HỢP TÁC ISRAEL-ĐÔNG NAM Á: KHI NÔNG NGHIỆP 'BẮT TAY' NGOẠI GIAO

Thứ tư - 29/06/2022 21:44   2232
Nền nông nghiệp phát triển không chỉ giúp Israel cải thiện kinh tế và nâng cao đời sống của người dân mà còn là một trong những công cụ ngoại giao đắc lực của đất nước này.

Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar giới thiệu công nghệ Watergen’s GEN-350 với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Hoàng Văn Thắng, tháng 11/2018. (Nguồn: Watergen)

Trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Fathom, ông Haim Shweky, Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Israel tại Việt Nam giai đoạn 2018-2019 đã kể lại khoảng thời gian công tác của mình và lý giải cách thức triển khai chính sách ngoại giao của Israel nhằm chia sẻ sự phát triển của Israel trong ý thức toàn cầu.

Một trong những mục tiêu địa chính trị của các cơ quan đại diện ngoại giao Israel là thu hút càng nhiều đồng minh ở nước ngoài càng tốt. Không chỉ với nước lớn, Israel sẵn sàng kết bạn với cả những quốc gia nhỏ, đang phát triển và không giáp biển như Lào, đất nước thuộc khu vực Đông Nam Á.

Các quốc gia bị khan hiếm tài nguyên giống như Israel trước đây thường coi đất nước này là một ví dụ điển hình về những gì họ có thể học hỏi, về cả kinh nghiệm và kiến thức.

Cuộc cách mạng công nghệ và kiến ​​thức chuyên môn được áp dụng như một cách để nâng cao vị thế của Israel thông qua việc nâng cao mức sống của người dân. Đây là một trong những nỗ lực vô cùng thiết thực và nhân văn.

Israel hy vọng rằng, những khoản đầu tư này sẽ cải thiện đời sống của người dân cũng như đảm bảo thiện chí và mối quan hệ với các đối tác.

Sáng tạo là tài nguyên

Với 50% diện tích là sa mạc, Israel vẫn vươn lên là một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững. Trong khó khăn, người Israel đã tìm ra được những phương thức đặc biệt để khiến cho những sa mạc “đơm hoa kết trái”.

Viện Nghiên cứu sa mạc Blaustein, có trụ sở tại Đại học Ben-Gurion, đã và đang nghiên cứu để làm chậm lại, thậm chí là đảo ngược quá trình sa mạc hóa. Thành công của họ vượt ngoài mong đợi và dường như chỉ kém kỳ diệu hơn một chút so với truyền thuyết nhà tiên tri Moses dùng cây quyền trượng của mình rẽ nước biển ra làm đôi để đoàn người Do Thái có thể băng qua, nổi tiếng trong Kinh thánh Công giáo.

Với địa hình chủ yếu là sa mạc và bán sa mạc, nước là thứ tài nguyên mà Israel luôn luôn thiếu và được coi là tài nguyên quốc gia. Mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp của đất nước này luôn xoay quanh chữ “tiết kiệm nước”. Do đó, việc công nghệ tưới nước nhỏ giọt ra đời được cho là sẽ phát huy công dụng tốt nhất.

Kỹ sư tài nguyên nước Israel Simcha Blass là người đã phát hiện và hoàn thiện “kỹ thuật tưới nhỏ giọt”.

Ông nhận ra rằng, việc cung cấp một lượng nước nhỏ, thích hợp với nhu cầu của từng loại cây một cách chậm và đều đặn sẽ giúp cây phát triển tốt ngay cả trong những điều kiện khí hậu khô nóng như tại Israel.

Quá trình này đã được đồng bộ hóa bằng máy tính, mang đến độ phủ sóng rộng và chính xác.

Cụm từ "làm cho sa mạc nở hoa" có thể sẽ có đôi phần khó tin, nhưng khi nhìn vào các cửa hàng hoặc chợ, đầy rẫy sản phẩm và sữa của Israel, người ta phải thừa nhận rằng không có gì là không thể.

Quốc gia này đang chuyển giao công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực cũng như hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho các nước có điểm tương đồng về điều kiện khí hậu.

"Phép màu" nông nghiệp Israel được triển lãm ở trung tâm Hà Nội. (Nguồn: Đại sứ quán Israel)

Công nghệ kết nối tương lai

Năm 2018, sự kiện Triển lãm công nghệ nước & nông nghiệp của Israel đã được tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Israel.

Tại lễ kỷ niệm, một bức tường lúa xanh rì nổi bật được "mọc lên" tại Tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar hào hứng chia sẻ "Bạn có thể trồng bất cứ loại cây lương thực nào ở trên tường, thật không tin nổi. Trồng trọt trên tường là công nghệ của tương lai”!

Canh tác theo phương thẳng đứng là một phương pháp mới nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực của môi trường đô thị ngày càng đông dân cư.

Trong bối cảnh quỹ đất nông nghiệp có hạn, các quốc gia đứng trước nguy cơ bị thu hẹp đất do khí hậu biến đổi và mực nước biển dâng cao, một trong những giải pháp bền vững được người Israel tính đến là lập nông trại trên các tòa nhà chọc trời ngay giữa trung tâm thành phố, hay còn được gọi là “nông trại thẳng đứng”.

Hiện nay, "nông trại thẳng đứng" đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Và mô hình đặc biệt này đã được đưa đến Cần Thơ, thành phố thuộc miền Nam Việt Nam nằm bên bờ sông Mekong, trong khuôn khổ một chương trình do Đại sứ quán Israel khởi xướng.

Mô hình trồng trọt này của người Israel đã trở thành một thứ gì đó đáng kinh ngạc. Theo nhiều chuyên gia, công nghiệp canh tác “nông trại thẳng đứng” hứa hẹn tạo ra một cuộc cách mạng nông nghiệp trong tương lai gần.

Đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức nhưng đất nước Israel đã vươn lên, trở thành quốc gia có sự đổi mới bậc nhất thế giới. Thành công về công nghệ của Israel là nguồn gốc giúp người dân nước này luôn tự hào khẳng định: “Sáng tạo là tài nguyên của chúng tôi” và "Israel là quốc gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới!".

Có thể thấy, chính sách ngoại giao Israel đang nỗ lực để truyền tải những sáng tạo mới về Israel trong ý thức toàn cầu, thu hút các quốc gia và dân tộc cùng đồng hành với đất nước này, tạo dựng các quan hệ đối tác mới vì hòa bình và thịnh vượng chung.

Nguồn tin: baoquocte.vn

LIÊN KẾT
Thống kê truy cập
  • Tổng lượt truy cập2,349,915
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay2,288
  • Tháng hiện tại78,573
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây