NHIỀU THÀNH TỰU NỔI BẬT
Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), tiền thân là Trung tâm Cây ăn quả Long Định, là một Viện nghiên cứu trực thuộc Bộ NN-PTNT, được thành lập từ ý kiến chỉ đạo trực tiếp của đ/c Võ Văn Kiệt khi làm Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 116/TTg ngày 26/3/1994). Trong 20 năm qua, Viện đã đạt được những thành tựu lớn, sánh vai với nhiều đơn vị nghiên cứu KHCN khác trong sự nghiệp vẻ vang phục vụ NN&PTNT. Chính những thành tựu đó làm cho Viện thành danh và đang ngày càng phát triển nhanh, bền vững.
SOFRI có trụ sở chính tại tỉnh Tiền Giang (31 ha) và chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu (476 ha), với những trang thiết bị hiện đại, nhất là có một đội ngũ các nhà khoa học hùng hậu với 9 tiến sĩ, 29 thạc sĩ đa dạng chuyên ngành như: di truyền và lai tạo giống, CNSH, sinh lý thực vật, nghề vườn, côn trùng học, bệnh học, công nghệ sau thu hoạch... Hầu hết các cán bộ đều trẻ, tâm huyết và có trình độ chuyên môn sâu rộng, tay nghề ngày một thành thạo, có nhiều công trình nghiên cứu triển khai về tạo chọn giống cây ăn trái, CNSH, kỹ thuật canh tác, BVTV, công nghệ sau thu hoạch, rau hoa cảnh và nghiên cứu thị trường.
Qua nhiều năm, với đóng góp của Viện, các tỉnh trong khu vực đã hình thành được một số vùng sản xuất trái cây đặc sản hàng hóa tập trung như: xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang và TP.Cần Thơ); xoài cát Chu (Đồng Tháp); bưởi Năm Roi (Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng); bưởi da xanh (Bến Tre); quýt Hồng Lai Vung (Đồng Tháp); thanh long (Tiền Giang, Long An, Bình Thuận)…Đặc biệt, trong thời gian qua SOFRI đã nghiên cứu chọn tạo được khoảng 13 dòng/giống rau, hoa, quả mới được Bộ NN-PTNT công nhận, đưa vào trồng khá phổ biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân như cam mật không hạt, thanh long ruột đỏ Long Định 1, dứa Cayenne Long Định 2, giống thanh long ruột tím hồng Long Định 5... Trong đó, nổi bật nhất là giống thanh long Ruột đỏ Long Định 1, giống thanh long này đã được trồng phổ biến từ miền Nam đến miền Bắc với diện tích hơn 500 ha. Sản phẩm “Giống thanh long Ruột đỏ Long Định” đã đạt Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ nhất của Bộ NN-PTNT, năm 2012. Riêng giống thanh long Ruột tím hồng LĐ 5 đã được Văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng - Cục Trồng trọt cấp giấy chứng nhận bảo hộ giống cây trồng và đã chuyển nhượng quyền khai thác giống thanh long này cho Cty TNHH Hoàng Hậu (Bình Thuận) vào năm 2013, bảo vệ bản quyền giống quốc tế và Việt Nam sẽ có lợi thế độc quyền phân phối sản phẩm này.
Bên cạnh đó, thông qua các hội thi trái ngon - an toàn do Viện tổ chức cũng đã phát huy hiệu quả của giống cây ăn quả bản địa. Thông qua các phương tiện truyền thông nhiều giống cây ăn quả đặc sản của vùng trở nên nổi tiếng hơn ở cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, SOFRI còn nghiên cứu và đưa ra nhiều quy trình canh tác, BVTV, xử lý sau thu hoạch hỗ trợ đắc lực cho sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái. Nhiều mặt hàng trái cây chủ lực của ĐBSCL được mùa, được giá, nông hộ thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa năng suất cao.
TẬP TRUNG ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ KHOA HỌC
Khi mới thành lập 1994, lực lượng cán bộ nghiên cứu có khoảng 20 người với 4 cán bộ có trình độ trên đại học thuộc 3 chuyên ngành nông học, sinh lý thực vật và tuyến trùng học. Vì thế, SOFRI luôn coi việc đào tạo cán bộ là hoạt động ưu tiên hàng đầu.
Từ quan hệ quốc tế, Viện đã bắt đầu gửi cán bộ đi đào tạo sau đại học từ nhiều nguồn khác nhau, như: Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Pháp, Newzealand, Mỹ, Úc... Thông qua kênh hợp tác này, các cán bộ được gửi đi đào tạo đã trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học và có những đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành rau, hoa và quả ở các tỉnh phía Nam. TS.Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng SOFRI cho biết: “Trong giai đoạn này Viện chúng tôi được giao thực hiện 8 nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước gồm các dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình bảo tồn nguồn gen CAQ; Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực NN&PTNT đến năm 2020; Chương trình CNSH nông nghiệp, thủy sản thực hiện từ năm 2012; Đề tài hợp tác theo nghị định thư với New Zealand; Đề tài thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.06/11-15 và Dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước KC.06/11-15. Ngoài ra Viện còn được giao nhiều nhiệm vụ cấp Bộ, cơ sở và hợp tác với các tỉnh phía Nam làm đề tài khác...”.
Theo ông Hòa, hiện SOFRI đang tập trung cho các mục tiêu nghiên cứu giải quyết những vấn đề KHCN về cây ăn quả, rau, hoa và cây cảnh cho các tỉnh miền Nam. Trên cơ sở đó, Viện tích cực chuyển giao qui trình kỹ thuật, tiến bộ khoa học mới ở các khâu: chọn tạo, nhân giống, kỹ thuật canh tác, BVTV, thu hái, bảo quản và chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, Viện còn đào tạo bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực về nghiên cứu ứng dụng khoa học vào lĩnh vực thâm canh cây ăn trái cho các tỉnh, thành phía Nam nhờ lực lượng cán bộ khoa học hùng hậu của đơn vị.
Không dừng lại ở đó, Viện còn thông qua nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật canh tác, trên lĩnh vực BVTV, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch nhằm nâng cao vị thế nghề làm vườn nói chung tại các tỉnh phía Nam tương xứng với tiềm năng. Viện đi tiên phong trong việc chuyển giao sản xuất theo mô hình GAP trong hàng chục năm qua đã mang lại kết quả tốt, tạo bước ngoặt trong chương trình kinh tế vườn các tỉnh phía Nam với 3 mô hình đạt tiêu chí GlobalGAP đầu tiên trên cây thanh long Bình Thuận, xoài cát Hòa Lộc (Nông trường Sông Hậu), chôm chôm Vĩnh Long và 19 mô hình rau quả các loại đạt tiêu chí VietGAP. Trước đây, do hạn chế về kỹ thuật thâm canh và các biện pháp bảo vệ thực vật nên sâu bệnh thường “tấn công”, tàn phá các vườn cây ăn quả có múi. Để góp phần giúp bà con khắc phục tình trạng trên, Viện đã nghiên cứu thành công và chuyển giao chế phẩm phòng trừ ruồi đục quả SOFRI-Protein, qui trình trồng cam xen ổi hạn chế rầy chổng cánh, xác định thời điểm thích hợp trong năm để trồng cây ăn quả có múi nhằm đối phó bệnh vàng lá Greening một cách hữu hiệu. Viện còn nghiên cứu tìm được gốc ghép cây có múi chịu hạn, phèn, mặn. Ngoài ra, Viện cũng đúc kết thành công qui trình xác định độ chín thích hợp để thu hoạch xoài, thanh long, sầu riêng, măng cụt đúng thời điểm; nghiên cứu tăng được thời gian bảo quản quả thanh long từ 30 ngày lên 60 ngày; chuẩn hóa qui trình xử lý hơi nóng diệt trứng ruồi trên thanh long, xoài, măng cụt phục vụ chương trình xuất khẩu nông sản.
Hiện nay, Viện Cây ăn quả Miền Nam tiếp tục xác định những bước đi quan trọng cho giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn 2020. Đó là, tập trung nghiên cứu, chọn tạo các giống thanh long, cây có múi, dứa, xoài, nhãn, sầu riêng và các giống cây ăn quả đặc sản thế mạnh của vùng và khu vực phía Nam có ưu điểm về năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, đạt tiêu chí xuất khẩu và thích ứng biến đổi khí hậu. Hoàn thiện và phổ cập rộng rãi trong toàn vùng qui trình sản xuất rải vụ theo hướng GAP trên trái cây cũng như rau và cây cảnh; tiếp tục nghiên cứu biện pháp BVTV an toàn, giải quyết các vấn đề về bệnh cây, quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ăn quả - rau - hoa - cây cảnh. Đặc biệt, Viện đang tập trung vào hai lĩnh vực mới: nghiên cứu thị trường tiêu thụ nông sản, kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch và nghiên cứu về rau - thế mạnh quan trọng của các tỉnh ĐBSCL đang được khai thác tốt nhằm phục vụ “Tam nông”. Từ đó, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, thiết thực giúp nông dân khai thác tiềm năng kinh tế để làm giàu. Giúp cho diện mạo kinh tế vườn các tỉnh phía Nam đang thay đổi, sang một trang mới với tương lai tươi sáng hơn.
Tác giả bài viết: Minh Sáng
Nguồn tin: NNVN