Khi bản quyền giống dễ dàng bị 'đánh cắp'

Thứ năm - 09/03/2023 20:35   908
Bảo vệ bản quyền giống cây trồng tạo ra những động lực to lớn cho khoa học và sản xuất. Tuy nhiên, việc bảo vệ bản quyền giống lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bảo vệ bản quyền tạo ra những động lực lớn

Thời gian gần đây, việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với giống thanh long ruột đỏ  LĐ1 được Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo từ nguồn kinh phí tài trợ của ngân sách Nhà nước được dư luận hết sức quan tâm.

Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS): Hệ thống bảo hộ giống cây trồng sẽ tránh tình trạng các công ty giống chiếm đoạt các giống do các đối thủ cạnh tranh phát triển và nghiên cứu cũng như giúp cho các hệ thống nghiên cứu công lập (nhà nước) thiết lập cơ chế rõ ràng cho sản xuất và tiếp thị các giống của họ với hệ thống tư nhân.

GS TS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu về vấn đề bản quyền giống cây trồng và thương mại hoá giống cây trồng tại buổi làm việc với Viện Cây ăn quả Miền Nam. Ảnh: Minh Đảm.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu về vấn đề bản quyền giống cây trồng và thương mại hoá giống cây trồng tại buổi làm việc với Viện Cây ăn quả miền Nam. Ảnh: Minh Đảm.

Việc giao quyền đăng ký bảo hộ và thực thi quyền của chủ sở hữu bằng bảo hộ cho các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án là hết sức cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ. Nó có ý nghĩa quan trọng để giúp các tổ chức khoa học công nghệ công lập phát triển các giống cây trồng có chất lượng tốt bởi những lý do sau:

Thứ nhất, đây sẽ là động lực quan trọng để các tổ chức khoa học công nghệ công lập tập trung trí tuệ, nguồn lực để tạo ra các giống cây trồng có chất lượng tốt. Đồng thời, tạo động lực để thu hút đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách cho công tác nghiên cứu ra các giống cây trồng theo chủ trương xã hội hoá công tác nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, tạo nguồn thu cho các tổ chức khoa học công lập để từng bước thực hiện cơ chế tự chủ. Điển hình như hiện nay, nguồn ngân sách cấp để chi trả lương và hoạt động bộ máy của VAAS chỉ đáp ứng 54,3% so với nhu cầu thực tế.

Thứ ba, giúp chủ sở hữu có nguồn kinh phí để thực thi nghĩa vụ đối với giống cây trồng. Cụ thể như đóng phí duy trì bằng bảo hộ hằng năm; duy trì chất lượng, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống, chống thoái hoá giống.

Thứ tư, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tái đầu tư cho công tác nghiên cứu thông qua khoản thuế trích nộp từ thương mại giống cây trồng.

Empty

Giống vú sữa không mủ Mica đang được xem xét bảo hộ nhãn hiệu nhưng đã được nhân giống bán tràn lan ngoài thị trường. Ảnh: Minh Đảm.

Thứ năm, tạo quỹ bình ổn cho hoạt động nghiên cứu về giống cây trồng, đặc biệt là đối với các giống cây trồng lâu năm, đảm bảo duy trì hoạt động nghiên cứu thường xuyên, ổn định khi kết thúc các đề tài, dự án.

Thứ sáu, tạo động lực khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngoài lãnh thổ Việt Nam theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam và các công ước quốc tế, tránh mất bản quyền giống cây trồng, từ đó tạo động lực cho phát triển nền kinh tế tri thức.

Sểnh ra là bị "ăn cắp"

Mặc dù việc bảo vệ bản quyền giống cây trồng có rất nhiện nay rất quan trọng, tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được thực thi một cách nghiêm túc. Theo ông Nguyễn Văn Đoan, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam - Cục Trồng Trọt, các giống cây ăn trái dài ngày được lai tạo ra mất nhiều thời gian, không phải như giống lúa, ngô (thường chỉ 6 - 10 năm), mà ít nhất phải mất 15 năm, do đó việc duy trì bản quyền để kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Khi giống lọt ra bên ngoài, người dân nhân giống vô tính với số lượng rất lớn. Ông cũng nhìn nhận, hiện nay việc quản lý giống cây dài ngày đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cụ thể như trường hợp giống vú sữa tím không mủ Mica xuất phát từ một hộ kinh doanh cây giống ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Sau khi được công nhận cây đầu dòng, đơn vị này cũng hợp tác với HTX Hưng Khánh Trung B để xây dựng thương hiệu.

Vườn đầu dòng vú sữa Mica của ông Nguyễn Công Thành hợp tác với bà Nguyễn Thị Vinh. Ảnh: Minh Đảm.

Vườn đầu dòng vú sữa Mica của ông Nguyễn Công Thành hợp tác với bà Nguyễn Thị Vinh. Ảnh: Minh Đảm.

Trong đó, bà Nguyễn Thị Vinh, chủ Cơ sở Sản xuất Kinh doanh cây giống Ngọc Vinh, Giám đốc HTX Hưng Khánh Trung A (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) đã nộp đơn đăng ký bảo hộ tên giống vú sữa Mica với Cục Sở hữu trí tuệ. Bà Vinh nói việc này nhằm liên kết các nhà sản xuất cây giống với nhau để cùng đưa ra sản phẩm đồng nhất, chất lượng phục vụ cho bà con nông dân sản xuất.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ cơ quan chức năng cấp bằng bảo hộ thì giống vú sữa này đã được các nhà làm cây giống địa phương nhân ra rộng rãi, bán tràn ngập thị trường nhưng đa số không có cây đầu dòng, vườn đầu dòng. Do đó, giá bán giống vú sữa Mica từ 150.000 đồng/cây đã giảm xuống nhanh chóng, chỉ còn 20.000 đồng/cây. Tuy nhiên, chất lượng cây giống lại rất khó có thể kiểm soát được. Bên cạnh đó, còn có việc mạo danh cơ sở sản xuất, bán giống giả mạo tràn lan trên mạng xã hội.

Theo GS Nguyễn Hồng Sơn, Điều 31 của Luật Trồng trọt khẳng định chỉ những người đăng ký công nhận lưu hành giống hoặc tự công bố lưu hành giống thì mới được bán cây giống đó. TuyTheo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, bản quyền giống là vấn đề hết sức lo lắng hiện nay, nhất là đối với những cây trồng nhân giống bằng phương pháp vô tính.

Bản quyền giống, nhìn từ kinh nghiệm của Thái Lan

Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), giai đoạn 2011 - 2020, toàn VAAS đã thực hiện 227 nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến chọn, tạo giống cây trồng. Qua đó, đã có 390 giống cây trồng được công nhận lưu hành tại Việt Nam.

Mặc dù số lượng giống được công nhận khá lớn, nhưng số lượng giống có khả năng thương mại hóa và hợp tác khai thác bản quyền với các doanh nghiệp còn rất thấp. Trong 10 năm qua, chỉ có 79 giống được thương mại và chuẩn bị thương mại (chiếm 20,25%) tổng số giống được công nhận, bao gồm 6 giống cây ăn quả, 35 giống lúa, 38 giống ngô.

Empty

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn thăm vườn xoài vỏ dày LĐ12 tại Viện Cây ăn quả miền Nam. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, số lượng giống được chuyển giao của VAAS được thực hiện thông qua hình thức chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng (đối với các giống cây ăn quả và một số giống lúa) và chuyển giao quyền sử dụng, khai thác giống cho các doanh nghiệp.

Trong số 79 giống được thương mại, có 67 giống được chuyển giao cho các doanh nghiệp, 3 giống trong giai đoạn đàm phán, 8 giống được chuyển giao cho các đơn vị sự nghiệp có thu của nhà nước, 1 giống được chuyển giao cho nước bạn Lào.

Chủng loại giống cây trồng được thương mại chủ yếu là cây ngắn ngày gồm lúa và ngô. Đáng chú ý, số lượng các giống thuần, giống cây ăn quả, cây công nghiệp được chuyển giao rất hạn chế do không giữ được bản quyền nên các doanh nghiệp không muốn tiếp nhận.

GS Nguyễn Hồng Sơn cũng chia sẻ thêm: Điều 28 Chương 4 Luật Đường mía B.E 2527 của Thái Lan cũng chỉ rõ, việc sử dụng giống mía không phải là miễn phí. Theo đó, Chính phủ sẽ lập từ quỹ và một ủy ban để quản lý quỹ mía đường. Người trồng mía và các nhà máy đường sẽ phải trả chi phí nghiên cứu và phát triển sản xuất mía tính theo sản lượng mía cung cấp cho nhà máy, sản lượng đường sản xuất và sản phẩm theo quy định của hội đồng quỹ để sử dụng cho nghiên cứu, phát triển, mở rộng sản xuất, ứng dụng, thương mại mía và đường.

Empty

Cách quản lý và chi trả phí bản quyền giống mía của Thái Lan có thể xem là kinh nghiệm để Việt Nam nghiên cứu áp dụng. Ảnh: TL.

“Thực tế ở Thái Lan, người ta thu tiền bản quyền giống thông qua cân đường chứ không thể thông qua hom mía được. Bởi chỉ cần một cây mía, nông dân có thể chặt ra 10 hom, sau này là hàng trăm, hàng nghìn hom giống. Do đó, cần phải thu qua cân đường và hỗ trợ của Chính phủ”, GS Nguyễn Hồng Sơn nêu ví dụ.

Theo kinh nghiệm của VAAS, để tạo được một giống lúa chất lượng cao, từ khi lại tạo đến khi được công nhận lưu hành cần khoảng 10 năm nghiên cứu liên tục với kinh phí từ 16 - 20 tỷ đồng. Còn đối với cây ăn quả dài ngày thì phải cần thời gian liên tục tối thiểu 15 năm. Như vậy, để có được một giống tốt, có khả năng thương mại hoá và ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu tạo giống đủ dài, liên tục với lượng kinh phí đủ lớn và ổn định.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế cho thấy, nếu Việt Nam thực hiện tốt và Nhà nước có chính sách đảm bảo cho việc thu tác quyền từ giống cây trồng để lập quỹ bình ổn, hỗ trợ công tác nghiên cứu thì sẽ tạo động lực tốt để khuyến khích các nhà nghiên cứu tạo ra giống tốt, đồng thời bổ sung thêm kinh phí cho nghiên cứu, đủ để tạo ra giống tốt và giảm chi ngân sách.

Tác giả bài viết: Minh Đảm

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam:

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,339,041
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay5,531
  • Tháng hiện tại67,699
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây