Một số kỹ thuật cần lưu ý trong canh tác cây khoai mỡ vùng Đồng Tháp Mười

Thứ hai - 07/09/2020 05:15   3029
Một số kỹ thuật cần lưu ý trong canh tác cây khoai mỡ vùng Đồng Tháp Mười

1. Xử lý giống
Chọn củ giống đồng đều và xử lý trước khi cắt mặt: Đun nước nóng khoảng 52 – 54oC, ngâm củ giống vào khoảng 40 phút (trong khi ngâm thêm nước nóng để giữ nhiệt độ ổn định), vớt ra để nguội và ráo, chất lại thành đống sau khoảng 1 tuần ngâm tiếp trong dung dịch thuốc BVTV (Metalaxyl + Mancozeb, Mancozeb, Carbendazim, Difenoconazole, Thiophanate Methyl, Hexaconazole) trong 20 phút theo nồng độ khuyến cáo, để ráo trước khi đem ra cắt mặt.
Củ có trọng lượng 1 kg được cắt thành 8 - 10 hom. Dao cắt phải sắc bén và cắt cho phẳng không làm trầy xước mặt khoai, sau đó trộn với vôi bột rồi đem đi giâm ủ vào tro trấu. Tác dụng của việc xử lý vôi là làm khô mặt tránh hiện tượng thối lầy mặt cắt. 

2. Làm đất
Đất mới lên liếp cao 25-30 cm, thoát nước tốt, xốc đất tơi xốp, sử dụng vôi bột diệt khuẩn, hạ phèn.  Đất cũ vừa thu hoạch khoai vụ này vừa đánh trở đất cho tơi xốp, vét sạch hai bên lối đi, sửa liếp cho bằng phẳng để chuẩn bị cho vụ sau. Sau 2-3 năm kênh sẽ cạn dần, nên vét lại kênh đưa đất lên liếp để đảm bảo độ cao của liếp và độ sâu của mương.

Phủ liếp là khâu quan trọng trong canh tác cây khoai mỡ nhằm hạn chế cỏ dại và sâu bệnh hại, giữ ẩm cho đất, giữ cấu trúc đất giúp củ dễ phát triển. Có thể phủ liếp trồng bằng cỏ hoặc bằng màng phủ nông nghiệp. Các nông hộ có diện tích trồng ít có thể sử dụng màng phủ để có thể xử lý tốt phần tàn dư của màng phủ sau khi thu hoạch không ảnh hưởng đến môi trường.

3. Khoảng cách trồng
Khoảng cách trồng thay đổi tùy theo loại đất và giống trồng, đối với đất mới là 50 x 50 cm, đối với đất cũ là 50 x 60 cm khi trồng giống khoai Tím; giống khoai Trắng Mộng linh củ to cần được trồng với khoảng cách thưa hơn. Trung bình 1.000 m2 đất liếp (không tính mương) trồng khoảng 3.000 mặt khoai.

4. Bón phân
- Lượng phân bón trung bình cho 1 ha giống khoai Tím gồm: 400 kg hữu cơ vi sinh, 310 kg Ure, 110 kg DAP, 200 kg NPK (20 – 20 – 15) và 100 kg KCl, tương đương công thức 200N : 90P2O5 : 90K2O.
Cách bón:
+ Bón lót trước trồng 1 ngày: Toàn bộ phân hữu cơ.
+ 20 – 25 NST (ngày sau trồng): 60 kg Ure + 70 kg DAP + 100 kg NPK (20 – 20 –15).
+ 40 – 45 NST: 130 kg Ure + 40 kg DAP + 50 kg NPK (20 – 20 –15) + 30 kg KCl.
+ 60 – 65 NST: 120 kg Ure + 30 kg NPK (20 – 20 – 15) + 30 kg Kali.                   
+ 80 – 85 NST: 20 kg NPK (20 – 20 – 15) + 40 kg Kali.     
Giai đoạn đầu bón có thể bón theo hốc trồng, giai đoạn sau bón rải đều trên mặt liếp, cần kết hợp với tưới nước để nâng cao hiệu quả của phân bón.
Lượng phân bón trên có thể tăng hay giảm tùy theo điều kiện đất và sự phát triển của cây. Giai đoạn 75, 85,  90 ngày sau trồng có thể  phun phân bón lá chứa hàm lượng kali cao để khoai dễ tạo củ.
- Đối với giống khoai Trắng Mộng linh, lượng phân hóa học có thể bón cao hơn 10% so với giống khoai Tím, cách bón cũng tương tự.

5. Phòng trừ sâu bệnh
Sâu đất hay sâu xám (Agrotis ypsilon): Sâu non mới nở gặm lấm tấm biểu bì cây, sâu lớn tuổi sống dưới đất ban đêm bò lên cắn phá dây lá khoai, sâu làm nhộng dưới đất. Phòng trị bằng thuốc chứa hoạt chất Lufenuron, Chlorfluazuron, Abamectin,…
Rệp sáp (Planococcus sp.): Rệp sáp trên mình có phủ lớp sáp trắng, cả ấu trùng và thành trùng đều hút nhựa cây trên lá, dây, rễ và củ khoai, làm lá vàng, củ khoai không phát triển. Rệp còn là môi giới truyền virus. Rệp sáp gây hại dưới mặt đất nên khó kiểm soát bằng thuốc hóa học.
Phòng ngừa rệp sáp bằng biện pháp canh tác rất có hiệu quả: Xử lý đất bằng cách phơi ải 5 ngày hoặc ngâm nước 2 ngày kết hợp thuốc chứa hoạt chất Clothianidin, sau đó bón vôi, sau 2 ngày tiến hành rải chế phẩm nấm Paecilomyces sp. Sau khi trồng khoai, sử dụng SOFRI trừ kiến 2 tuần/lần để quản lý kiến. Cần quản lý cây ký chủ phụ của rệp sáp là cây cỏ mồm (thường được sử dụng để phủ líp) và cây tràm (nơi rệp sống cộng sinh với kiến hôi đen). Khi phát hiện rệp sáp có thể sử dụng thuốc chứa hoạt chất Spirotetramat, Buprofezin, Cyantraniliprole; Clothianidin… kết hợp Surfactant Siloxane Alkoxylate (Thần hổ, ...).
Sâu xanh da láng (Spodoptera exigua): Sâu có màu xanh lục, 2 sọc vàng nâu chạy dọc 2 bên thân, trơn láng. Sâu phá hại nặng và kháng thuốc. Sâu đẻ mỗi ổ 20 – 30 trứng có phủ lông trắng.  Sử dụng thuốc chứa hoạt chất Emamectin benzoate, Chlorfluazuron, Flubendiamide… phun vào chiều tối.
Bệnh cháy lá: Bệnh do nấm Corticium sp. gây hại, vết bệnh xuất hiện trên lá và thân. Trên lá vết bệnh màu xanh nhạt, hơi tròn rồi chuyển sang nâu, điều kiện ẩm độ cao vết bệnh có lớp mốc trắng phủ. Trên dây vết bệnh lõm dài và khuyết vào thân có màu xanh xám. Bệnh gây cháy rụi cả lá và thân, gây thất thu năng suất. Cần bón phân cân đối NPK, không bón dư đạm, không trồng dày, thoát nước tốt. Phun thuốc khi bệnh mới chớm, sử dụng thuốc chứa hoạt chất Chlorothalonil, Tricyclazole, Difenoconazole+ Propiconazole, Hexaconazole…
Bệnh thối khô (mục) đầu củ: Bệnh do tuyến trùng Pratylenchus sp và một số loại nấm gây ra, lây truyền qua củ giống. Bệnh gây hại trên đồng sau đó tiếp tục phát triển hoặc xâm nhập gây bệnh ngay trong thời gian bảo quản. Bệnh cũng thường xuất hiện sau một vài cơn mưa đầu mùa. Triệu chứng thường được nhìn thấy trên củ vào lúc thu hoạch, trên bề mặt củ có các vết hoại tử nông hay sâu trên đầu củ và lan dần xuống giữa củ, các vết này có màu nâu hay đen và khô bên dưới lớp biểu bì củ.
Để phòng bệnh nên xử lý củ giống bằng nước nóng 52 - 54oC trong 40 phút, sử dụng củ giống sạch bệnh, vệ sinh đồng ruộng, bón phân và tưới nước hợp lý, thu hoạch đúng thời vụ, không lưu củ quá lâu trên đồng.
Bệnh thối mềm củ: Bệnh do nhiều loại nấm gây ra, trên củ vết thối sậm màu hoặc có lớp mốc trắng hay màu xanh xám do các loại nấm phủ lên. Nấm bệnh lưu tồn trong củ giống, trong kho vựa lan truyền qua hom giống. Phòng trị bằng cách loại bỏ củ giống nhiễm bệnh, xử lý củ giống trước khi trồng.

6. Thu hoạch và bảo quản
Khoai mỡ trồng bán hàng hóa có thể thu hoạch sau trồng 4 – 4,5 tháng. Khoai làm giống nên thu hoạch sau 5 – 6 tháng trồng. Trước khi thu hoạch 5 ngày nên tưới nước ẩm để đất mềm dễ thu hoạch.
Khi bảo quản củ khoai cần chọn nơi khô mát, phun thuốc sát trùng trong kho và rắc vôi bột lên nền. Chất khoai thành đống cách mái che khoảng 1 m cho thông thoáng, củ được chất hơi nghiêng để tránh đọng nước gây thối hỏng.
Nếu có điều kiện, áp dụng cách bảo quản sau đây có thể giảm thiệt hại hơn 10% so với việc bảo quản thông thường: Khoai được rửa và để khô ở nhiệt độ phòng, sau đó đặt khoai trong môi trường xơ dừa, phủ lên trên bằng bao lưới PP, trữ ở nhiệt độ phòng. Sau 1 tuần lấy khoai ra, gạt bỏ lớp xơ dừa trên bề mặt khoai và ngâm khoai vào trong dung dịch GA3 1.500 ppm kết hợp chitosan 0,1% trong 2 phút, vớt ra, để khô ở nhiệt độ phòng và đóng gói trong thùng carton, bảo quản ở nhiệt độ phòng (30+2oC). Cách này có thể bảo quản khoai đến 12 tuần.

Tác giả bài viết: TS. Trần Kim Cương

Nguồn tin: Phòng KH&HTQT - SOFRI

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,841,574
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay2,432
  • Tháng hiện tại57,183
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây