Một số bệnh hại cần lưu ý trong và sau mùa mưa bão

Thứ năm - 15/10/2020 07:59   3086
Bệnh là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến sức khỏe cây trồng. Các nhân tố khác bao gồm sâu hại, cỏ dại, dinh dưỡng, thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng đất, lịch sử cây trồng và môi sinh.
Bệnh đốm rong trên lá
Bệnh đốm rong trên lá
I. Điều kiện để bệnh phát sinh phát triển
Để bệnh phát sinh và phát triển cần có 03 yếu tố đó là mầm bệnh, môi trường và sức khỏe cây trồng. Chu kỳ khí hậu hàng năm bao gồm những giai đoạn rất ẩm ướt và những giai đoạn quá khô. Khí hậu như vậy có thể gây sốc cho cây trồng và tạo điều kiện thuận lợi cho một số bệnh, nhất là bệnh trên rễ và thân cây gây ra bởi các tác nhân tồn tại trong đất.
Điều kiện về môi trường: Sau đợt khô hạn, các trận mưa giúp cây ra các đợt chồi và lá non liên tục, ngay cả nụ hoa và trái non.
Bào tử nấm được sản sinh ra nhiều và liên tục trong điều kiện mưa nhiều và điều kiện ẩm ướt kéo dài. Bào tử nấm được lưu tồn khá lâu trên mô bệnh, được phát tán nhờ giọt nước mưa bắn lên và nhờ gió mang đi hay côn trùng giúp phát tán nguồn bệnh đến các bộ phận khác; điều kiện ẩm ướt của không khí thúc đẩy mầm bệnh nẩy mầm và xâm nhiễm vào các bộ phận non gây ra các bệnh trên tán lá.
Điều kiện đất và nước rất đặc trưng cho vùng ĐBSCL giữ vai trò rất quan trọng đối với bệnh thối rễ cây ăn trái. Đất có thành phần sét cao trong sa cấu tạo ra tình trạng tế khổng trong đất rất nhỏ, làm cho đất khó thoát nước sau các đợt mưa dài ngày vào giữa và cuối mùa mưa. Đất bị nước chiếm các tế khổng lâu dài nên rơi vào tình trạng yếm khí do oi nước. Tình trạng này kéo dài làm cho rễ cây trồng cạn phải hô hấp yếm khí lâu dài, các chất độc do các tiến trình sinh hóa trong tế bào rễ sinh ra, không được oxít hoá để giải độc, tích lũy trong tế bào và gây ngộ độc cho tế bào.
Lượng mưa cao, đất ẩm ướt, thoát nước kém, úng ngập cục bộ tạo điều kiện cho bệnh gây hại nghiêm trọng hơn ví dụ nấm Fusarium solani cần có điều kiện gây hại là đất bị oi nước lâu dài thì bệnh mới phát triển mạnh; đặc biệt là việc lây lan mầm bệnh trong đất (tuyến trùng, nấm Phytophthora spp., ...) theo dòng nước. Do đó, mưa bão là điều kiện môi trường thuận lợi để bệnh trên tán lá (bệnh thán thư, bệnh thối trái, bệnh nấm hồng, bệnh đốm rong, …) phát sinh phát triển mạnh.
Sau mùa mưa, trời trở (lập) đông khí hậu mát mẻ hay lạnh là điều kiện thích hợp cho “nhóm nấm không thật” (Oomycetes) tấn công và gây hại ví dụ như nấm Phytophthora spp. gây xì mủ thân trên sầu riêng, bệnh sương mai hại dưa hấu, nho, ...; khí hậu khô hanh và lạnh là điều kiện thích hợp cho bệnh phấn trắng gây hại trên chôm chôm, xoài, dưa lưới, hoa hồng, ...
Yếu tố mầm bệnh:
Khi có điều kiện mưa bão thích hợp, các nguồn bệnh sơ cấp (trong đất hay bộ phận cây bị nhiễm bệnh) và nguồn bệnh thứ cấp (lây lan qua nước mưa, gió, côn trùng, …) sẽ xâm nhiễm trực tiếp vào các chồi, lá non hay rễ hay thông qua vết thương do cơ học hay của côn trùng.
Yếu tố cây trồng:
Những vườn được trồng mật độ cao, tán cây dày đặc, được quản lý kém, có ẩm độ cao, thiếu thông thoáng sẽ bị các bệnh trên tán lá gây hại nặng vào mùa mưa bão.
Các vườn cây để trái quá nhiều hay vừa trải qua đợt hạn mặn, cây suy kiệt, được chăm sóc kém, rất dễ nhiễm bệnh kể cả chết nhánh và thối rễ, rất khó phục hồi và có thể gây chết hàng loạt.
II. Một số bệnh phổ biến trong và sau mùa mưa bão
Bệnh thán thư do nấm Colletorichum spp. gây ra trên lá, hoa, quả và ngay cả sau thu hoạch. Bệnh làm cho cây suy yếu, ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, giảm chất lượng quả.
Bệnh nấm hồng do nấm Corticium spp. tấn công trên cây có múi, mít, dâu, măng cụt, chôm chôm, nhãn, ổi, ca cao, cà phê, khế, hồ tiêu, cao su, …. Bệnh gây chết cành, ngọn làm cây mất tán lá, khiến ánh sáng mặt trời có thể xâm nhập vào trong tán, có thể gây phỏng nắng hay nứt vỏ trên thân và cành chưa thích nghi được với điều kiện ánh sáng đầy đủ. 
Bệnh nấm bồ hóng do nấm Capnodium spp. tấn công trên nhiều loại cây ăn quả (xoài, na, mãng cầu xiêm, cây có múi, ổi, …).  Bệnh có thể làm giảm khả năng quang hợp và hô hấp của bộ phận bị chúng bao phủ, làm giảm mức độ hấp dẫn và vẻ ngoài của sản phẩm khiến chúng bị giảm giá trị; làm bẩn nước quả khi quả nhiễm bệnh được đem chế biến.
Bệnh đốm rong do tảo Cephaleuros virescens tấn công trên cây bơ, mít, sầu riêng, khế, cây có múi, nhãn, vải, măng cụt, chôm chôm, .... gây hại chủ yếu trên là và cành, làm cho cây sinh trưởng chậm, lá rụng sớm.
Bệnh thối vỏ chảy nhựa do nấm Phytophthora spp. tấn công trên cây mít, sầu riêng, ca cao, cây bưởi,… gây hại chủ yếu trên thân chính hay cành nhánh, dễ làm cho cây bị chết.
Bệnh thối rễ do nấm Phytophthora spp. hay Fusarium spp., …tấn công trên cây cây có múi, mít, sầu riêng, … gây hại chủ yếu trên hệ thống rễ cây làm cho cây sinh trưởng kém, suy yếu, còi cọc; lá vàng nhợt nhạt, héo úa và rụng dần, ... Rễ tơ và rễ cái đều bị hoại tử, biểu hiện thường thấy là thối lốm đốm phần vỏ rễ trước,....
III. Nguyên tắc chung để phòng trị
- Thiết kế vườn đúng quy cách: lên liếp mô cao ráo; tạo rãnh, cống thoát nước tốt.
- Trồng cây với mật độ thích hợp, tránh trồng quá dày đặc.
- Tạo vườn cây thông thoáng thông qua tỉa cành sâu bệnh, cành vô hiệu, cành sát mặt đất nhằm tạo tán giúp giảm ẩm độ không khí và độ ẩm đất trong vườn.
- Tỉa bỏ trái bị bệnh còn treo trên cây, tỉa bỏ trái tiếp xúc trực tiếp với đất, rác lá.
- Vệ sinh vườn: thu dọn nguồn bệnh (thân, cành, lá, trái và nhất là rễ bị bệnh trên mặt đất trong vườn) và tạo hố tiêu hủy.
- Rải vôi toàn vườn, 2 lần trong năm cho các vườn ở đồng bằng sông Cửu Long
- Bón phân cân đối về hàm lượng đạm, lân và kali; với những vườn cây đang bị bệnh cần giảm bớt lượng phân đạm. Nếu bị bệnh nặng có thể ngưng hẳn việc bón phân đạm, chờ đến khi hết bệnh mới bón đạm trở lại, đồng thời bón bổ sung thêm phân lân và kali.
- Bón phân hữu cơ oai mục đặc biệt là phân gà kết hợp với các chế phẩm sinh học đối kháng như Trichoderma, …
- Kiểm tra vườn cây thường xuyên để phát hiện sớm chỗ bị bệnh khi chúng còn chưa lan rộng.
- Những vườn bị bệnh từ năm trước nên chú ý phòng trừ khi vào mùa mưa; khi bệnh vừa xuất hiện cần phun trị ví dụ như bệnh thán thư phun thuốc có hoạt chất Propineb hay Difenoconazole, … hay phun thuốc gốc đồng cho bệnh nấm hồng, bệnh ghẻ, …
- Khi phát hiện trong vườn chỉ có một vài cây hay cành bị bệnh thối vỏ, chảy nhựa hay bệnh nấm hồng hay bệnh chết cành thì cần: cạo sạch vết bệnh (bệnh thối vỏ, chảy nhựa) hay cắt ngay bên dưới (cách vết bệnh 10 – 20 cm), mang ra khỏi vườn, phơi khô & đốt. Vết cắt nên được bôi với keo chống thấm trộn với thuốc trừ nấm Isoprothiolane (Fuan) theo tỷ lệ 1:1; xung quanh cây bệnh và trên đường mang cây bệnh ra khỏi vườn nên được phun với thuốc gốc đồng hoặc isoprothiolane; thay thế bằng thuốc Dimethomorph (Insuran) cho các bệnh do Phytophthora spp. hay Pythium spp. gây ra 
- Khi cây bị bệnh thối rễ xuất hiện trên vườn cần khoanh vùng cây nhiễm bệnh, cần cô lập, cách ly để tránh sự phát tán của tuyến trùng, nấm từ vườn này sang vườn khác thông qua dòng nước.
- Khi cây trong vườn bị bệnh nặng cứu chữa không kinh tế thì cần nhổ bỏ, tiêu hủy toàn bộ rễ cây nhằm giảm thiểu tối đa mầm bệnh sinh sôi trong rễ, trong đất; cho đất nghỉ vài tháng đến một năm rồi trồng lại nhưng tránh trồng ngay vị trí củ.
- Trường hợp cây bị bệnh thối rễ có thể cứu chữa thì cần xác chính xác tác nhân để lựa chọn thuốc trị mang lại hiệu quả cao như nấm Phytophthora spp. hay Pythium spp. thì sử dung thuốc Metalaxyl hay Dimethomorph; hay tuyến trùng thì sử dụng Fluopyram (Velum), Abamectin & Thiamethoxam (Solvigo),...

Tác giả bài viết: ThS. Đặng Thùy Linh

Nguồn tin: SOFRI

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,807,963
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay1,186
  • Tháng hiện tại23,572
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây