kiện cho các hợp tác này trên toàn thế giới và đã phát triển một bộ hướng dẫn về quan hệ đối tác công tư, để giúp khuyến khích cách tiếp cận hợp tác và đổi mới để phát triển kinh doanh nông nghiệp.

Tác giả bài viết: Quỳnh Anh - Theo FAO

Nguồn tin: khuyennongvn.gov.vn

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,265,888
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay3,112
  • Tháng hiện tại76,822
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây