Nông dân gần xa tấm tắc khen giống nhãn LĐ11 ăn ngon, sai quả

Thứ bảy - 03/07/2021 04:15   482
Giống nhãn LĐ11 có nguồn gốc từ Viện Cây ăn quả Miền Nam, là kết quả của quá trình lai hữu tính giữa nhãn xuồng cơm vàng và tiêu da bò.

Hiện nay, giống nhãn lai LĐ11 của Viện Cây ăn quả Miền Nam được nhiều nông dân ở trồng ĐBSCL trồng thử nghiệm. Bước đầu cho thấy giống nhãn LĐ11 thích nghi tốt ở ĐBSCL, được nhiều nông dân tin tưởng và đánh giá cao.

Người dân đến tham quan giống nhãn LĐ11 trồng tại Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.
Người dân đến tham quan giống nhãn LĐ11 trồng tại Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Nhãn xuồng cơm vàng có chất lượng thịt ngon giòn, dày cơm nhưng năng suất thì không cơm, dễ rụng trái. Còn nhãn tiêu da bò có năng suất cao, nhưng chất lượng thịt thì không bằng. Nhờ sử dụng ưu thế lai, TS. Võ Hữu Thoại – Viện trưởng Viện cây ăn quả Miền Nam cho biết: Giống nhãn lai LĐ11 do Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo, được chọn tạo từ tổ hợp lai giữa giống nhãn Tiêu da bò và nhãn Xuồng cơm vàng. Thời gian thực hiện lai tạo bắt đầu từ năm 2002. Giống nhãn LĐ11 đã được Bộ NN-PTNT công nhận theo Quyết định  số 2564/QĐ-BNN-TT, ngày 30 tháng 06 năm 2015.
Theo bà Đào Thị Bé Bảy – Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết: Đặc điểm nổi bật của giống nhãn LĐ11 là cây sinh trưởng rất khỏe, tán lá dày, tỉ lệ đậu quả nhiều (79,8-80,5%). Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch 145-160 ngày. Kết quả khảo sát qua 3 vụ trái cho thấy: Khối lượng trái trung bình quả 12,07g, thịt trái dày (6,35mm), hạt nhỏ (1,55g), thịt ráo giòn, vị ngọt (độ brix 22,78%), tỉ lệ thịt trái cao (73,43%), năng suất cao (60,5kg/cây/năm).

Giống nhãn LĐ11 đang được thực hiện sản xuất thử với diện tích trồng mới 15 ha và ghép cải tạo 7,5 ha tại ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long.

Nhãn LĐ11 ăn ngon, sai trái được nhiều người tấm tắc khen ngợi. Ảnh: Minh Đảm.
Nhãn LĐ11 ăn ngon, sai quả được nhiều người tấm tắc khen ngợi. Ảnh: Minh Đảm.

Tại vườn ông Ngô Ngọc Lãng – Chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đang trồng thử nghiệm 17 cây nhãn LĐ11 được 4 năm tuổi. Hiện ông Lãng đã xử lý cho 3 cây ra trái. Qua tham quan, nhiều nông dân gần xa đều tấm tắc ngợi khen.
Ông Nguyễn Văn Tài, ở thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết: “Hình thức của trái giống nhãn Ido, cơm trắng. Cây 4 tuổi nhưng trái rất sai không thua gì giống nhãn Ido. Nhãn thơm giòn, ngọt vừa phải, hợp khẩu vị với người không thích độ ngọt cao. Thị trường chấp nhận, tôi thấy trồng cây nhãn này phát triển được”.
Ông Ngô Ngọc Lãng, chủ vườn cho biết: “Lúc trước được Viện cây ăn quả miền Nam đầu tư trồng thử nghiệm giống nhãn này. Thấy chất lượng quả ăn cũng ngon như vườn cây trồng tại Viện. Cây lá xanh đậm, to. Nhánh mọc mạnh cứng chống chịu gió bão tốt. Trái vỏ cứng cơm dày hạt nhỏ, thơm giòn. Mọi người tham quan đều khen ngon, mùi không giống các nhãn khác trên thị trường.”
“Khi cây còn nhỏ thấy có bệnh chổi rồng nhưng chỉ vài phần trăm, Mình chỉ cần cắt bỏ nhánh bị nhiễm bệnh là xong. Hiện nay vườn tôi chưa có xịt chổi rồng lần nào hết nhưng vẫn không có chổi rồng.”, ông Ngô Ngọc Lãng phấn khởi cho biết.

Nhãn LĐ11 trồng tại vườn của ông Ngô Ngọc Lãng (Chợ Lách, Bến Tre) rất sai trái. Ảnh: Minh Đảm.
Nhãn LĐ11 trồng tại vườn của ông Ngô Ngọc Lãng (Chợ Lách, Bến Tre) rất sai trái. Ảnh: Minh Đảm.

Mặc dù đang trong quá trình nghiên cứu về tính thích nghi với nước mặn nhưng qua đánh giá của nhiều nông dân, giống nhãn LĐ11 có thể chịu đựng được nước nhiễm mặn có nồng độ thấp. Cụ thể tại vườn của ông Ngô Ngọc Lãng, mùa khô 2019-2020, nước mặn nồng độ cao có thời điểm lên đến 4%. “Mặn năm 2020 rất dữ dội. Bà con trồng chôm chôm thiệt hại nặng nề. Tôi có sử dụng nước giếng tầng nông và nước máy nhiễm mặn 0,45%, tưới nhiều lần nhưng cây vẫn phát triển khoẻ mạnh, không bị ảnh hưởng”, ông Lãng chia sẻ thêm.
Đánh giá về tiềm năng đầu ra giống nhãn LĐ11, ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ cơ sở sản xuất cây giống Thanh Sơn ở thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết: “Qua thời gian theo dõi thấy cây phát triển rất nhanh, lá bóng mượt đẹp, ít sâu bệnh. Bên cạnh đó, không có chổi rồng, cây mau lớn, năng suất cao. Trái đều, chùm sai. Hạt bé, vỏ dày, không có nấm bệnh. Sau này mình chế biến xuất khẩu không phải xông lưu huỳnh. Tiềm năng giống nhãn này xuất khẩu tốt trong tương lai”.
Hiện nay, giống nhãn LĐ11 đang được ông Lãng đăng ký vườn đầu dòng để tiến hành nhân giống đại trà. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng hợp tác làm nhà phân phối cho giống nhãn LĐ11 tại vườn của ông Ngô Ngọc Lãng.

Đặc điểm chính: Quả có hình giống nhãn tiêu da bò, chùm quả đóng khít, chặt, cuống to. Khối lượng quả từ 12,07 - 12,96g. Thịt quả màu trắng trong và bóng, thịt ráo, ăn giòn, vị ngọt thanh. So với nhãn tiêu da bò, thịt quả dày hơn (5,68 - 5,35mm), hạt bé hơn (1,48 - 2,12g), tỷ lệ phần ăn được lên đến 73,43%, độ Brix khoảng 22,7%.Thời gian từ trồng đến thu quả lứa đầu là 3 năm. Năng suất bình quân 3 năm (3 năm, 4 năm, 5 năm sau trồng) là 35,7 kg/cây/năm. Sau 6 năm trồng đạt 60,5 kg/cây/năm, tương đương năng suất giống tiêu da bò cùng điều kiện. Giống LĐ11 chống chịu khá với bệnh chổi rồng, chỉ nhiễm ở mức độ nhẹ, trong khi nhãn tiêu da bò bị khá nặng.

 

Tác giả bài viết: MINH ĐẢM – HỮU ĐỨC

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,320,798
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay2,588
  • Tháng hiện tại49,456
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây