Kỳ 2: Giống nhãn, xoài kháng bệnh

Thứ ba - 29/06/2021 23:05   841
Nhãn ở ĐBSCL từng điêu đứng vì bệnh chổi rồng, nay đã có giống LĐ11 ‘khắc tinh’. Xoài ở ĐBSCL ngon nhưng xuất khẩu khó vì vỏ mỏng dễ hỏng, nay đã có giống LĐ12…

Giống nhãn LĐ11 “khắc tinh” bệnh chổi rồng

Chúng tôi tới Viện SOFRI, đúng thời điểm “cánh đồng khảo nghiệm” những giống nhãn, xoài mới đang chuẩn bị đến ngày thu hoạch trái chín. Thành quả rất đáng ghi nhận khi những cây nhãn, xoài với nhiều ưu điểm nổi trội không hề có biểu hiện của bất cứ loại sâu bệnh gì. Những chùm nhãn, xoài sum xuê trái to bóng mọng lúc lỉu trên cành cây, lá cây còn xanh mướt rợp bóng.

'Cánh đồng khảo nghiệm' của Viện SOFRI đang khảo nghiệm những giống nhãn, xoài mới để chuyển giao cho các địa phương. Ảnh: MS.
“Cánh đồng khảo nghiệm” của Viện SOFRI đang khảo nghiệm những giống nhãn, xoài mới để chuyển giao cho các địa phương. Ảnh: MS

Ths. Đoàn Thị Cẩm Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (SOFRI) dẫn chúng tôi vào thăm quan “cánh đồng khảo nghiệm” hào hứng chia sẻ: “Để nhân rộng giống nhãn LĐ11 vào sản xuất cho hiệu quả cao, chúng tôi đã phải nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống, quy trình sản xuất thử nghiệm và thâm canh giống nhãn này cho các tính phía Nam”.      

Nhãn từng là giống cây ăn trái chủ lực được trồng khá phổ biến ở vùng ĐBSCL, trong đó giống nhãn tiêu da bò (tiêu huế) vẫn chiếm đa số vì đạt năng suất cao. Tuy nhiên, giống này có nhược điểm hạt to, cơm mỏng. Bên cạnh đó, trong thời gian qua do “cơn lốc” bệnh chổi rồng tàn phá các vườn nhãn khiến diện tích trong những năm gần đây bị giảm mạnh.

Để giải quyết khó khăn trên, Viện SOFRI đã tích cực tìm giải pháp nghiên cứu lai tạo giống nhãn có cơm dày, hạt nhỏ và năng suất cao, có khả năng chống chịu được bệnh chổi rồng để giúp các nhà vườn khôi phục lại vườn trồng đã bị thiệt hại. Từ tổ hợp lai cổ điển giữa giống nhãn tiêu da bò (làm mẹ) và giống nhãn xuồng cơm vàng (làm bố) cho ra đời giống nhãn lai LĐ11 mang nhiều ưu điểm vượt trội so với giống nhãn “bố mẹ”.

Giống nhãn lai LĐ11 do Viện SOFRI nghiên cứu lai tạo mang nhiều ưu điểm vượt trội so với giống nhãn 'bố mẹ'. Ảnh: Trần Trung.
Giống nhãn lai LĐ11 do Viện SOFRI nghiên cứu lai tạo mang nhiều ưu điểm vượt trội so với giống nhãn “bố mẹ”. Ảnh: Trần Trung.

Giống này được chọn lọc từ 91 cá thể lai, khảo sát năng suất chất lượng các cá thể lai tuyển chọn và trồng khảo nghiệm tại tỉnh Tiền Giang. Mô hình thử nghiệm giống nhãn mới LĐ11 trên gốc nhãn tiêu da bò tiếp tục được SOFRI tiến hành ghép cải tạo trên vườn nhãn của ông Huỳnh Công Đức, ở xã Tam Hiệp (với diện tích 0,3 ha) và sản xuất thử nghiệm thêm ở xã Phú Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre).

Theo ông Huỳnh Công Đức, thực tế thu hoạch cho thấy, hình dạng màu sắc bên ngoài của trái nhãn LĐ11 gần giống như nhãn tiêu da bò, chùm quả đóng khít, cuống to. Trọng lượng trái lớn hơn nhãn tiêu da bò, khoảng 75 - 80 trái/kg. “Qua thời gian theo dõi tôi thấy giống nhãn mới này thích nghi khá tốt, có khả năng sinh trưởng mạnh hơn giống nhãn tiêu da bò. Tán cây cũng phát triển nhanh, tròn đều và quan trọng là tỉ lệ bị nhiễm bệnh chổi rồng rất ít”, ông Đức chia sẻ.

Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre kiểm tra mô hình trồng nhãn LĐ11 tại địa phương. Ảnh: Viện CAQ cung cấp.
Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre kiểm tra mô hình trồng nhãn LĐ11 tại địa phương. Ảnh: Viện CAQ cung cấp.

Tương tự, ông Võ Thành Lân, ấp Phú Thạnh, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại cũng cho hay, trên diện tích 1 ha vườn, gia đình ông trồng được 400 gốc nhãn tiêu da bò, nhưng trước kia bị bệnh chổi rồng khá nặng (khoảng 50% diện tích). Tuy nhiên, khi được Viện SOFRI chuyển giao giống nhãn mới LĐ11 trồng thử nghiệm thấy tỉ lệ bệnh chổi rồng rất ít và cho năng suất cao hơn gấp đôi giống tiêu da bò. Ông Lân tâm sự: “Đây là năm thứ 3 tôi trồng giống nhãn mới LĐ11 của Viện SOFRI hỗ trợ giống và kỹ thuật tháp (ghép) trên gốc nhãn tiêu da bò. Tháng 11/2020 tôi đã thu hoạch được vụ đầu tiên, thấy giống nhãn này cơm dày, ngon và thị trường ưa chuộng nên bán được giá cao hơn giống nhãn cũ”. Theo ông Lân, vụ thu hoạch nhãn LĐ11 vừa qua được 9 tấn trái, ông bán được giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Hiện, vườn nhãn nhà ông đang xử lý ra hoa, đến khoảng tháng 10 âm lịch sẽ thu hoạch vụ tiếp theo.    

Giống nhãn mới LĐ11 của Viện SOFRI hỗ trợ giống và kỹ thuật tháp (ghép) trên gốc nhãn tiêu da bò cho bà con nông dân tỉnh Bến Tre. Ảnh: Viện CAQ cung cấp.
Giống nhãn mới LĐ11 của Viện SOFRI hỗ trợ giống và kỹ thuật tháp (ghép) trên gốc nhãn tiêu da bò cho bà con nông dân tỉnh Bến Tre. Ảnh: Viện CAQ cung cấp.

Theo SOFRI, giống nhãn LĐ11 khắc phục được những nhược điểm của hai giống nhãn tiêu da bò và xuồng cơm vàng. Đặc điểm nổi bật của giống nhãn LĐ11 là cây sinh trưởng rất khỏe, tán lá dày, tỉ lệ đậu quả nhiều (trên 80%), thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch từ 145 -160 ngày. Với kết quả sản xuất thử nghiệm giống nhãn mới LĐ11 tại tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Tiền Giang cho thấy tính thích nghi khá tốt, chống chịu được bệnh chổi rồng.
Hiện giống LĐ11 đang được Viện SOFRI tiếp tục theo dõi thêm những đặc tính để có biện pháp canh tác phù hợp. Đây là giống nhãn có triển vọng thay thế những vườn nhãn tiêu da bò già cỗi, thường xuyên bị nhiễm bệnh chổi rồng nặng, góp phần trong công tác quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn trong tương lai. 

LĐ12 thêm “cánh cửa” cho xoài bay xa

Cũng giống như cây nhãn, cây xoài được trồng nhiều ở vùng ĐBSCL, trong đó có nhiều giống chất lượng quả ngon như xoài cát Hòa Lộc. Tuy nhiên, dù giống này trồng phổ biến nhưng vẫn còn nhược điểm cần phải cải thiện như vỏ xoài rất mỏng khiến hạn chế trong việc vận chuyển đi xa. Do đó, Viện SOFRI đã tiến hành lai tạo giống xoài này.

Cùng với giống nhãn LĐ11, Viện SOFRI cũng đã nghiên cứu thành công giống xoài vỏ dày LĐ12 chuẩn bị chuyên giao cho các địa phương trồng đại trà. Ảnh: Viện CAQ cung cấp.
Cùng với giống nhãn LĐ11, Viện SOFRI cũng đã nghiên cứu thành công giống xoài vỏ dày LĐ12 chuẩn bị chuyên giao cho các địa phương trồng đại trà. Ảnh: Viện CAQ cung cấp.

Cùng với giống nhãn LĐ11, Viện SOFRI cũng đã nghiên cứu thành công giống xoài vỏ dày LĐ12. Các giống xoài hiện có chủ yếu là kết quả từ lai giống tự nhiên và công tác lai tạo cải thiện giống xoài trong nước, được bắt đầu thực hiện bằng 2 phương pháp chính là lai cổ điển và xử lý tia gamma trên mầm ngủ. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu mới, các nhà khoa học của SOFRI đã ghi nhận được một số kết quả khả quan, tạo được nhiều con lai, dòng xoài có vỏ dày và chất lượng cao.

Cụ thể, giống LĐ12 được chọn tạo từ quần thể xoài con lai hữu tính giữa giống Vandyke x xoài cát Hòa Lộc. Qua 2 giai đoạn đánh giá từ quần thể xoài con lai và qua khảo nghiệm cho thấy khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa tương đương với giống xoài cát Hòa Lộc. Chất lượng quả ngọt, có độ Brix cao 20,2-23,8%; tỷ lệ thịt quả 72-84%, vỏ dày đạt 1,6 mm vượt trội hơn “giống mẹ” xoài cát Hòa Lộc (giống xoài cát Hòa Lộc 1,1 mm); sâu bệnh rất ít, khối lượng quả trung bình  323g - 499g và phẩm chất quả ngon. Đến nay, các nhà khoa học của Viện SOFRI đã nghiên cứu khảo nghiệm thành công giống xoài vỏ dày LĐ12 và được Bộ NN-PTNT công nhận cho sản xuất thử từ năm 2017 (Quyết định số 270/QĐ-BNN-TT, ngày 7/02/2017).  

Giống xoài vỏ dày LĐ12 đang trồng khảo nghiệm tại 'cánh đồng khảo nghiệm' của Viện SOFRI, đến nay được Bộ NN-PTNT công nhận. Ảnh: MS.
Giống xoài vỏ dày LĐ12 đang trồng khảo nghiệm tại "cánh đồng khảo nghiệm" của Viện SOFRI, đến nay được Bộ NN-PTNT công nhận. Ảnh: MS.

Hiện giống này đang được trồng thử nghiệm tại hai tỉnh Tiền Giang và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ths.Đào Thị Bé Bảy chia sẻ: “Bên cạnh công tác lai tạo, nhóm nghiên cứu chúng tôi cũng đã tiến hành tuyển chọn cây đầu dòng có nhiều đặc tính tốt trong quần thể giống xoài địa phương để phục vụ cho việc sản xuất và phát triển diện tích xoài ở các tỉnh phía Nam và vùng Duyên hải Nam Trung bộ”.

Theo Ths.Bảy, đến nay cũng đã có những giống chống chịu mặn, nhưng đối với riêng xoài, công tác nghiên cứu lai tạo ra giống vừa có phẩm chất ngon vừa chống hạn mặn thì cần phải có thời gian dài hơi. Vì thực tế không thể tổng hợp tất cả các giống có đặc tính tốt trong một giống ngay được. Hy vọng trong thời gian tới sẽ thực hiện các bước chọn vật liệu chống chịu được điều kiện mặn để có các tổ hợp lai.

"Trao đổi với NNVN, TS.Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện SOFRI cho biết:“Hiện đã có nhiều giống cây ăn quả do Viện nghiên cứu lai tạo đã khẳng định được năng suất, chất lượng cao, chống chịu mặn, thích ứng với điều kiện vùng ĐBSCL và được đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
Bộ NN-PTNT cũng vừa quyết định cho Viện triển khai dự án sản xuất thử nghiệm thêm 2 giống nhãn, xoài ở vùng ĐBSCL từ năm 2021 đến 2024. Vì thế, thời gian tới, 2 giống nhãn, xoài mới này sẽ được mở rộng diện tích nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu”.


 

Tác giả bài viết: MINH SÁNG - TRẦN TRUNG

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,341,933
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay5,967
  • Tháng hiện tại70,591
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây