MỘT SỐ LƯU Ý TRONG SẢN XUẤT CAM SÀNH TRÊN ĐẤT RUỘNG

Thứ năm - 25/02/2021 03:08   2073
Cam sành (Citrus nobilis Lour) là một trong nhiều loại cây ăn trái chủ lực của các tỉnh phía Nam được trồng tập trung tại tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng. Đây là loại cây ăn trái đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, được ngành nông nghiệp một số tỉnh quy hoạch thành các vùng chuyên canh.

      Tuy nhiên, trong sản xuất có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, bên cạnh đó vẫn có những mô hình chưa đạt hiệu quả như mong muốn, việc sản xuất không theo quy hoạch và chưa có kinh nghiệm trong sản xuất để lại nhiều hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của nhà vườn còn ảnh hưởng đến môi trường nông nghiệp. Qua bài viết này chúng tôi mong muốn gửi đến bà con một số lưu ý để cam sành được sản xuất đạt hiệu quả kinh tế và bền vững hơn.

      Việc thiết kế mương, liếp tùy theo điều kiện đất như độ dầy của tầng canh tác, việc ngập úng trong mùa mưa, độ sâu tầng sinh phèn, chiều cao của liếp, mật độ trồng…Bề mặt và chiều sâu của mương thường phụ thuộc vào chiều cao của liếp.

      - Do đất lúa thấp, nên khi lên liếp cần đảm bảo mực thủy cấp để tránh ngập úng. Chiều cao liếp cách mực nước cao nhất trong mương 0,5-0,6 m.

      - Khi lên liếp cần chú ý không đưa tầng phèn hoặc tầng sinh phèn lên bề mặt liếp để tránh ảnh hưởng của phèn đến sự sinh trưởng của cây.

Hình: Mực thủy cấp so với mặt liếp

      Tùy diện tích của ruộng mà có một hay nhiều cống chính còn gọi là cống đầu mối đưa nước vào cho toàn khu vực. Cống nên đặt ở bờ bao, đối diện với nguồn nước chính để lấy nước vào hay thoát nước ra được nhanh. Cần chọn cống có đường kính lớn lấy đủ nước trong khoảng thời gian thủy triều cao. Nên đặt 2 cống để nước vào và nước ra riêng để nước trong mương được lưu thông tốt.
      Mật độ trồng: Tùy theo độ màu mỡ của đất mà khoảng cách trồng thay đổi cho phù hợp. Đối với cam sành trồng trên đất ruộng nên trồng khoảng cách là 1,5 x 1,5 m, 1,5 x 2 m (2.500-3.000 cây/ha).

      Chọn cây giống: Nên chọn chanh Tàu làm gốc ghép vì giúp cây cam chống chịu tốt với điều kiện ngập úng của ĐBSCL. Nên chọn mua cây giống tại các cơ sở cung cấp giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo cây giống sạch bệnh.

      Tưới, tiêu nước: Cam sành cần tưới nước đầy đủ trong tất cả các thời kỳ, đặc biệt vào thời kỳ mang trái. Mùa nắng nên thường xuyên tưới cho cây, tốt nhất là 1-2 ngày/lần. Vào mùa mưa do lượng mưa phân bố không đều nên nếu trời không mưa liên tục 3 ngày thì tiến hành tưới nước cho cây. Sử dụng phương pháp tưới gốc hay lắp hệ thống tưới nhỏ giọt. Trong mùa mưa, cần kiểm tra mương, cống, xẻ rảnh để tiêu thoát nước hợp lý tránh ngập úng, nên nên để nước vô ra tự nhiên để rửa phèn và tích tụ phù sa.
      Tỉa cành: Cây cam sành có mầm chồi và mầm ra trái cùng nhau. Không có sự biến chuyển của chồi trong nhiều năm mà mỗi chồi có thể phát triển trong một năm để tạo mầm hoa và sẽ mang một hay nhiều trái ở cuối cành. Do đó, cần tỉa cành tạo cho cây khoẻ mạnh, hình thành những cành mang trái, khỏe và phân bố đồng đều trên cành mẹ (cành chính). Tỉa cành được tiến hành hàng năm, sau khi thu hoạch cần loại bỏ những cành bị nhiễm sâu bệnh, cành ốm yếu, cành nằm bên trong tán không có khả năng mang trái, cành đan chéo nhau, cành vượt.
      Phân hữu cơ: Cây cam sành cần cung cấp phân hữu cơ với liều lượng 5-10 kg/cây phân  chuồng hoai mục, nếu không có phân chuồng bón thay thế bằng phân hữu cơ sinh học hay hữu cơ vi sinh, định kỳ 1-2 lần/năm, thường được bón vào giai đoạn sau thu hoạch trái.
      Phân vô cơ:
      Thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây 1-2 năm tuổi), công thức phân bón được khuyến cáo 160 gN + 160 gP2O5 + 80 gK2O/năm được chia thành 5 lần tưới và 4 lần bón trong năm đầu tiên và 5 đợt bón trong năm thứ 2. Đối với cây từ 1-5 tháng tuổi tiến hành pha 10-20 g DAP/tháng/lần với 5 lít nước tưới ướt gốc. Nên tưới xả lại bằng nước để tránh lá bị ngộ độc phân bón. Đối với cây cam sành từ 6-24 tháng tuổi, bón phân 2 tháng/lần bằng cách rải xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây.
      Giai đoạn kinh doanh, công thức phân bón khuyến cáo cho cây cam sành 3 năm tuổi là tương đương 180 g N + 100 g P2O5 + 100 K2O và hằng năm tăng 10% lượng phân bón. Có thể sử dụng phân đơn tự phối trộn hay phân hỗn hợp sẳn có trên thị trường.
      Bón vôi: Tùy vào pH đất của vườn cây, liều lượng vôi khuyến cáo như sau: pH = 4,0: 1.000 kg/ha; pH = 4,0-4,4: 800 kg/ha; pH = 4,5-4,9: 600 kg/ha; pH = 5,0-5,4: 400 kg/ha; pH = 5,5-5,9: 200 kg/ha, 2 năm bón 1 lần.
          Xử lý ra hoa: Cây cam sành từ 18-24 tháng sau khi trồng có thể xử lý ra hoa. Cây cam sành ra hoa cần thời gian khô hạn để phân hoá mầm hoa, vì vậy ở các vườn quản lý được nước thì có thể tạo sự khô hạn để cây ra hoa đồng loạt.
        Các triệu chứng thiếu dinh dưỡng
       Thiếu đạm (N): Triệu chứng thiếu N xuất hiện đầu tiên trên lá già, làm lá hẹp, mỏng hơi uốn cong, dựng đứng, màu xanh nhạt đến vàng, lá dễ rụng và chết cành. Nếu thừa N là vỏ dày, chua, đáy trái vàng.
        Thiếu lân (P): Triệu chứng thiếu P xuất hiện đầu tiên trên lá già, làm lá xanh đậm hơn bình thường, lá dựng đứng, hẹp, nhỏ. Cây dễ đỗ ngã. Trái biến dạng, vỏ dày, vàng, lõi bị rỗng, mềm, khô, chua và hạt to.
        Thiếu kali (K): Triệu chứng thiếu K xuất hiện đầu tiên trên lá già, làm lá nâu vàng từ chóp lá vào giữa lá đặc biệt là các lá gần trái, lá rụng. Trái nhỏ, vỏ mỏng, chín sớm.
        Thiếu Magiê (Mg): Triệu chứng thiếu Mg xuất hiện đầu tiên trên lá già, làm lá mất màu xanh bắt đầu từ chóp lá vào mép lá, gần cuống lá có một phần màu xanh hình V ngược, lá dễ rụng. Trái nhỏ và dễ rụng. 
        Thiếu Canxi (Ca): Triệu chứng thiếu Ca xuất hiện đầu tiên trên lá non, làm lá nhỏ và dày. Cành non chết. Bộ rễ bị hư. Trái bị nứt. 
       Thiếu Molypden (Mo): Triệu chứng thiếu Mo xuất hiện các đốm vàng trên lá, sau đó phát triển các đốm vàng lớn gần gân lá. 
      Thiếu kẽm (Zn): Triệu chứng thiếu Zn làm lá vàng gân xanh, nhỏ, hẹp, mọc thẳng đứng. Thân, cành non dễ chết. Trái nhỏ, kém chất lượng.
       Thiếu mangan (Mn): Triệu chứng thiếu Mn xuất hiện đầu tiên trên lá non, làm lá mất màu xanh, gân chính và gân phụ màu xanh đậm.
       Thiếu sắt (Fe): Triệu chứng thiếu Fe xuất hiện đầu tiên trên lá non, làm lá mất màu xanh, không có đốm, gân chính của lá màu xanh, chồi non có màu trắng bạc. 
         Sâu bệnh hại chính và biện pháp quản lý:
        Trên cam sành có nhiều dịch hại tấn công, đặc biệt trong điều kiện mùa nắng cần quan tâm các đối tượng như sâu vẽ bùa, sâu đục trái, nhện đỏ, nhện vàng, nhện trắng, bọ trĩ, rầy chổng cánh và rệp sáp.
        Một số biện pháp cần lưu ý quản lý dịch hại trên cam sành trong mùa nắng:
        - Điều khiển cây ra đọt non đồng loạt, tập trung hạn chế sự phá hại liên tục của dịch hại, thuận lợi cho việc phun thuốc BVTV
         - Bón phân cân đối hạn chế bón nhiều phân đạm
        - Nên theo dõi vườn thường xuyên, đặc biệt khi cây ra đọt non sau khi mưa, sau khi bón phân, giai đoạn cây ra hoa và đậu trái
        - Nên trồng cây chắn gió xung quanh vườn cam sành
       - Sử dụng bẫy màu vàng để theo dõi mật số của một số đối tượng như bọ trĩ, rầy chổng cánh
      - Tạo điều kiện cho thiên địch trong vườn phát triển như kiến vàng, nhện thiên địch ăn sâu non, bọ cánh lưới, bọ xít ăn thịt và các loài loài ong ký sinh...bằng cách phun thuốc BVTV khi thật cần thiết.
      - Khi mật số cao sử dụng thuốc BVTV đặc trị cho từng đối tượng, nên sử dụng thuốc sinh học, thuốc BVTV hóa học ít độc... kết hợp với dầu khoáng hay chất lan trải bề mặt nhằm tránh tính kháng thuốc của dịch hại và tăng hiệu quả của thuốc BVTV.

Tác giả bài viết: TS. Võ Hữu Thoại, TS. Trần Thị Mỹ Hạnh

Nguồn tin: SOFRI:

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,321,078
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay2,868
  • Tháng hiện tại49,736
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây